Covid-19: Dubai triển khai vaccine Trung Quốc, chuyên gia WHO tiếp cận bệnh viện Vũ Hán, vẫn tái nhiễm virus sau tiêm vaccine ở Israel

Ngày 30/1, Dubai cho biết sẽ đưa vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) ra công chúng trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh tại trung tâm du lịch ở Trung Đông này.

Dubai sẽ đưa vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) ra công chúng. (Nguồn: ABC News)

Dubai sẽ đưa vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) ra công chúng. (Nguồn: ABC News)

Trong một tuyên bố, văn phòng truyền thông Dubai cho hay, chương trình vaccine của hãng Sinopharm sẽ bắt đầu từ ngày 31/1, tất cả công dân Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều đủ điều kiện được tiêm vaccine. Người cao tuổi cũng được lợi từ chiến dịch này.

Dubai đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng trong tháng 12 năm ngoái với vaccine ngừa Covid-19 do hãng được phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Anh) sản xuất.

* Bộ Y tế Israel thông báo trong tổng số 715.427 người được tiêm xong 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer, chỉ có 317 người bị tái nhiễm virus SARS-CoV-2, chiếm 0,04%. Trong số các bệnh nhân này cũng chỉ có 16 người bị các triệu chứng nặng và phải nhập viện.

Theo Bộ Y tế Israel, hiện vẫn chưa thể so sánh hiệu quả của tiêm vaccine tại nước này với hiệu quả do hãng dược phẩm Pfizer công bố khi thử nghiệm, do thời gian theo dõi chưa đủ dài. Tuy nhiên, đã có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm được tiêm vaccine và nhóm chưa được tiêm.

Ngoài ra, mặc dù chưa thể khẳng định cụ thể về nguy cơ nhiễm virus sau khi tiêm đủ hai liều, nhưng nguy cơ này đã được giảm đáng kể.

Các bệnh viện ở Israel đang theo dõi những bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng sau khi tiêm đủ hai liều vaccine, để đánh giá xem họ có sức đề kháng tốt hơn so với các bệnh nhân chưa tiêm hay không; hoặc có thể họ đã bị nhiễm biến thể khác của virus SARS-CoV-2 .

Hiện Israel có 1.156 bệnh nhân Covid-19 nặng đang phải điều trị trong bệnh viện, gồm 322 người dưới 60 tuổi, và 83% chưa được tiêm vaccine. Tính đến ngày 30/1, Israel ghi nhận gần 634.000 người mắc Covid-19. Quốc gia này cũng đã tiêm phòng được trên 2,96 triệu dân.

* Ngày 30/1, cảnh sát Anh đã buộc tội một đối tượng gửi gói hàng khả nghi đến một nhà máy ở Wales chuyên sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca, mà hậu quả là nhà máy phải tạm ngừng hoạt động vì lý do an ninh.

Cảnh sát hạt Kent cho biết đối tượng Anthony Collins, 53 tuổi, đã bị buộc tội gửi bưu kiện khả nghi đến nhà máy Wockhardt ở Wrexham. Đội tháo gỡ chất nổ được huy động để kiểm tra gói đồ này. Trong một tuyên bố sau đó, cảnh sát cho biết gói hàng "vô hại".

Nhà máy Wockhardt ở Wrexham thực hiện những khâu cuối cùng trong chu trình sản xuất vaccine khép kín AstraZeneca ở Anh, cụ thể là bơm vaccine vào lọ hoặc ống tiêm và đóng gói chúng.

AstraZeneca đã đồng ý cung cấp cho Anh 100 triệu liều vaccine Covid-19 do Đại học Oxford phát triển và vaccine này được tiêm cho người dân trong chương trình tiêm chủng đại trà tại Anh.

Hãng này hiện đang tranh cãi với Liên minh châu Âu (EU) sau khi cắt nguồn cung cấp vaccine cho Brussels với lý do nhà máy tại Bỉ gặp trục trặc trong quy trình sản xuất.

* Ngày 30/1, người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Covid-19 Alireza Raisi cho biết, những du khách tới Iran từ châu Âu sẽ được yêu cầu xét nghiệm lại và tự cách ly trong vòng 2 tuần sau khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Raisi cho hay những du khách từ các khu vực khác, trong đó có các nước láng giềng sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi tới Iran.

Trước đó, du khách đến Iran từ châu Âu sẽ chỉ bị yêu cầu có kết quả âm tính với virus này.

* Từ ngày 31/1, Pháp sẽ đóng cửa biên giới với các nước ngoài EU nhằm khống chế số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Thủ tướng Pháp Jean Castex đã công bố quyết định trên ngày 29/1 sau cuộc họp của các thành viên Hội đồng Bảo vệ sức khỏe giữa Tổng thống Emmanuel Macron và các bộ trưởng hàng đầu tại Điện Elysee.

Ông Castex nhấn mạnh: "Kể từ nửa đêm 31/1, mọi hoạt động nhập cảnh vào Pháp từ một quốc gia bên ngoài EU và xuất cảnh đến một quốc gia ngoài EU đều sẽ bị cấm, trừ khi có lý do đặc biệt" và người muốn nhập cảnh "buộc phải trải qua xét nghiệm PCR, trừ những công nhân qua lại biên giới làm việc".

Thủ tướng Pháp lý giải, quyết định mới này được đưa ra do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Anh và Nam Phi có nguy cơ cao làm gia tăng số lượng ca nhiễm bệnh.

* Trong một diễn biến khác, chính phủ Na Uy cho biết sẽ từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa tại vùng thủ đô, cho phép một số cửa hàng và hoạt động giải trí mở cửa trở lại từ ngày 3/2 tới.

Trước đó, sự bùng phát số ca nhiễm biến thể mới ở Anh đã khiến Na Uy siết chặt các biện pháp phòng dịch từ ngày 23/1, trong đó có việc lần đầu tiên đóng cửa mọi cửa hàng không thiết yếu.

Tuy nhiên, phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Bent Hoeie cho biết: "Số ca nhiễm đang liên tục giảm và giờ đây tình hình đã được cải thiện".

Mặc dù vậy, tình hình tại và quanh thủ đô Oslo vẫn chưa chắc chắn, vì vậy việc nới lỏng ở đây sẽ được thực hiện từng bước.

* Chính quyền Vùng lãnh thổ thủ đô Australia (ACT) cho biết đã phát hiện các dấu vết của virus SARS-CoV-2 trong nước thải ở vùng ngoại ô phía Bắc thủ đô Canberra.

Trên trang mạng chính thức ngày 30/1, ACT cho biết dấu vết của virus được tìm thấy trong một mẫu nước thải tại khu vực Belconnen, thu thập ngày 27/1.

Bà Vanessa Johnston, Phó giám đốc cơ quan y tế của ACT, cho biết phát hiện trên không có nghĩa là ACT đã ghi nhận những ca nhiễm mới, nhưng cần hết sức thận trọng.

* Liên quan tình hình dịch bệnh, cùng ngày 30/1, Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày ở mức cao nhất (14.518 ca), nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 1,06 triệu ca. Ngoài ra, ngày 30/1 cũng ghi nhận 210 ca tử vong mới; tổng số ca tử vong tại hiện là 29.728 ca.

* Ngày 30/1, đoàn chuyên gia quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu nhằm tìm nguồn gốc căn bệnh Covid-19 đã tới thăm bệnh viện Jinyintan tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi đã điều trị cho những bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong ngày thứ hai sau hai tuần phải cách ly, phái đoàn điều tra đã tới bệnh viện trên. Các bác sĩ đã thu thập các mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân được chẩn đoán là mắc bệnh viêm phổi lạ hồi cuối năm 2019.

Trên mạng Twitter, một thành viên phái đoàn, chuyên gia Peter Daszak cho biết đây là cơ hội quan trọng để trao đổi trực tiếp với các bác sĩ ở tuyến đầu trong giai đoạn quan trọng của cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Nhóm chuyên gia của WHO đến Vũ Hán ngày 14/1. Theo kế hoạch, nhóm sẽ thực hiện cuộc điều tra kéo dài nhiều tuần. WHO nêu rõ chuyến công tác này thuần túy là về khoa học để làm rõ cách thức lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Tân Hoa Xã đưa tin, các nhà khoa học của WHO sẽ tiến hành nghiên cứu chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.

Virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), vào cuối năm 2019 trước khi lan ra toàn thế giới. Các nhà khoa học ban đầu cho rằng virus lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, nơi phát hiện ca mắc đầu tiên.

Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay cho rằng có thể chợ này không phải nơi phát sinh dịch bệnh, nhưng là nơi virus phát tán.

Tháng 2/2020, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định dịch Covid-19 không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam mà là do một "bệnh nhân số 0" đã mang virus tới đây, sau đó khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng.

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới ngày 30/1: TỔNG SỐ CA MẮC: 102.700.897 - 5 nước mắc cao nhất: + Mỹ: 25.512.193 + Ấn Độ: 10.734.026 + Brazil: 9.119.477 + Nga: 3.832.080 + Anh: 3.772.813 - 5 nước ASEAN mắc cao nhất: + Indonesia: 1.066.313 + Philippines: 523.516 + Malaysia: 203.933 + Myanmar: 139.515 + Singapore 59.507 TỬ VONG: 2.218.036 (2.2%) - 5 nước tử vong cao nhất: + Mỹ: 447.459 + Brazil: 222.775 + Mexico: 156.579 + Ấn Độ: 154.184 + Anh : 104.371 - 5 nước ASEAN tử vong cao nhất: + Indonesia: 29.728 + Philippines: 10.669 + Myanmar: 3.115 + Malaysia: 733 + Thái Lan: 77 SO VỚI 6h giờ 30/01: - Mắc tăng: 178.513 ca - Tử vong tăng: 5.109 ca KHỎI BỆNH: 74.411.607 (72.5%) ĐANG ĐIỀU TRỊ: 26.067.579 (108.996 ca nặng).

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-dubai-trien-khai-vaccine-trung-quoc-chuyen-gia-who-tiep-can-benh-vien-vu-han-van-tai-nhiem-virus-sau-tiem-vaccine-o-israel-135376.html