Covid-19 đã hồi sinh môi trường thế nào?
Một số nghiên cứu cho thấy, bên cạnh những tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội toàn cầu của dịch bệnh Covid-19, thì gần đây khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm mạnh ở nhiều nơi, và chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là các tháng 3, 4 và 5.
Những thập kỷ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng khí thải carbon dioxide được ước tính đã tăng khoảng 1% mỗi năm, và không có sự tăng trưởng trong năm 2019.
Thế nhưng, theo như ước tính được công bố vào tháng 5 trên tạp chí Nature Climate Change, khi đại dịch Covid-19 lên đỉnh điểm buộc phần lớn thế giới phải giãn cách vào đầu tháng 4, lượng khí thải CO2 hàng ngày đã giảm 17% so với mức trung bình trong năm 2019, tương đương với lượng khí thải carbon hàng ngày năm 2006.
Việc giảm khí thải chủ yếu là kết quả của sự ngưng trệ giao thông và công nghiệp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là một trong những đợt giảm phát thải lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận. Tuy nhiên, họ cũng nói thêm rằng điều này chỉ tạm thời. Nếu không có những thay đổi mang tính hệ thống và lâu dài hơn thì khi các biện pháp xóa bỏ giãn cách và đại dịch lắng xuống, lượng khí thải toàn cầu ước tính sẽ trở lại gần mức 2019.
Vào đầu tháng 4, lượng khí thải CO2 hàng ngày đã giảm 17% so với mức trung bình trong năm 2019. (ảnh TL)
Trong nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phân tích các biện pháp giãn cách ở 69 quốc gia, 50 bang ở Mỹ, và 30 tỉnh thành ở Trung Quốc, tương đương với 85% dân số thế giới và 97% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ sáu lĩnh vực kinh tế chính - bao gồm điện (44,3% lượng khí thải CO2 hóa thạch toàn cầu), công nghiệp (22,4%), vận tải mặt đất (20,6%), vận tải hàng không (2,8%), công trình công cộng (4,2%), và nhà ở (5,6%) - để so sánh lượng khí thải mỗi ngày trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay với mức trung bình cùng kỳ năm 2019.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự sụt giảm lớn nhất về lượng khí thải carbon đến từ các phương tiện mặt đất, ước tính giảm đến 36% tính đến 7/4.
Tuy nhiên, lượng khí thải carbon ở lĩnh vực nhà ở có sự tăng nhẹ, khoảng 2,8%.
Điều này có thể là do mọi người hầu hết đều ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội, dẫn đến việc sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng tiện ích trong nhà nhiều hơn so với bình thường.
Tuy nhiên, do lượng phát thải nhà ở chỉ chiếm 5,6% và sự giảm phát thải mạnh ở các ngành kinh tế còn lại nên lượng tăng này không đáng kể.
Bên cạnh những thay đổi về lượng khí thải, theo Sciencedaily dẫn nguồn từ đại học Imperial College London, việc đóng cửa, hạn chế đi lại ở các quốc gia cũng đã khiến những địa chấn liên quan đến hoạt động của con người trên Trái Đất giảm khoảng 50% giữa tháng 3 và tháng 5, 2020.
Nhiều nước đã có động thái nới lỏng giãn cách xã hội sau khi cơ bản khống chế được dịch bệnh. Khi đó, sản xuất lại được đẩy mạnh và người dân tiếp tục sử dụng phương tiện giao thông làm tăng "dấu chân" carbon.
Cụ thể như ở nước ta, tình hình chất lượng không khí vào tuần cuối tháng 7 tại Hà Nội kém hơn so với các tuần trước, nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát.
Trong khi các khu vực ngoại thành có chỉ số chất lượng không khí AQI (Air Quality Index) duy trì ở mức tốt và ổn định.
AQI đo tại các khu vực chịu nhiều tác động từ phương tiện giao thông, công trình xây dựng lại ở mức trung bình, thậm chí tăng đột biến lên mức xấu vào sáng ngày 28/7.
Các chất ô nhiễm còn tồn lưu vào tối hôm trước, cộng với phương tiện lưu thông trên đường phố vào sáng sớm càng làm chất lượng không khí tệ đi. Thêm vào đó, khi thời tiết thủ đô đang có lượng mưa không đáng kể, trời âm u, đứng gió và nhiều mây, khói, bụi mịn lơ lửng trên bầu khí quyển không khuếch tán được.
Như vậy, có thể chất lượng không khí và những khía cạnh khác của môi trường được cải thiện trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài, những chuyển biến này sẽ không được duy trì.
Lịch sử cho thấy rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, lượng khí thải nhà kính đã tăng vọt trở lại khi nền kinh tế được khôi phục. Các nhà khoa học cũng quan ngại việc môi trường trở nên tốt hơn mang lại tâm lí chủ quan, những nước như Mỹ và Úc không còn thắt chặt các chính sách môi trường như trước cũng như đầu tư chậm vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Mỗi cá nhân có thể tạo nên những thay đổi đơn giản từ việc đi du lịch hay di chuyển ít đi. Nhưng theo Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (IEA), khí thải toàn cầu lại được tạo ra chủ yếu từ hoạt động sản xuất năng lượng, vận chuyển và công nghiệp nặng, tức là chính phủ và nhà lãnh đạo của các ngành công nghiệp cần phải dần chuyển hướng sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn.
Có lẽ ai cũng đã rõ về những điểm tương đồng giữa hai cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Nếu thế giới cùng nhau tiếp cận những cuộc khủng hoảng về môi trường bằng những biện pháp “chưa có tiền lệ”, cấp bách và cứng rắn như cách chúng ta đã và đang đương đầu với Covid-19, việc giảm thiểu đến mức tối đa tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu là hoàn toàn có thể.
Trà Nguyễn - Lạc Thư
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/covid-19-da-hoi-sinh-moi-truong-the-nao-post89441.html