COVID-19 giúp Thủ tướng Úc 'lật ngược thế cờ'
Khi Úc thoát khỏi giai đoạn phong tỏa, uy tín của Thủ tướng Scott Morrison cũng tăng lên mức kỷ lục.
Chính xác 1 năm sau khi ông đắc cử, những thiếu niên dùng Tik Tok để ca ngợi ông; nhiều người xin lỗi ông vì những chỉ trích trước đây.
Tình hình hiện nay trái ngược hoàn toàn với những điều ông Morrison gặp phải trong đợt khủng hoảng cháy rừng, khi ông có chuyến đi nghỉ bí mật đến Hawaii dù cả nước đang trải qua đợt cháy nghiêm trọng.
Lúc đó, hành động của ông Morrison bị dư luận chỉ trích là thất bại. Cư dân mạng chửi tục trước camera, còn lính cứu hỏa và những người suýt chết vì cháy không thèm bắt tay khi Thủ tướng đến thăm.
Rồi khi cháy rừng dịu đi từ cuối tháng 1, Úc bắt đầu xuất hiện các ca mắc COVID-19.
Vài tháng sau, Úc trở thành một trong những nước đi đầu trong xử lý dịch bệnh. Nước này ghi nhận chưa đến 100 ca tử vong và khoảng 7.000 ca mắc.
Đến ngày 18/5, chỉ còn khoảng chục bệnh nhân vẫn phải điều trị tích cực trên khắp đất nước. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Morrison lên đến 66%, một trong những mức cao nhất mà bất kỳ thủ tướng nào trong lịch sử Úc đạt được trong thập kỷ qua.
Vậy ông Morrison xoay chuyển tình thế như thế nào?
Táo bạo và mạnh mẽ
Đối diện với đại dịch, ông Morrison tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia, lắng nghe rồi làm theo, bất chấp cái giá phải trả.
Giới quan sát cho rằng cách này đã phát huy tác dụng. TS Brendan Murphy, quan chức y tế hàng đầu của Úc, luôn đứng cạnh Thủ tướng khi ông đưa ra những thông báo quan trọng.
TS Murphy là người khuyên đóng cửa biên giới Úc với Trung Quốc khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn nói rằng cấm đi lại là việc không cần thiết. Canberra cũng gọi COVID-19 là đại dịch từ trước khi WHO sử dụng khái niệm này.
“Vâng, rõ ràng bạn nên lắng nghe chuyên gia y tế khi khủng hoảng y tế xảy ra”, TS Tony Bartone, chủ tịch Hiệp hội y tế Úc, đánh giá.
“Nhưng lắng nghe các chuyên gia y tế có thể gây ra gián đoạn kinh tế lớn. Vì thế cần có sự lãnh đạo táo bạo và mạnh mẽ để lắng nghe sớm và cẩn thận”, ông Bartone nói.
Khi tình hình cho thấy số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng, ông Morrison hành động nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các bang lớn nhất của Úc. Không lâu sau khi số ca mắc chạm ngưỡng 1.000, các quán bar và quán rượu đều phải đóng cửa, người dân bị cấm tập trung đông người.
Những hậu quả kinh tế từ việc đóng cửa hàng có vẻ đáng ngại, nhưng ông Morrison không chậm trễ, khác với lãnh đạo ở Anh và Mỹ, TS Bartone đánh giá.
Thay vào đó, Thủ tướng Úc lắng nghe khoa học, dù trước đó ông nhiều lần phớt lờ cảnh báo của các nhà khoa học về khí hậu khi cháy rừng xảy ra.
Nhưng khi xảy ra khủng hoảng y tế cộng đồng, Úc đã có hệ thống chăm sóc y tế tiên tiến, hoạt động tốt và sẵn sàng ứng phó với những đợt dịch bệnh bùng phát.
“Không ai cáo buộc chính phủ Úc thiếu chuẩn bị một cách vô vọng cho tình thế đại dịch”, TS Bartone nói.
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng y tế tầm thế kỷ lần này hợp với phong cách lãnh đạo của ông Morrison.
Những diễn biến chóng vánh tạo cơ hội cho thử nghiệm.
“Ông ấy là một chính trị gia chuyên nghiệp. Ông ấy không gắn chặt với bất kỳ quan điểm chính sách nào và sẵn sàng vứt bỏ quan điểm cụ thể vì những lý do thực dụng, để chuyển sang thứ khác”, GS Frank Bongiorno, công tác tại ĐHQG Úc, đánh giá.
Như vậy, người Úc coi việc chính phủ trung hữu của họ chấp nhận gia tăng chi tiêu là điều cần thiết.
Chịu trách nhiệm về sức khỏe của nền kinh tế, ông Morrison dành 10% GDP cho chi tiêu – mức chi tiêu công lớn kỷ lục.
Số tiền đó được dùng để trả trợ cấp thất nghiệp, chăm sóc trẻ em miễn phí và trợ cấp lương để bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân. Dù còn một số vấn đề khi triển khai, chính sách này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng.
Trên thực tế, chương trình trợ cấp lương trị giá 130 tỷ USD mang tên JobKeeper mà Công đảng đề xuất ban đầu đã bị từ chối.
Ông Morrison không sợ phải quay đầu lại và “cử tri hoan nghênh sự linh hoạt đó thay vì chỉ trích”, ông Mark Kenny, giáo sư về chính trị và là cựu biên tập viên của 2 báo Sydney Morning Herald và The Age, đánh giá.
Chính phủ của Thủ tướng Morrison còn sớm thành lập nội các khẩn cấp sở 8 bang và vùng lãnh thổ để ra quyết định kịp thời.
Úc là một liên bang, nghĩa là các chính quyền bang được quyền kiểm soát các bệnh viện, trường học, lực lượng cảnh sát, giao thông công cộng và các dịch vụ khác. Truyền đi những thông điệp thống nhất ở mọi cấp chính quyền là điều cần thiết trong tình hình khẩn cấp.
Học từ sai lầm
Những chỉ trích gay gắt nhất nhằm vào Thủ tướng Úc xảy ra trong vài tuần đầu của dịch bệnh, khi thông điệp của các bang đối ngược với Canberra.
Ngay cả sau khi thành lập Nội các quốc gia, những tranh cãi về việc mở cửa trường học vẫn tiếp diễn. Sự chồng chéo về quản lý cũng dẫn đến sai lầm lớn nhất của Úc trong phản ứng với dịch bệnh: Ổ dịch trên du thuyền Ruby Princess ở Sydney.
Cuối tháng 3, hàng ngàn du khách được phép xuống tàu và lên bờ, trong khi trên du thuyền có người mắc COVID-19. Hậu quả sau đó là 22 người chết và khoảng 700 ca mắc ở Úc và ở nước ngoài.
Dù những chê trách dồn vào giới chức bang, GS Kenny cho rằng chính phủ của Thủ tướng Morrison cũng phải chịu trách nhiệm.
Dẫu vậy, ông Morrison có vẻ đã học được từ thất bại đó. Đến nay, Úc đã khống chế được COVID-19.
Nhưng khi ông Morrison kỷ niệm 1 năm làm thủ tướng, các nhà quan sát cho rằng điều khó khăn nhất có thể vẫn ở phía trước.
Úc chưa chắc chắn có thể thoát làn sóng COVID-19 thứ hai. Nước này cũng đang phải khắc phục những hậu quả kinh tế của đại dịch. Phục hồi là con đường phức tạp và có thể các thế hệ sau này vẫn phải khắc phục hậu quả. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến chạm mức 10% và Úc dự kiến sắp bước vào thời kỳ suy thoái đầu tiên trong gần 30 năm.