Covid-19 chưa dứt hẳn, sốt xuất huyết lại tràn đến

Những ai đã từng mắc sốt xuất huyết đều cho rằng, đó là 'cơn ác mộng', khủng khiếp không kém Covid-19. Đáng lo ngại là số ca sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng.

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện nhi Trung ương

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện nhi Trung ương

“Cơn ác mộng”

Chị Nguyễn Thúy Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa trải qua 2 tuần kinh hoàng khi dịch sốt xuất huyết ghé thăm gia đình. Chị là người mắc bệnh đầu tiên, sau đó đến chồng và hai con.

Khi mới mắc bệnh, chị nghĩ chỉ vài ngày cắt sốt là đỡ mệt, nhưng không ngờ rằng căn bệnh này lại khủng khiếp đến vậy. Chị không thể ăn được gì, cứ ăn là nôn, cũng không thể đứng dậy vì đứng lên là muốn ngã. Đầu óc lúc nào cũng quay cuồng và đau như có người đang chà xát, đến đi vệ sinh cũng cần có người đỡ. Chưa bao giờ chị Hạnh cảm thấy bất lực như vậy.

Chồng chị thì sốt đến 40 độ C và không thuốc nào hạ được. Một người đàn ông vốn là chỗ dựa của cả nhà, nhưng khi mắc sốt xuất huyết cũng không thể tự đi được. Cả nhà chị mắc cùng một thời điểm nên không thể chăm sóc cho nhau, phải nhờ ông bà nội ngoại đến trợ giúp. “Lúc mắc Covid-19, tôi rất sợ, nhưng khi trải qua sốt xuất huyết tôi thấy đây mới thực sự là nỗi là kinh hoàng”, chị Thúy Hạnh kể lại.

Theo bác sỹ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người dân phải hết sức cảnh giác vì đang trong thời điểm xuất hiện cả cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, Covid-19, nên các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn. Nếu trong người có biểu hiện sốt, mệt mỏi thì nên tới cơ sở y tế kiểm tra xác định xem bệnh gì để được theo dõi sát sao.

Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như: người bệnh tự nhiên bồn chồn, hoặc sốt li bì, nôn, đau bụng hoặc tăng cảm giác đau. Người bệnh tiểu ít, xuất hiện dấu hiệu chảy máu bất kỳ chỗ nào như chân răng, máu cam thì cần nhập viện ngay.

Còn chị Thu Huyền (Nam Từ Liêm, Hà Nội), người cũng từng mắc Covid-19 và mới đây bị cả sốt xuất huyết cho biết, sốt xuất huyết mệt gấp mười lần so với Covid-19.

Chị Huyền phải nhập Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để điều trị 10 ngày. Khi ra viện, cơ thể chị xanh như tàu lá, cân nặng giảm từ 51 kg xuống còn 46 kg.

Theo các chuyên gia y tế, sở dĩ dịch sốt xuất huyết nguy hiểm bởi bệnh này chưa có vắc-xin và diễn biến bệnh thường trở nặng và nhanh bất ngờ. Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh với trung bình hơn 1.200 ca/tuần, tính từ đầu năm, Thành phố ghi nhận gần 9.800 ca mắc, 12 ca tử vong, tăng hơn 3 lần so với năm 2021.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân nặng tới khám và điều trị sốt xuất huyết, trong đó 10% bệnh nhân nặng nhập viện. Khoa cấp cứu hiện có 30 giường bệnh, thì 25 giường dành cho bệnh nhân sốt xuất huyết cần theo dõi tích cực.

TS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, năm nay sốt xuất huyết nặng hơn mọi năm. Đáng lưu ý, có tới gần 50% bệnh nhân nhập viện có các dấu hiệu cảnh báo trở lên như: đau bụng dữ dội, chảy máu lợi, nôn ra máu, thở gấp, đau đầu, chóng mặt, tiểu cầu giảm sâu…

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, theo bác sỹ Hà Huy Tình, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, năm nay số bệnh nhân sốt xuất huyết có tiểu cầu từ 3 đến 5G/L gia tăng. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình 150-450G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L, mức nghiêm trọng là 10-20G/L.

Người dân còn chủ quan

Về nguyên nhân gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong thời gian gần đây, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ ra, đây là thời điểm thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó, năm nay là chu kỳ 5 năm một lần sốt xuất huyết tăng cao. Theo dự báo, đỉnh dịch năm 2022 có thể rơi vào trung tuần tháng 11.

Một nguyên nhân khác khiến dịch ngày càng trở nên phức tạp là do tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên.

Bên cạnh đó, do người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, khi có những triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết chưa đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thường bệnh nhân đến các cơ sở y tế muộn, hoặc tự điều trị tại nhà nên diễn biến bệnh bị nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, Xuân La là một trong 2 phường trọng điểm về sốt xuất huyết của quận Tây Hồ (Hà Nội) với số ca mắc và số ổ dịch đứng thứ hai toàn quận.

Có mặt ở đây vào ngày cuối tuần, chúng tôi thấy tại khu vực tập trung nhiều nhà trọ, khu dân cư gần bãi phế thải còn tồn đọng rác thải, dụng cụ chứa nước - một trong những nơi để bọ gậy phát triển thành muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Ở một số công trường đang thi công, vật liệu xây dựng còn để ngổn ngang, những tấm cốt pha, phế thải… xếp chồng lên nhau dưới nền đất ẩm thấp, nước đọng, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, với dịch sốt xuất huyết, giải pháp quan trọng nhất là tổng vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch và bệnh nhân mắc bệnh để có phương án xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng.

Các chuyên gia y tế lưu ý nguy cơ biến chứng do sốt xuất huyết. Do chưa có thuốc đặc trị nên điều trị sốt xuất huyết bằng kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Người mắc sốt xuất huyết không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết.

Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều, người bệnh không ăn uống được, đã giảm hoặc hết sốt nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu; chân tay ẩm, lạnh; chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo… thì phải khẩn trương nhập viện.

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/covid-19-chua-dut-han-sot-xuat-huyet-lai-tran-den-d177443.html