Covid-19 'hạ gục' phố Wall
Các thị trường chứng khoán từ Mỹ, châu Âu đến châu Á đã chịu sự suy giảm mạnh nhất trong những năm gần đây, mặc dù trước đây không lâu, thị trường toàn cầu đã phản ứng tương đối bình tĩnh với dịch Covid-19.
Các thị trường chứng khoán từ Mỹ, châu Âu đến châu Á đã trải qua sự suy giảm mạnh nhất. (Nguồn: AFP)
Thị trường chứng khoán thế giới đang lao dốc trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) tiếp tục lan rộng. Mặc dù trước đó, khi quy mô dịch bệnh chưa rõ ràng, phần còn lại của thế giới đã duy trì sự lạc quan trong nhiều ngày khi thấy các biện pháp kiên quyết của Bắc Kinh trong chiến dịch chống lại đại dịch Covid-19 ở nước này.
Covid-19 trở thành vấn đề toàn cầu
Tuy nhiên, tình hình bên ngoài Trung Quốc đại lục như Italy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran đang trong chiều hướng xấu đi nhanh chóng. Liên tục những ngày qua, những trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh tại nhiều quốc gia ở các châu lục đã được xác nhận, từ Kuwait, Bahrain và Iraq - tất cả những người nhiễm bệnh đều đến từ Iran hay Brazil, Hy Lạp…
Các tin xấu này đã khiến thị trường thế giới sụt giảm mạnh. Ngày 25/2, chỉ số Dow Jones đóng cửa với mức giảm 3,2%, S&P giảm 3%, Nasdaq hạ 2,8%. Sự sụt giảm mạnh như vậy đã không được ghi nhận trong hơn một năm qua.
Tình hình tương tự đã được quan sát vào năm 2018, khi bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ khi sự kiện "Ngày thứ Hai đen tối" đã khiến các thị trường châu Âu sụt giảm chưa từng thấy kể từ năm 2016.
Rõ ràng, các nhà đầu tư bắt đầu nhận thức được rằng, Covid-19 đang trở thành một vấn đề toàn cầu. Những khó khăn bên trong Trung Quốc không thể không ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, vì Trung Quốc đã thâm nhập rất sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyên gia Liu Xiaoning từ Học viện Khoa học Xã hội tại Đại học Sơn Đông, Trung Quốc phân tích, virus SARS-CoV-2 đang tác động đến nền kinh tế thế giới trước hết thông qua tác động đến chính Trung Quốc. Nếu chú ý đến vị trí mà Trung Quốc đang chiếm giữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như thị phần của nước này trong nền kinh tế thế giới sẽ hiểu tại sao những biến động bên trong Trung Quốc tác động mạnh thế nào đến toàn bộ tình hình trên thế giới.
Nếu các nhà cung cấp Trung Quốc không thực hiện đúng hạn nghĩa vụ hợp đồng do sự kiện bất khả kháng, điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên thế giới sử dụng sản phẩm của Trung Quốc, kể cả là sản phẩm cuối cùng hay nguyên vật liệu. Tính đến nay, những tác động đến nền kinh tế toàn cầu còn hạn chế, vì dịch Covid-19 diễn ra chưa đầy hai tháng. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh vẫn đang gia tăng và lan rộng ra nhiều quốc gia, châu lục, trong những ngày gần đây, đã gây ra những lo ngại nghiêm trọng".
Tình hình xấu sẽ kéo dài bao lâu?
Nhiều doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Ví dụ, giá cổ phiếu của nhà sản xuất hàng xa xỉ LVMH đã giảm hơn 7% với lý do nhu cầu suy giảm tại thị trường Trung Quốc. Theo McKinsey, trong năm 2018, người tiêu dùng Trung Quốc ở trong và ngoài nước đã chi 115 tỷ USD cho các mặt hàng xa xỉ, chiếm hơn 1/3 lượng tiêu thụ hàng xa xỉ trên toàn cầu. Đương nhiên, không ít nhà sản xuất đã đặt cược vào thị trường lớn nhất thế giới này.
Trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các công ty khai thác trên khắp thế giới cũng có một số lo ngại bởi Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Theo ước tính của S&P, Trung Quốc đã từ chối 30-60 triệu thùng dầu mua trước đó do tình trạng bất khả kháng. Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại quốc gia này đã giảm 20% trong một tháng qua và triển vọng còn khá mù mịt trong thời gian trước mắt. Trước tình hình này, các nước OPEC+, gồm các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dự kiến sẽ thảo luận về khả năng giảm sản lượng dầu vào đầu tháng 3 để hỗ trợ giá thế giới.
Câu hỏi được đặt ra là xu hướng tiêu cực sẽ kéo dài bao lâu. Chuyên gia Liu Xiaoning cho rằng, tình hình sẽ cải thiện ngay khi thế giới đánh bại được virus SARS-CoV-2. Vị chuyên gia này tin tưởng, "Trung Quốc có đủ kinh nghiệm và năng lực để chống chọi với khủng hoảng. Nền kinh tế thế hai thế giới đủ mạnh và đứng vững trước những thách thức, tuy rằng, tác động tiêu cực ngắn hạn là không thể tránh khỏi. Nhưng sau khi đánh bại dịch Covid-19, có thể sẽ có một bước tiến lớn. Bởi Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng rất nhiều biện pháp tài chính nhằm phục hồi nhanh chóng hoạt động kinh tế bình thường".
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại thể hiện thái độ bi quan hơn. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, dịch COVID-19 có thể trở thành đại dịch đe dọa toàn cầu. Tình hình hiện tại chưa phải đại dịch, vì bệnh dịch mới chỉ bùng phát ở một số nơi trên thế giới, nhưng ông kêu gọi tất cả các nước đều phải chuẩn bị sẵn sàng.
Xét theo xu hướng kinh tế, các nhà đầu tư đang dự báo độ rủi ro cao trong thời gian tới. Vàng – thứ tài sản truyền thống vẫn thường được coi là kênh đầu tư an toàn trong lúc khủng hoảng, giao động liên tục trong những ngày qua – có lúc giá vàng đã lên 1.674 USD/ounce. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,39%.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-ha-guc-pho-wall-110395.html