COVID-19 khiến người Trung Quốc thay đổi nhiều thói quen xấu khó bỏ

Cô Pang Hui vẫn xếp thêm vài đôi đũa phụ trên mâm cơm dù không hy vọng cả 7 người trong gia đình sẽ dùng đũa này để gắp thức ăn trong đĩa chung.

Dùng đũa riêng gắp vào đĩa thức ăn chung có nguy cơ lây truyền bệnh. Ảnh: Getty Images

Dùng đũa riêng gắp vào đĩa thức ăn chung có nguy cơ lây truyền bệnh. Ảnh: Getty Images

Nhưng thật bất ngờ, người cha 75 tuổi từng phản đối việc dùng đũa phụ để gắp thức ăn vào bát riêng lại hết lòng ủng hộ tại thời điểm này.

Theo báo China Daily, người Trung Quốc thường dùng chung các món ăn trong mâm cơm để thể hiện sự thân mật, gắn bó. Người ăn dùng đũa riêng để gắp thức ăn từ đĩa chung vào bát mình. Tuy nhiên, thói quen này hiện đứng trước nguy cơ phải thay đổi bởi sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp COVID-19.

“Chúng tôi cảm thấy khủng hoảng và cần thiết phải bỏ những thói quen lâu nay khi chứng kiến vô số ổ dịch lây nhiễm trong gia đình thông qua giọt li ti của dịch hô hấp và tiếp xúc gần”, cô Pang, 40 tuổi, sống tại thành phố Bắc Hải, vùng tự trị Choang ở Quảng Tây chia sẻ.

Các chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân thay đổi thói quen ăn uống. Ngày 10/2, chính quyền Bắc Hải phát động chiến dịch kêu gọi dân chúng sử dụng đũa và thìa phụ trong bữa ăn nhằm tránh lây nhiễm chéo từ đũa riêng.

Ông Huang Zongjun, Chủ tịch Hội Ngành nấu ăn và Ăn uống Bắc Hải cho biết hội sẽ hướng dẫn và giám sát các thành viên, bao gồm cả căng tin của các trường học và cao đẳng. "Chúng tôi sẽ trao thưởng những cơ sở sử dụng đũa và thìa phụ trong ba lần kiểm tra đột xuất liên tiếp”, ông Huang nói.

Các biện pháp tương tự cũng được triển khai tại nhiều thành phố khác, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu. Thành phố Thái Châu ở tỉnh Giang Tô thậm chí còn tiêu chuẩn hóa mẫu thiết kế đũa và thìa phụ, quy định cụ thể màu sắc và độ dài để giúp thực khách phân biệt chúng với đũa, thìa riêng.

Đồ dùng phụ trên mâm cơm không phải là hiện tượng văn hóa duy nhất bị đổi thay trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, nơi các truyền thống tập thể thiên về sự thân mật hơn khoảng cách xã hội.

Người dân đeo khẩu trang khi dắt chó đi dạo tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 22/3, Ảnh: China Daily

Người dân đeo khẩu trang khi dắt chó đi dạo tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 22/3, Ảnh: China Daily

Tại thành phố Hải Khẩu, đoàn người xếp hàng bên ngoài một cửa hàng miễn thuế vẫn dài song có vẻ giữ khoảng cách đều lẫn nhau, khác hẳn với cảnh chen lấn lộn xộn trước đây. Kể từ khi mở cửa trở lại hôm 20/2, cửa hàng này đã dựng các thanh chắn dài 1 mét tại lối ra vào và quầy thanh toán để nhắc khách hàng hãy đứng cách nhau ít nhất 1 mét.

Một người tên Ren ở Hàng Châu cho biết đa số dân đã quen với việc giữ khoảng cách khi xếp hàng dùng máy thu ngân hoặc máy rút tiền tự động để bảo vệ quyền riêng tư. Tuy nhiên, thói quen này đang ngày càng được mở rộng do ai ai cũng quan tâm đến sức khỏe cá nhân.

“Trung Quốc đã làm rất tốt khi thông báo cho dân chúng về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như cách ngăn chặn lây nhiễm, giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng", Ren nhận xét, đồng thời cho biết cô sẽ tiếp tục duy trì việc giữ khoảng cách 1 mét nơi công cộng cả sau khi dịch bệnh kết thúc.

Tính đến ngày 22/3, Trung Quốc đã có trên 81.000 người mắc COVID-19 và trên 3.200 ca tử vong. Để kiểm soát virus lây lan, Chính phủ Trung Quốc đang mở chiến dịch toàn quốc yêu cầu dân chúng tránh tập trung đông người, đeo khẩu trang và sống lành mạnh hơn.

Ví dụ, chính quyền thành phố Bắc Kinh đang cân nhắc sửa đổi các quy định liên quan để bổ sung điều khoản về việc che miệng và mũi bằng khăn tay hoặc khuỷu tay khi hắt hơi hoặc ho, cũng như đeo khẩu trang khi nhiễm cảm tại nơi công cộng.

Wang Yan, chủ cửa hàng rửa xe ô tô tại Langfang, Hà Bắc, cho biết bản thân được dậy phải dùng bàn tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi từ lúc còn nhỏ. Nhưng giờ đây, cô đã dậy con gái 10 tuổi và con trai 6 tuổi dùng khăn tay hoặc khuỷu tay. “Đến gần đây tôi mới biết việc dùng bàn tay che miệng sẽ khiến vi khuẩn, virus bám vào tay và làm nhiễm khuẩn mọi thứ tôi chạm vào”, cô Wang, 36 tuổi cho hay.

Chính phủ Trung Quốc cũng muốn thay đổi thói quen ăn thịt động vật hoang dã của người dân nước này. Ngay sau khi virus SARS-CoV-2 bùng phát, Bắc Kinh đã tạm thời dừng mọi hoạt động vận chuyển và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Động thái này chính thức trở thành lệnh cấm vĩnh viễn từ ngày 24/2.

Ông Li Bo tại Trung tâm Bảo vệ Động vật Hoang dã Hải Nam cho biết việc tiêu thụ động vật hoang dã có thể khiến một số loài tuyệt chủng nhanh hơn, phá hủy cân bằng sinh thái và gây hại đến sức khỏe con người. Theo ông Li, đại dịch COVID-19 có thể trở thành bước ngoặt để xóa bỏ thói quen xấu trên.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-khien-nguoi-trung-quoc-thay-doi-nhieu-thoi-quen-xau-kho-bo-20200322190734116.htm