Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng không ngừng hoạt động, các viện bảo tàng, khách sạn phải đóng cửa và các điểm đến nhộn nhịp du khách trên thế giới từ Paris tới Phuket bị trở thành “những thị trấn ma”.
Tháng 3-2020: Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân khắp châu Âu khi đợt bùng phát Covid-19 lên đỉnh điểm tại Italy. Những bức ảnh chưa từng có ở quảng trường Piazza Duomo, TP Milan đang được khử trùng lan truyền trên toàn cầu. Đối với nhiều người, những hình ảnh về việc Italy đóng cửa đất nước là điềm dự báo về tương lai ảm đạm của ngành du lịch toàn cầu.
Ai có thể quên được những hình ảnh các quảng trường nổi tiếng đông đúc du khách ở Italy chỉ có vài nhân viên phun thuốc khử trùng khi đất nước này trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa? Hay những bức ảnh chụp từ trên cao một sân bay đông đúc nhưng chỉ toàn máy bay chở khách nằm chờ ngày được trở lại bầu trời?
Sau đó, bắt đầu có những hình ảnh về thế giới dần dần mở cửa trở lại vào mùa hè năm ngoái. Sẽ không ai nghĩ có ngày uống cà phê mà phải đội những chiếc mũ đặc biệt để duy trì giãn cách xã hội và người xếp hàng đeo khẩu trang để chiêm ngưỡng tác phẩm nàng Mona Lisa ở bảo tàng Louvre.
Không thể kìm nén ham muốn xê dịch hơn nữa, người ta đã nghĩ ra các chuyến bay không điểm đến, vội bay quét qua các địa danh của Australia trước khi quay trở lại điểm xuất phát, hoặc các tour du lịch bằng thuyền đưa hành khách chiêm ngưỡng những con tàu lớn không hoạt động đang neo đậu ở ngoài khơi bờ biển phía nam nước Anh.
Gần đây, những tin tức về vaccine Covid-19 đang mang lại hy vọng rằng các chuyến du lịch quốc tế sẽ sớm trở lại một cách an toàn. Đại dịch Covid-19 đã hoàn toàn thay đổi thế giới và cho đến nay, du lịch toàn cầu vẫn bị đóng băng. Hãy cùng nhìn lại một năm khó khăn chưa từng có trong lịch sử của du lịch toàn cầu qua những bức ảnh dưới đây:
Tháng 4-2020: Khi lệnh phong tỏa và cấm đi lại được áp dụng, phần lớn đội máy bay trên thế giới phải nằm chờ tại sân bay và bầu trời trở nên yên tĩnh. Bức ảnh là hình ảnh đội máy bay Qantas đang đậu tại sân bay Sydney, Australia.
Tháng 5-2020: Lệnh đóng cửa kéo dài, các khách sạn và nhà hàng đã tìm kiếm những cách mới để hoạt động. Vào tháng 5, một quán cà phê ở Berlin, Đức đã hướng dẫn khách hàng đội mũ gắn thanh xốp tập bơi để bảo đảm giãn cách.
Tháng 6-2020: Một số khách sạn đã trở thành trung tâm cách ly trong đại dịch. Cụm từ “cách ly tại khách sạn” đã trở thành cụm từ mới trong từ điển du lịch. Trong ảnh, Khách sạn Michelangelo tại Milan, nơi cách ly những du khách mắc Covid-19.
Tháng 7-2020: Trước năm 2020, bảo tàng Louvre của Paris luôn đông nghẹt du khách. Khi bảo tàng mở cửa trở lại sau nhiều tháng đóng cửa vì đại dịch, Louvre đã cắt giảm số lượng khách thăm quan, thực hiện di chuyển một chiều, bắt buộc khách phải đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách.
Tháng 8-2020: Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp du lịch. Đến tháng 8, các tàu du lịch phải nằm chờ tại các cảng trên khắp thế giới, bao gồm cả Weymouth, miền nam nước Anh (ảnh). Một người địa phương đầy kinh nghiệm, ông Paul Derham, đã bắt đầu chạy các tour du lịch “tàu du lịch ma” ngoài khơi bờ biển miền nam nước Anh, đưa những người có nhu cầu ra ngoài khơi để chiêm ngưỡng những du thuyền khổng lồ đang neo đậu ngoài cảng.
Tháng 9-2020: Ngành công nghiệp du lịch đã bị tàn phá bởi đại dịch, với nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng không đón nhận du khách quốc tế. Trong ảnh là hình ảnh những chiếc ghế dài không người được chụp tại khu nghỉ dưỡng Vijitt sang trọng ở Phuket, Thái Lan vào tháng 9.
Tháng 10-2020: Khi Qantas công bố kế hoạch thực hiện một chuyến bay tham quan "bay đến hư không" cất cánh và hạ cánh từ Sydney và bay qua các địa danh nổi tiếng nhất của Australia, vé đã được bán hết trong vòng chưa đầy 10 phút. Chuyến bay diễn ra vào ngày 10-10. Mặc dù giúp “giải tỏa cơn khát” du lịch của nhiều người, chuyến bay đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm môi trường vì sử dụng nhiên liệu không cần thiết.
Tháng 11-2020: Từng là trọng tâm của các biện pháp phòng, chống Covid-19 nhằm ngăn chặn tình trạng du khách đông quá mức, kỳ quan khảo cổ học Machu Picchu ở Peru đã bị đóng cửa trong nhiều tháng trong thời gian xảy ra đại dịch. Thánh địa Inca mở cửa trở lại vào ngày 1-11-2020, với các biện pháp hạn chế mới được áp dụng.
Tháng 12-2020: Tuần cuối cùng của năm 2020. Trong ảnh là sân bay La Guardia ở New York vào đêm Giáng sinh. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đã khiến nhiều nơi trên thế giới yêu cầu cách ly bắt buộc trong khi nhiều quốc gia vẫn đóng cửa biên giới, khiến nhiều người không thể đoàn tụ với người thân trong dịp cuối năm.
Tháng 1-2021: Thế giới đón mừng Năm mới 2021 trong yên lặng. Những lễ đón năm mới truyền thống tại các khu nghỉ dưỡng, ở các bãi biển, trên du thuyền hay tập trung xem pháo hoa, mở tiệc đông người xuyên đêm giao thừa không có mặt trong kỳ nghỉ lễ năm mới 2021. Thay vào đó, mọi người ở yên trong nhà và cầu mong một năm 2021 khống chế được đại dịch để du lịch được trở lại.
Tháng 2-2021: Các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở châu Âu được cho là đóng vai trò chính của tình trạng lây lan Covid-19 trên thế giới trong thời gian đầu năm 2020. Sau đó, nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đã buộc phải đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa Covid-19. Trong ảnh: bình minh không bóng người tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Cortina d’Ampezzo, Italy.
Tháng 3-2021: Việc tiêm chủng vaccine Covid-19 được đẩy nhanh ở một số khu vực, hứa hẹn nhiều triển vọng tích cực cho tương lai của du lịch. Tại Israel, hơn 50% dân số đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ. Chính phủ nước này đang thử nghiệm hệ thống “thẻ xanh” (hộ chiếu vaccine) để cho phép những công dân đã tiêm phòng được tới nhà hàng, rạp hát.
N.T (theo CNN)