COVID-19: Chờ chết trong các nhà tù quá tải của Philippines

Chính phủ Philippines đã phóng thích 10.000 phạm nhân nhưng các nhà vận động xã hội cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa, do các nhà tù tại nước này đã quá chật chội.

Các nhà tù ở Philipppines nổi tiếng đông đúc nhất thế giới, nên khi dịch COVID-19 lan tới thì những nơi này trở thành mặt trận mới trong cuộc chiến chống dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này, theo kênh Al Jazeera.

Các phạm nhân ngủ ngoài trời tại nhà tù TP Quezon ở Manila (Philippines). Ảnh: REUTERS

Các phạm nhân ngủ ngoài trời tại nhà tù TP Quezon ở Manila (Philippines). Ảnh: REUTERS

Hơn 300 trường hợp mắc COVID-19 đã được xác nhận tại các nhà tù ở Philippines, trong đó nhiều nhất là tại các trung tâm giam giữ ở tỉnh Cebu, phía nam nước này. Ít nhất bốn phạm nhân đã thiệt mạng do COVID-19, trong khi hàng chục người làm việc trong các nhà tù cũng dương tính với COVID-19.

Cuối tuần trước, Phó Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines - ông Mario Victor Leonen nói với truyền thông rằng khoảng 10.000 phạm nhân sẽ được phóng thích nhằm ngăn chặn sự lây lan virus trong các trung tâm giam giữ của nước này.

Các phạm nhân đã được phóng thích theo chỉ thị của Tòa án Tối cao. Theo chỉ thị, việc phóng thích sẽ áp dụng cho những người đang bị giam giữ trước phiên xử do không có khả năng trả tiền bảo lãnh, cũng như những phạm nhân lớn tuổi, đau ốm và những người bị kết án sáu tháng tù hoặc dưới sáu tháng tù.

Philippines là nước có công suất nhà tù cao nhất thế giới. Năm 2016, sau chiến dịch bài trừ ma túy mạnh tay do Tổng thống Rodrigo Duterte khởi xướng, hơn 220.000 người bị bắt giữ. Con số này đã đặt ra thêm vấn đề cho các nhà tù của nước này.

Ngoài ra, hàng ngàn người đã bị tạm giam kể từ tháng 3 do vi phạm các quy định cách ly nhằm kiềm chế dịch COVID-19 lây lan.

“Đang chờ chết”

Theo Cục Quản lý nhà tù và hình phạt (BJMP) của Philippines, tỉ lệ quá tải trong nhà tù ở nước này là 534%. Dữ liệu toàn cầu cho thấy 215.000 người bị giam trong các nhà tù vốn chỉ có thể chứa khoảng 41.000 người. Khoảng ¾ trong số họ đang chờ xét xử.

Hôm 20-3, BJMP đã ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ đối với hơn 400 trung tâm giam giữ nhằm ngăn virus lây lan.

“Chúng tôi chỉ biết chờ chết ở đây. Tôi cảm thấy bất lực, giống như chúng tôi đang chờ virus đến” - một nam phạm nhân 61 tuổi nói với kênh Al Jazeera qua điện thoại. Qua điện thoại, PV của kênh Al Jazeera có thể nghe thấy tiếng ho của một phạm nhân khác.

ICRC thiết lập một khu cách ly tạm thời tại nhà tù TP Quezon. Ảnh: Al Jazeera

ICRC thiết lập một khu cách ly tạm thời tại nhà tù TP Quezon. Ảnh: Al Jazeera

Phạm nhân này yêu cầu không tiết lộ danh tính và nơi giam giữ ông. Người này đã được chuyển tới một phòng giam khác do tuổi cao và thường xuyên bị sốt, cảm lạnh kể từ khi ông bị giam hồi đầu năm.

Phòng giam mới này vốn dành cho hai người nhưng hiện giờ chứa tới 11 người. Tuy nhiên, ông nói rằng dù gì vẫn còn tốt hơn so với những phòng giam ông từng ở.

“Còn tốt hơn việc phải ngủ trên cầu thang, người này chồng lên người kia” - ông nói.

Tất cả phạm nhân sẽ được phát khẩu trang nhưng có nhiều người nói không thoải mái khi đeo khẩu trang trong cái nóng ngột ngạt của mùa hè và trong một không gian quá chật chội đến mức không thể bước hai bước mà không va vào người khác.

Thậm chí, trước khi bùng phát COVID-19, tại một buổi điều trần của Thượng viện hồi tháng 10-2019, các nhà chức trách bệnh viện nhà tù nói rằng ước tính hằng năm có khoảng 5.000 người tử vong trong nhà tù Bilibid, một trong những nhà tù lớn nhất Philippines ở Muntinlupa, phía nam Manila. Giới chức cho rằng họ tử vong chủ yếu do các điều kiện sức khỏe kém.

Tuy nhiên, người phát ngôn Cục Cải chính - ông Gabriel Chaclag nói rằng con số thực sự là khoảng 400-500 ca tử vong mỗi năm.

Các chuyên gia cho hay tình trạng thông khí kém, thiếu vệ sinh và thực phẩm kém chất lượng kết hợp tình trạng quá tải đã góp phần làm các bệnh truyền nhiễm lây lan trong các nhà tù.

Tuần trước, Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) bày tỏ lo ngại việc COVID-19 đang lây lan nhanh hơn trong các trung tâm giam giữ và các trường hợp tử vong trong nhà tù không được báo cáo đầy đủ.

“Chỉ có nhân viên trại giam mặc đồ bảo hộ đầy đủ mới được phép xử lý những thi thể” - người phát ngôn của BJMP - ông Xavier Solda nói.

Ông Solda cũng nói rằng những trường hợp tử vong không được báo cáo là không có khả năng, do nhà chức trách bắt buộc phải thông báo cho người nhà nếu có phạm nhân tử vong.

“Tuy vậy, chúng tôi sẽ không xem nhẹ thông tin này và sẽ điều tra thêm” - ông Solda khẳng định.

“Thay vì phủ nhận và vặn vẹo, các nhà chức trách nhà tù nên công bố thông tin về những cái chết đáng ngờ của những người bị giam giữ” - ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW, nói.

Ít xét nghiệm

Do mức độ xét nghiệm thấp nên khó có thể biết chính xác mức độ lây nhiễm trong các cơ sở giam giữ tại Philippines. Điều này gây ra sự chậm trễ trong việc công bố kết quả xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19.

Bộ Y tế Philippines trở thành tâm điểm chỉ trích vì từ chối thực hiện xét nghiệm hàng loạt. Trước sức ép dư luận và sau khi rò rỉ tài liệu cho thấy các chính trị gia nước này đã tự xét nghiệm cho mình và cho các thành viên gia đình, chính phủ Philippines đã bắt đầu một chương trình xét nghiệm mở rộng và mục tiêu xét nghiệm khoảng 8.000 người mỗi ngày.

Trước khi COVID-19 bùng phát, nhà chức trách cho biết hàng ngàn người đã chết tại nhà tù Bilibid, một trong những nhà tù lớn nhất Philippines ở Muntinlupa, phía nam Manila. Ảnh: EPA

Trước khi COVID-19 bùng phát, nhà chức trách cho biết hàng ngàn người đã chết tại nhà tù Bilibid, một trong những nhà tù lớn nhất Philippines ở Muntinlupa, phía nam Manila. Ảnh: EPA

Bộ Y tế Philippines cho hay họ đang làm việc với các giới chức nhà tù để thực hiện “xét nghiệm có mục tiêu” trong các nhà tù.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã thiết lập các cơ sở cách ly trong các nhà tù có chọn lọc nhằm cách ly những phạm nhân có triệu chứng của COVID-19. Hiện tại, các khu cách ly có thể chứa khoảng 500 bệnh nhân và ICRC đang làm việc với các nhà chức trách để xây dựng thêm khu cách ly.

“Những tháng mùa hè sẽ mang theo các bệnh theo mùa như nhiễm trùng da, tiêu chảy và cúm, điều này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề” - Harry Tubangi, Giám đốc chương trình Sức khỏe giam giữ của ICRC, cho biết.

Bà Fides Lim, người phát ngôn của KAPATID (một hiệp hội của tổ chức Gia đình và bạn bè của các tù nhân chính trị ở Philippines), cho rằng: “Các nhà tù giống như bom hẹn giờ COVID-19. Bây giờ chúng tôi đang nhìn thấy nó phát nổ từng chút một”.

Hôm 15-4, Tòa án Tối cao Philippines đã ra lệnh phóng thích các phạm nhân có đủ điều kiện để được tạm thả và hưởng khoan hồng của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Philippines Markk Parete cho hay hiện có khoảng 200 đơn xin phóng thích đang được xử lý và trong vài ngày tới sẽ có quyết định. Những ai được duyệt đơn sẽ phải cách ly hai tuần trước khi được thả.

Bà Arlene Perez, mẹ của một nữ phạm nhân 26 tuổi, nói rằng bà hy vọng con gái mình - cô Ge-Ann nằm trong số những người được phóng thích. Cô Ge-Ann mắc bệnh phong và bị giam từ năm ngoái.

“Con bé cần cồn, xà phòng và thuốc. Tôi không biết bây giờ làm thế nào con bé có được những thứ đó” - bà Perez cho biết. Lần gần đây nhất bà nói chuyện với con mình là hôm 8-3.

Ông Raymund Narag, giáo sư về tội phạm học và tư pháp hình sự tại ĐH Southern Illinois (Mỹ), nói rằng cách duy nhất để kiểm soát lây nhiễm virus trong các nhà tù quá tải là phóng thích phạm nhân.

Hiện chưa rõ 10.000 phạm nhân được thả ra hồi cuối tuần trước có xét nghiệm hay chưa. Bộ Y tế Philippines chưa có phản hồi.

Trong khi ông Narag tán thành một số biện pháp đã được thực hiện, như ngăn nhân viên nhà tù về nhà gặp người thân của họ vì như vậy nguy cơ nhiễm bệnh là có. Ông lưu ý rằng cho dù nhà tù được bảo vệ cẩn thận nhất cũng không thể không dính virus.

“Nếu các phạm nhân không được thả, nhà tù sẽ trở thành tâm dịch của nước này” - ông Narag nhận định.

Theo số liệu của trang thống kê Worldometer, Philippines hiện có 9.684 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó 637 người đã tử vong.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/covid19-cho-chet-trong-cac-nha-tu-qua-tai-cua-philippines-910652.html