COVID-19 hết 25/8 tại ASEAN: Philippines ưu tiên vaccine cho người nghèo, Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp
Tính tới hết ngày 25/8, số ca mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 426.113 ca, trong đó 10.142 người đã tử vong.
Trong ngày 25/8, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 5.467 ca mắc COVID-19 tại 7 quốc gia và 133 ca tử vong tại hai quốc gia, gồm Philippines (34 ca) và Indonesia (99 ca).
Philippines tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới/ngày và tổng số ca nhiễm ở nước này đã tiến gần đến mốc 200.000 ca, bỏ khá xa quốc gia đứng thứ hai là Indonesia. Trong khi đó, Indonesia đứng đầu về số ca tử vong mới cũng như tổng ca tử vong do COVID-19, hiện đã ở mức trên 6.800 người.
Philippines: Lực lượng an ninh và người nghèo sẽ nhận vaccine COVID-19 đầu tiên
Theo tờ Straits Times, Tổng thống Philippines Duterte ngày 25/8 cho biết ông muốn các hộ gia đình thu nhập thấp, thuộc chương trình phát tiền mặt của chính phủ (có tên Pantawid), sẽ là những người đầu tiên được nhận vaccine phòng COVID-19, mà các nước trên thế giới đang chạy đua phát triển.
"Những người đầu tiên nhận vaccine, tôi nhắc lại, là những người nằm trong danh sách trợ cấp Pantawid của chính phủ". Ông cho biết, đối tượng tiếp theo sẽ là những người nghèo không nằm trong danh sách trợ cấp do không có địa chỉ cố định.
Tổng thống Duterte bày tỏ hy vọng các loại vaccine do các nước trên thế giới phát triển sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Ông cho biết Trung Quốc có thể sẽ thông báo vaccine COVID-19 được lưu hành vào "bất cứ ngày nào". Nhà lãnh đạo Philippines nhắc lại ông sẵn sàng vay tiền để mua vaccine COVID-19 cho người dân.
Trước đó, hồi đầu tháng này, Tổng thống Duterte, 75 tuổi, cho biết ông sẵn sàng trở thành người đầu tiên tiêm thử vaccine COVID-19 của Nga, tuy nhiên các chuyên gia y tế khẳng định ông không đủ điều kiện tham gia thử nghiệm do tuổi tác.
Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng
Nội các Thái Lan ngày 25/8 đã thông qua việc gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng cho tới ngày 30/9 nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Đây là lần thứ 5 Thái Lan gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp kể từ khi ban hành hồi tháng 3 vừa qua. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho rằng quyết định của nội các phù hợp với đề xuất của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) nhằm cho phép nước này nhanh chóng hành động trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng.
Trước đó, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) cũng đã đồng ý với việc gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và nhấn mạnh rằng sắc lệnh này sẽ không được sử dụng để chống lại các cuộc biểu tình chính trị.
Về tình hình dịch bệnh, Thái Lan ngày 25/8 ghi nhận thêm 5 ca mắc mới, nhưng đều là những công dân hồi hương và đã được cách ly. Đến nay, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.402 ca bệnh (465 ca được phát hiện trong khu cách ly), trong đó có 58 bệnh nhân tử vong.
Cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Sathit Pitutecha cho biết Thái Lan sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ baht (31,7 triệu USD) cho công tác bào chế vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19. Theo Thứ trưởng Pitutecha, Nội các Thái Lan đã thông qua khoản đầu tư trên cho dự án phát triển vaccine chung giữa Chính phủ Thái Lan và Đại học Oxford, và một dự án tương tự giữa Chính phủ Thái Lan với Đại học Chulalongkorn của nước này. Thái Lan hy vọng sẽ có được vaccine phòng bệnh COVID-19 vào cuối năm nay hoặc giữa năm sau.
Singapore: Ca nhiễm mới thấp nhất trong 5 tháng
Bộ Y tế Singapore xác nhận ngày 25/8 nước này ghi nhận 31 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 56.435. Đây là mức nhiễm mới trong ngày thấp nhất trong hơn 5 tháng qua tại Singapore, kể từ ngày 22/3, với 23 ca nhiễm mới.
Trong khi đó, ngày 24/8, Tổng thống Singapore Halima Yacob tuyên bố đảm bảo việc làm sẽ là ưu tiên của nước này trong những năm tới. Bà Halima Yacob cho biết đại dịch COVID-19 đã gia tăng sức ép về vấn đề việc làm tại Singapore. Bà cho rằng để duy trì tạo thêm việc làm, nước này cần gấp rút chuyển đổi nền kinh tế và tìm kiếm cách thức mới để đảm bảo sinh kế cho người dân.
Theo bà, Singapore sẽ đối mặt với những thay đổi cấu trúc quan trọng, theo đó một số ngành sẽ không còn như trước, và nhiều việc làm sẽ biến mất. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Singapore cần cân nhắc làm cách nào để tăng cường mạng lưới an toàn xã hội để người dân có thể ứng phó tốt hơn với những rủi ro trong cuộc sống.
Trong quá trình chuyển đổi kinh tế, Singapore cần dần khởi động lại ngành hàng không, tăng cường khả năng kết nối số trong khu vực, củng cố hơn nữa khả năng phục hồi trong các lĩnh vực quan trọng như thực phẩm, y tế và quản lý chuỗi cung ứng nhằm tạo đà cho các nguồn lực tăng trưởng mới.
Trước đó, Bộ Tài chính Singapore cho biết chính phủ sẽ chi thêm 8 tỷ SGD (5,8 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty duy trì việc làm cho người lao động, tạo việc làm mới và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngày 25/8, Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận thêm 11 ca mới mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tại quốc gia Đông Nam Á này lên 9.285 ca.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết hai trong số ca mới là "nhập khẩu" và 9 ca còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, đã có thêm 6 ca bình phục, nâng tổng số bệnh nhân bình phục và được xuất viện lên 8.971 ca, chiếm 96,6% tổng số ca mắc. Trong số 189 bệnh nhân đang được điều trị có 8 ca đang được chăm sóc đặc biệt. Hiện số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Malaysia vẫn là 125 ca.