Bài dự thi cuộc thi viết 'Lòng tốt quanh ta': 'Chàng Rồng' - trái tim không tật nguyền

Chỉ với ngòi bút viết bằng miệng, Long cho ra những trang sách truyền cảm hứng nghị lực sống cho nhiều người

Không may bị tai nạn năm 16 tuổi, anh Phạm Sỹ Long (SN 1988) bị liệt tứ chi. Song, với nghị lực và khát khao sống có ích cho đời, Long đã học cách viết văn bằng miệng và cho ra mắt những cuốn sách tràn đầy nhựa sống, mở lớp dạy online miễn phí, truyền cảm hứng cho nhiều người vươn lên trong cuộc sống.

Tuổi 16 buồn đau

Chúng tôi đến thăm anh Long ở thôn Hợp Thuận (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vào một ngày nắng tháng 7 oi ả. Trong căn phòng lợp mái fibro xi-măng nóng nực, Long ướt sũng mồ hôi, nằm không tự trở được mình mà phải có người khác trợ giúp.

Tuy nhiên, Long rất lạc quan, yêu đời và khoe rằng vừa mới xuất bản cuốn hồi ký "Chàng Rồng phiêu lưu ký" (NXB Nghệ An) và làm lễ ra mắt sách tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) tháng 3-2024.

Anh Long sinh ra trong một gia đình nghèo đông chị em, Long là út. Bao nhiêu hy vọng về cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi của gia đình bỗng chốc tan thành mây khói vào một chiều năm 2003 khi anh Long mới 16 tuổi.

"Vào một buổi chiều đi chăn bò với đám bạn, tôi trèo lên cây phi lao chọc tổ chim nhưng không may bị ngã cắm cổ xuống đất. Mọi người xúm lại giúp tôi nhưng do không biết sơ cứu nên đã bế ngửa tôi đi cấp cứu khiến chấn thương ở cổ để lại di chứng nặng" - anh Long kể.

Bố mẹ Long đã đưa con chạy chữa khắp nơi, dốc hết mọi tài sản trong nhà nhưng các bệnh viện đành bất lực. Anh Long bị liệt tứ chi, chỉ còn phần đầu cử động được. Nỗi buồn u ám bao trùm lên căn nhà nhỏ, cha Long lại bị bệnh ung thư khiến cảnh nhà càng thêm buồn đau, kinh tế gia đình lao dốc. "Thấy cả nhà buồn rầu vì mình, tôi nhiều lần muốn tự tử. Nhưng tôi cũng không thể tự làm được, muốn lăn một cái ngã nhào ra cũng không được. Tôi nói với mẹ rằng muốn tự tử, mẹ ôm tôi thật chặt và khóc nức nở. Mẹ bảo rằng mẹ còn sống ngày nào sẽ chăm sóc con, miễn là con phải sống" - giọng Long nghẹn lại.

Cô Đỗ Thị Hà, mẹ Long, chia sẻ: "Mọi sinh hoạt cá nhân của Long đều phải có người giúp đỡ. Đôi lúc tôi muốn ra đồng cũng không dám, sợ con ở nhà nghĩ quẩn. Tôi còn sống ngày nào sẽ cố gắng chăm sóc cho Long sống tốt, động viên con hãy vui vẻ và chấp nhận cuộc sống mới. Tuy là người khuyết tật nhưng con hãy sống đừng để ai chê trách, ai cũng xem mình là con người có ích".

Ngậm bút sửa cuộc đời

Do phải nằm một chỗ nên Long còn phát thêm nhiều bệnh khác như hoại tử nhiều vùng da thịt, gãy chân tay và thường xuyên phải vào bệnh viện cấp cứu, bó bột. Không những thế, đã có những lúc tinh thần Long rơi vào tuyệt vọng, anh trút giận lên mẹ già bằng cách nhổ thức ăn ra, hất bát cháo vào người mẹ, song mẹ anh chỉ biết khóc mà không một lời trách giận. Thấy tình yêu của mẹ quá lớn, Long hối hận, xin lỗi mẹ và suy nghĩ tích cực hơn, thường xuyên hát cho mẹ nghe để giải tỏa tâm lý và làm quen với cuộc sống mới.

Trong một lần xem tivi, anh Long thấy thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân nên rất ngưỡng mộ và tìm cách học. Tuy nhiên, đôi chân của anh cũng bị liệt hoàn toàn, phải tìm một bộ phận khác có thể cầm bút.

Nghĩ đi nghĩ lại anh Long thấy chỉ còn cái miệng hoạt động tốt. Anh Long liền tập ngậm bút vào miệng và viết chữ, vẽ tranh. "Ngậm bút nông thì không chắc, ngậm sâu lại bị buồn nôn hay ngậm bằng răng cũng rất mỏi. Tôi cố gắng ngậm bằng môi và đưa bút vào sâu hàm răng. Bố tôi bảo "thôi con ơi đừng cố" nhưng tôi quyết tâm phải làm được".

Khi có thể viết chữ bằng miệng thành thạo, Long bắt đầu viết cuốn hồi ký đầu tiên của cuộc đời. Trong suốt 10 năm ròng (2010-2020), Long viết ngày viết đêm như để bù lại khoảng thời gian bị mất. Và cuốn hồi ký gần 800 trang ra đời. Năm 2013, Long cho ra mắt tập thơ đầu tay "Miền khát vọng" (NXB Văn hóa Thông tin) với 32 bài thơ, đến năm 2020, đứa con tinh thần mà anh tâm huyết nhất là truyện dài "Không chỉ là giấc mơ" (NXB Nghệ An) cũng đã ra đời. Ngoài ra, anh Long còn vẽ gần trăm bức tranh bằng miệng, những bức tranh thể hiện tình yêu quê hương, gia đình và cảnh thiên nhiên thanh bình.

Những tập thơ, truyện dài, bức tranh anh Long viết ra đều có một sức sống mãnh liệt và được bạn đọc xa gần đón nhận, ủng hộ hết lòng. Tích lũy được khoản tiền bán sách, Long đã suy nghĩ về những hoàn cảnh khó khăn của người khác. Anh thường xuyên trích một phần để tặng quà các em nhỏ có hoàn cảnh vươn lên trong học tập trên địa bàn xã nhà và ủng hộ bà con miền Trung bị lũ lụt. "Mỗi lần đi trao quà cho học sinh tôi rất hạnh phúc bởi cho đi chính là nhận lại. Năm ngoái đi trao quà Tết tại Trường Tiểu học Xuân Hải (huyện Nghi Xuân), chứng kiến những nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ, tôi thấy hình ảnh của mình hiện về hơn 20 năm trước" - Long bày tỏ.

Long và mẹ chuẩn bị gửi sách “Chàng Rồng phiêu lưu ký” cho độc giả trên cả nước. Ảnh do nhân vật cung cấp

Long và mẹ chuẩn bị gửi sách “Chàng Rồng phiêu lưu ký” cho độc giả trên cả nước. Ảnh do nhân vật cung cấp

Lan tỏa yêu thương

Từ khi có điện thoại thông minh, Long kết nối rộng rãi với nhiều người trên cả nước. Tuy chưa học hết phổ thông và nằm một chỗ với chỉ mỗi cái đầu cử động được nhưng anh sử dụng thiết bị công nghệ và ứng dụng một cách thành thạo để giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Để lan tỏa lối sống tích cực và phát huy tố chất của mỗi người, anh Long đã thành lập CLB "Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn". Anh còn mở các khóa học online để nâng cao kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và được đông đảo bạn bè hưởng ứng. "Những buổi học online đầu tiên có vài người tham gia nhưng tôi không bỏ cuộc, thậm chí có lúc chẳng còn ai trong phòng tôi vẫn cứ giảng bài. Dần dần, bằng chính niềm tin của mình, tôi đã thu hút được các học viên..." - anh Long hồ hởi nói. Khóa học đầu tiên anh Long mở vào cuối năm 2021 và cho đến nay đã thực hiện 10 khóa học với khoảng 150 học viên trên khắp cả nước trong đó có cả sinh viên, giáo viên, người bán hàng...

Học viên Lê Thị Lương (Hà Nội), sinh viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, cho biết: "Thông qua khóa học của thầy Long, em đã có thể tự tin thuyết trình trước đám đông, thầy đã truyền cảm hứng cho em vượt qua ranh giới của bản thân. Tuy bị liệt toàn thân nhưng thầy tự một mình bắt xe từ Hà Tĩnh ra Hà Nội rồi bắt xe buýt về huyện Quốc Oai thăm em mà không hề sợ sệt điều gì, nghị lực vươn lên cuộc sống của thầy thật đáng ngưỡng mộ".

Mỗi ngày trôi qua, mẹ Long lại già đi, sức khỏe ngày càng suy giảm nhưng bà đã lạc quan, tự hào và yên tâm về con trai trong tương lai nếu một ngày bà phải đi xa mãi mãi. Hiện Long đã có một chiếc xe lăn điện và có thể tự đi lại trong phạm vi gần, các chị gái Long cũng thường xuyên quay về nhà chăm sóc cậu em trai thiệt thòi mà tràn đầy sức sống.

Long ngậm bút viết tặng sách cho độc giả

Long ngậm bút viết tặng sách cho độc giả

Long còn đăng ký hiến xác với mong muốn y học Việt Nam sau này có thể thực hiện được những ca ghép đầu phức tạp từ những nghiên cứu trên xác hiến.

Truyền ý chí cho thanh niên

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Bí thư Huyện Đoàn Nghi Xuân, nhận xét: "Anh Long là tấm gương nghị lực tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh. Anh đã truyền cảm hứng cho đoàn viên thanh niên tại địa phương cố gắng phấn đấu, rèn luyện học tập, sống có lý tưởng và hoài bão. Những cuốn sách của anh viết ra không chỉ hay về nội dung, mượt mà về câu chữ mà còn thể hiện ý chí kiên cường của người Việt Nam, tuy tàn nhưng không phế".

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Nguyễn Khánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bai-du-thi-cuoc-thi-viet-long-tot-quanh-ta-chang-rong-trai-tim-khong-tat-nguyen-196241115202509013.htm