Covid-19 gây nhiều hệ quả sau hồi phục
Trong hơn một năm qua, thế giới đã và đang chứng kiến hơn 100 triệu người mắc Covid-19 và gần 2,2 triệu người chết vì đại dịch này. Cho đến nay, các chuyên gia y tế vẫn đang nghiên cứu sâu hơn về những hệ quả do Covid-19 gây ra ngay cả sau khi người bệnh được điều trị khỏi bệnh.
Trong hơn một năm qua, thế giới đã và đang chứng kiến hơn 100 triệu người mắc Covid-19 và gần 2,2 triệu người chết vì đại dịch này. Cho đến nay, các chuyên gia y tế vẫn đang nghiên cứu sâu hơn về những hệ quả do Covid-19 gây ra ngay cả sau khi người bệnh được điều trị khỏi bệnh.
Covid kéo dài- hội chứng thách thức ngành y
Các chuyên gia y tế đang nghiên cứu để hiểu thêm về một hội chứng mà họ gọi là “Covid kéo dài” trong số các bệnh nhân có nhiều triệu chứng liên quan dù đã được điều trị khỏi Covid-19 nhiều tháng.
Tiến sĩ Alfonso Hernandez-Romieu, một thành viên của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 28-1 nói rằng: “Những người có hội chứng Covid kéo dài thường có biểu hiện mệt mỏi nặng nề dai dẳng, đau đầu và sương mù não (được định nghĩa là triệu chứng suy giảm nhận thức chủ quan nhẹ), khoảng bốn tuần sau khi bị bệnh cấp tính”.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí The Lancet nhận thấy, trong số 1.733 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, 76% vẫn gặp ít nhất một triệu chứng sau sáu tháng kể từ khi các phát triệu chứng bệnh đầu tiên.
Tiến sĩ Hernandez-Romieu nói thêm, các bác sĩ đã báo cáo rằng mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19 có thể có ít tác động đến việc bệnh nhân có trải qua các hội chứng Covid kéo dài hay không.
Tiến sĩ Allison Navis, trợ lý giáo sư tại Trường ĐH Y Icahn ở Mount Sinai, thành phố New York, cho biết một trong những triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng Covid kéo dài được gọi là "sương mù não".
Tiến sĩ Navis nói: “Sương mù não là một triệu chứng. Triệu chứng này không phải là một chẩn đoán bệnh, và mỗi người khác nhau có biểu hiện khác nhau. “Thông thường, đó là sự kết hợp của các vấn đề về mất trí nhớ ngắn hạn, giảm khả năng tập trung hoặc khó khăn khi tìm từ ngữ diễn đạt”.
Theo Tiến sĩ Navis, hiện tượng sương mù não dường như không có mối liên hệ rõ ràng với mức độ nghiêm trọng của việc mắc Covid-19, tuổi tác hoặc các yếu tố nguy cơ khác. Bà cho biết, các bác sĩ đã quan sát thấy những triệu chứng này ở những bệnh nhân nhỏ tuổi - bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên - những người bị Covid-19 nhẹ và trước đó khỏe mạnh.
Do đó, trong trường hợp không có chuẩn đoán rộng hoặc phương pháp điều trị cho những người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài, các bác sĩ sẽ điều trị đích vào các triệu chứng cụ thể.
Tiến sĩ Navis nói: “Đối với triệu chứng sương mù não, thật không may, chúng tôi không có các biện pháp điều trị cho sự thay đổi nhận thức này”. Vì thế các bác sĩ sẽ xử lý vấn đề nhân tố góp phần gây triệu chứng này như cải thiện giấc ngủ, tâm trạng của bệnh nhân.
Đối với tình trạng mệt mỏi, Tiến sĩ Navis khuyên bệnh nhân nên tập luyện thoải mái, không nên quá căng thẳng và điều quan trọng là bệnh nhân cần ngủ đủ giấc và chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Hiện CDC đang hợp tác với Viện Y tế quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới để có những hiểu biết sâu hơn về hội chứng Covid kéo dài.
Trong một diễn biến liên quan, tờ New York Times của Mỹ ngày hôm qua dẫn báo cáo mới được công bố cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ của cơ thể theo nhiều cách - chẳng hạn như vô hiệu hóa hệ thống cảnh báo sớm của cơ thể hoặc khiến các tế bào miễn dịch hoạt động sai. Nhưng một loạt các nghiên cứu mới cho thấy một hậu quả khôn lường khác: Covid-19 có thể kích hoạt cơ thể sản xuất các kháng thể tấn công nhầm vào các mô của chính bệnh nhân thay vì tấn công virus.
Theo báo cáo này, cái gọi là tự kháng thể này có thể tồn tại trong cơ thể nhiều tháng sau khi bệnh nhân đã được chữa khỏi Covid-19. Chúng có thể gây ra hậu quả khó khắc phục được. Nếu có thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định phát hiện này, đây có thể là lời giải thích cho hội chứng “Covid kéo dài”.
Covid-19 có thể gây hại tinh trùng
Dựa trên các bằng chứng thực nghiệm, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Reproduction (Tạp chí y học về sinh sản) ngày 29-1 cho thấy, Covid-19 có thể làm tổn hại chất lượng của tinh trùng và làm suy giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
“Những phát hiện này cung cấp bằng chứng thực nghiệm trực tiếp đầu tiên cho thấy rằng, hệ sinh sản của nam giới có thể bị ảnh hưởng và tổn hại vì Covid-19", các tác giả của nghiên cứu kết luận.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang các cơ quan sinh sản của nam giới, làm suy giảm sự phát triển của tế bào tinh trùng và phá vỡ các hormone sinh sản. Các thụ thể tương tự mà virus này sử dụng để tiếp cận các mô phổi cũng được tìm thấy trong tinh hoàn.
Nhưng ảnh hưởng của SARS-CoV-2 đối với khả năng sinh sản của nam giới vẫn chưa rõ ràng.
Hai chuyên gia Behzad Hajizadeh Maleki và Bakhtyar Tartibian, thuộc Đại học Justus-Liebig (Đức), đã tìm kiếm các dấu hiệu sinh học cho thấy virus này có tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản.
Các tác giả nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu của 84 nam giới mắc Covid-19 và so sánh với dữ liệu của 105 nam giới khỏe mạnh trong vòng 60 ngày được chia theo các quãng kéo dài 10 ngày.
Ở các bệnh nhân Covid-19, các tế bào tinh trùng cho thấy sự gia tăng đáng kể triệu chứng viêm nhiễm và mất cân bằng oxy hóa - một sự mất cân bằng hóa học có thể gây tổn hại cho ADN và các protein trong cơ thể.
"Những tác động lên tế bào tinh trùng sẽ làm giảm chất lượng tinh trùng và giảm khả năng sinh sản. Mặc dù những tác động này có khuynh hướng cải thiện theo thời gian, chúng vẫn cao hơn đáng kể và bất ở bệnh nhân Covid-19”, ông Maleki cho biết.
Ông Maleki nói thêm rằng, bệnh nhân mắc Covid-19 càng nghiêm trọng thì những tác động này sẽ càng lớn.
Các chuyên gia không tham gia nghiên cứu đã đón nhận báo cáo mới này. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý cần thêm các nghiên cứu sâu hơn trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo bà Alison Campbell, Giám đốc phôi học của CARE Fertility Group ở Anh: “Nam giới không nên quá lo lắng bởi kết quả nghiên cứu này có thể bị sai lệch bởi thực tế là những người đàn ông đang hồi phục sau Covid-19 được điều trị bằng corticosteroid và liệu pháp kháng virus, trong khi nhóm đối chứng thì không.
Trong khi đó, ông Allan Pacey, một chuyên gia về y học sinh sản nam tại Đại học Sheffield nhận định, “chúng ta đều biết rằng, một cơn sốt vì bất cứ nguyên nhân nào cũng có thể tác động tới quá trình sản xuất tinh trùng”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/science-news/covid-19-gay-nhieu-he-qua-sau-hoi-phuc-633460/