Covid-19 khiến nợ quốc gia của Mỹ vượt mốc 30 ngàn tỉ USD
Nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên vượt quá 30.000 tỉ USD tính đến ngày 1-2 do Washington vay nợ nhiều trong đại dịch Covid-19.
Dữ liệu trên do Bộ Tài chính Mỹ công bố. Theo đó, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thâm hụt ngân sách và các khoản vay của chính phủ Mỹ.
Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là các chủ nợ nước ngoài hàng đầu của Mỹ với số nợ lần lượt là 1,3 ngàn tỉ USD và 1,08 ngàn tỉ USD. Washington cũng nợ các thực thể nước ngoài gần 8.000 tỉ USD.
Các chủ nợ lớn khác của Mỹ còn bao gồm Anh, Luxembourg, Ireland, Brazil, Canada, Pháp, Ấn Độ, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc).
Ngoài ra, chính phủ Mỹ nợ ngân sách quốc gia 6,5 ngàn tỉ USD, chủ yếu là quỹ An sinh xã hội và quỹ Hưu trí quân nhân.
Trong thời gian đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng gấp đôi bảng cân đối của mình lên 8,9 ngàn tỉ USD bằng cách mua hàng ngàn tỉ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán.
Con số 30.000 tỉ USD cán mốc sớm hơn nhiều so với dự đoán. Các quan chức và nhà kinh tế Mỹ không lường trước được đại dịch Covid-19 và phản ứng sau đó, làm tăng chi tiêu của chính phủ và sau đó là nợ quốc gia tăng thêm 7.000 tỉ USD kể từ cuối năm 2019.
Thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt 2,77 ngàn tỉ USD trong năm tài chính 2021, giảm so với kỷ lục năm 2020 (3,13 ngàn tỉ USD).
Theo báo The New York Times, các chương trình Covid-19 của chính phủ Mỹ “tài trợ cho các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và các khoản thanh toán kích cầu”. Tất cả đều được trả bằng tiền đi vay nợ.
Chiến lược gia toàn cầu của JPMorgan Asset Management, David Kelly, nói với đài CNN rằng khoản nợ này có nghĩa là Mỹ “sẽ nghèo hơn trong dài hạn”.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Quỹ Peterson, Michael Peterson, giải thích rằng “các vấn đề về cấu trúc mà Mỹ phải đối mặt về mặt tài chính đã tồn tại rất lâu trước đại dịch” và Covid-19 chỉ đơn thuần “làm trầm trọng thêm vấn đề”.