COVID-19: Brazil khả năng vượt Mỹ, có số người chết cao nhất

Tính đến ngày 1-8, Brazil có thể vượt Mỹ trở thành nước có số người chết do COVID-19 cao nhất thế giới. Đến nay, Brazil có hơn một triệu ca nhiễm và gần 50.000 ca tử vong.

Tính đến nay, Brazil ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm COVID-19 và gần 50.000 ca tử vong, đánh dấu một cột mốc nghiệt ngã cho quốc gia Nam Mỹ.

Theo đài CNN, Bộ Y tế Brazil hôm 19-6 thông báo thêm 54.771 ca nhiễm, nâng tổng ca nhiễm trên toàn quốc lên 1.032.913. Tính đến nay, 48.954 người đã tử vong do COVID-19 tại Brazil sau khi tăng thêm 1.206 ca.

Những ngôi mộ tượng trưng tại bãi biển Copacabana của Rio de Janeiro (Brazil). Các nhà hoạt động đào những ngôi mộ này để phản đối cách ứng phó COVID-19 của chính phủ. Ảnh: CNN

Những ngôi mộ tượng trưng tại bãi biển Copacabana của Rio de Janeiro (Brazil). Các nhà hoạt động đào những ngôi mộ này để phản đối cách ứng phó COVID-19 của chính phủ. Ảnh: CNN

Đại dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng tại Brazil mà không có dấu hiệu chậm lại khi các TP lớn tháo dỡ các biện pháp giãn cách xã hội và bắt đầu mở cửa nhà hàng, cửa hàng và các doanh nghiệp không thiết yếu khác.

Nhiều chuyên gia tin rằng số ca nhiễm COVID-19 tại Brazil có thể vượt qua Mỹ và Brazil sớm trở thành quốc gia có dịch nghiêm trọng nhất thế giới.

Bất chấp điều đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tiếp tục coi nhẹ mối đe dọa COVID-19 khi nghi ngờ các cơ quan y tế toàn cầu và cáo buộc các đối thủ cố hạ bệ uy tín về sự lãnh đạo của ông.

Tổng thống Bolsonaro sai lầm ngay từ đầu

Ban đầu, khi virus gây bệnh COVID-19 lây lan khắp các quốc gia như Trung Quốc, Ý và Mỹ, Brazil có vẻ như không bị virus xâm nhập. Khi đó, ông Bolsonaro chỉ miễn cưỡng đồng ý cho hồi hương những công dân Brazil từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc – tâm dịch khi đó vì lo lắng họ sẽ mang virus vào đất nước.

Brazil xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 26-2, là một người đàn ông bay tới Sao Paulo từ Ý. Một tháng sau, các ca nhiễm COVID-19 tại Brazil tăng lên tới gần 3.000 và số ca tử vong là 77.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro chào người ủng hộ khi đến Cung điện Planalto ở Brasilia hôm 24-5. Ảnh: CNN

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro chào người ủng hộ khi đến Cung điện Planalto ở Brasilia hôm 24-5. Ảnh: CNN

Vào khoảng thời gian này, ông Bolsonaro ban đầu chỉ so sánh COVID-19 như một bệnh cúm nhẹ và ngụ ý một cách sai lầm rằng người Brazil có thể miễn dịch với virus này.

“Người Brazil không nhiễm bất cứ thứ gì… Họ đã có kháng thể để ngăn nó lây lan”- Tổng thống Bolsonaro nói khi đó.

Tại cuộc họp báo hôm 26-3, ông Bolsonaro lần nữa nhấn mạnh rằng người Brazil có khả năng miễn dịch với COVID-19.

“Người Brazil nên được đưa vào nghiên cứu, chúng tôi không nhiễm bất cứ thứ gì. Các bạn nhìn thấy mọi người nhảy xuống nước cống, lặn trong đó và chẳng có gì xảy ra với họ cả”- ông Bolsonaro nói.

Cũng tại buổi họp báo, ông Bolsonaro tin rằng nhiều người Brazil đã bị nhiễm virus nhưng họ đã có kháng thể sẽ giúp virus không lây lan.

Các ca nhiễm lây lan nhanh chóng khắp quốc gia Brazil và việc đất nước này sẽ sớm trở thành một điểm nóng mới của dịch COVID-19 trở nên rõ ràng hơn.

Đến ngày 8-4, Brazil xác nhận hơn 15.000 ca nhiễm và 800 ca tử vong. Bất chấp những cảnh báo từ các chuyên gia y tế, hình ảnh ông Bolsonaro ôm những người ủng hộ tại một tiệm bánh địa phương ở thủ đô Brasilia và chụp ảnh mà không đeo khẩu trang xuất hiện vào ngày hôm sau.

Ông Bolsonaro tin rằng các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội mà nhiều quan chức áp đặt tại các TP lớn như Rido de Janeiro và Sao Paulo sẽ gây ra thiệt hại nhiều hơn thiệt hại do COVID-19 gây ra và dẫn đến suy thoái kinh tế ở Brazil.

Ông Bolsonaro thường xuyên bất đồng với các thị trưởng và thống đốc của một số khu vực có dịch nghiêm trọng. Hôm 16-4, ông Bolsonaro đã sa thải Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta sau khi ông bày tỏ ủng hộ việc đóng cửa doanh nghiệp và trường học nhằm ngăn virus lây lan.

Vào ngày cuối tuần tiếp theo, ông Bolsonaro đã tham dự một cuộc biểu tình chống phong tỏa ở Brasilia mà không đeo khẩu trang. Trong cuộc biểu tình, Bolsonaro có ho vài lần và bắt tay với những người ủng hộ.

Dùng thuốc trị sốt rét điều trị bệnh nhân COVID-19 dù WHO, Mỹ ngừng

Ông Nelson Teich, người kế nhiệm ông Mandetta làm Bộ trưởng Y tế Brazil cũng đã từ chức sau chưa đầy một tháng tại nhiệm. Một trong những bất đồng lớn giữa ông với Tổng thống Bolsonaro xoay quanh việc cho phép sử dụng thuốc trị sốt rét Chloroquine và Hydroxychloroquine để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Ông Eduardo Pazuello, một tướng quân đội không có kinh nghiệm về y tế, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế lâm thời sau khi ông Teich từ chức. Vài ngày sau, ông Pazuello bắt đầu thay thế vài vị trí chủ chốt trong Bộ Y tế bằng các nhân vật quân sự khác.

Thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine. Ảnh: AP

Thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine. Ảnh: AP

Trong vài tuần đầu tiên nhậm chức, ông Pazuello đã bổ nhiệm ít nhất chín cái tên vào các vị trí của Bộ Y tế để xử lý các vấn đề hoạch định, ngân sách và y tế công cộng.

Ông Pazuello cũng ra hướng dẫn mới cho phép sử dụng thuốc Chloroquine và Hydroxychloroquine để điều trị cho tất cả bệnh nhân có triệu chứng COVID-19.

Trong tuần này, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thu hồi giấy phép sử dụng thuốc Chloroquine và Hydroxychloroquine để điều trị bệnh nhân COVID-19. Cùng ngày hôm đó, Bộ Y tế Brazil mở rộng hướng dẫn về việc sử dụng hai loại thuốc trên cho cả phụ nữ mang thai và trẻ em.

Bộ Y tế Brazil cho hay những nghiên cứu mà FDA tham chiếu không thể lấy làm ví dụ cho phần còn lại của thế giới. Bộ Y tế Brazil tuyên bố rằng số trường hợp nhiễm COVID-19 đang giảm tại những khu vực có sử dụng hai loại thuốc trên, song không đưa ra bằng chứng.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 15-6 cho hay họ vẫn đang xem xét việc sử dụng thuốc Hydroxychloroquine cho các bệnh nhân COVID-19 trong cuộc Thử nghiệm Đoàn kết. Hồi tháng 5, WHO đã tạm ngưng thử nghiệm lâm sàng Hydroxychloroquine vì lo ngại về độ an toàn của thuốc.

Bắt đầu mở cửa

Thay vì thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, ông Pazuello tán thành việc thiết lập thêm trung tâm phân loại sức khỏe trên cả nước.

“Không có thứ gì gọi là cách ly 100% cả”, ông Pazuello gần đây nói với CNN.

Người dân mua sắm tại một con đường mua sắm nổi tiếng ở Sao Paulo, Brazil hôm 19-6. Ảnh: REUTERS

Người dân mua sắm tại một con đường mua sắm nổi tiếng ở Sao Paulo, Brazil hôm 19-6. Ảnh: REUTERS

Các TP của Brazil tuần trước đã rục rịch mở cửa. Tại khác khu đô thị lớn như Sao Paulo, trung tâm thương mại và khu chợ ngoài trời đã hoạt động trở lại sau ba tháng đóng cửa. Tình trạng đông người và giao thông đông đúc được truyền thông địa phương ghi nhận tại Sao Paulo.

Các quan chức Brazil khẳng định quyết định này được đưa ra dựa vào các điều kiện cải thiện như gia tăng số giường bệnh, đường cong ca nhiễm phẳng ở một số nơi. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng chuyện mở cửa đất nước vẫn còn xa vời và mở cửa đất nước vội vàng có thể gây ra nhiều ca nhiễm hơn.

Ngay sau khi Sao Paulo bắt đầu mở cửa, Thị trưởng Bruno Covas được xác nhận nhiễm COVID-19 hôm 13-6 nhưng không có triệu chứng. Ông Covas đang điều trị ung thư hạch. Tuyên bố từ văn phòng ông cho biết ông Covas sẽ làm việc tại nhà và tình trạng ông vẫn đang được theo dõi.

Khả năng Brazil vượt Mỹ, có số người chết do COVID-19 cao nhất thế giới

Tính đến ngày 1-8, Brazil có thể vượt Mỹ và trở thành nước có số người chết do COVID-19 cao nhất thế giới, đài CNN dẫn một mô hình theo dõi của ĐH Washington (Mỹ). Mô hình cũng dự báo số người chết do COVID-19 tại Brazil sẽ tăng lên gấp đôi thành 100.000 trong chưa đầy một tháng.

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ vượt Mỹ và sẽ là nạn nhân lớn nhất của COVID-19. Điều này có liên quan trực tiếp tới thực tế là chúng tôi không có kế hoạch quốc gia” – ông Miguel Lago, giảng viên tại ĐH Columbia và giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chính sách y tế của Brazil, nói với CNN.

Hiện nay, tại Brazil, số ca nhiễm đã tăng khoảng 30.000 một ngày và số ca tử vong tăng khoảng 1.200 một ngày.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho biết mức độ bùng phát dịch COVID-19 thực tế tại Brazil cao hơn các con số chính thức.

Các chuyên gia cho rằng việc thiếu xét nghiệm trên diện rộng ở Brazil là yếu tố chính góp phần làm tăng thêm sự không chắc chắn về dịch bệnh này.

“Con số 1 triệu ít hơn so với số người nhiễm bệnh thực tế. Con số thực tế có lẽ là ít nhất 3 triệu và thậm chí có thể lên tới 10 triệu người”, ông Alexandre Naime Barbosa, một giáo sư y khoa tại ĐH Sao Paulo cho biết.

Theo trang thống kê Worldometer, tính đến nay, toàn thế giới có hơn 8,7 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 462.000 ca tử vong.

Mỹ vẫn là nước có dịch nghiêm trọng nhất với hơn 2,2 triệu ca nhiễm và hơn 121.000 ca tử vong.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/covid19-brazil-kha-nang-vuot-my-co-so-nguoi-chet-cao-nhat-919667.html