Covid-19 không làm chùn bước những tấm lòng nhân ái
Năm vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cuộc sống của những bệnh nhân nghèo lại càng thêm chật vật. May mắn thay, họ kịp thời nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng nhân ái.
Từ những lời van xin khẩn thiết...
Nhiều năm làm công tác từ thiện, chúng tôi từng chứng kiến không ít những hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo không tiền chạy chữa... Bệnh tật không chỉ bào mòn sức khỏe mà còn khiến kinh tế gia đình lao đao, kiệt quệ. Nhưng năm vừa qua, bởi tác động của dịch Covid-19, dường như nỗi vất vả của những hoàn cảnh đó lại càng tăng lên gấp bội.
Dịch bệnh bùng phát, các bệnh viện ngay lập tức thực hiện kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe bệnh nhân của mình. Chỉ một sơ suất thôi, tính mạng bệnh nhân cũng có thể gặp hiểm nguy. Bởi vậy, công tác làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo tại đây cũng mất thêm chút thời gian, công sức.
Trên chặng đường đó, chúng tôi bắt gặp những trường hợp đáng nhớ. Một bệnh nhi mắc chứng u nguyên bào thần kinh từ Hà Tĩnh, lặn lội ra Hà Nội chữa bệnh. Cháu bé chỉ mới 5 tuổi đã phải chịu những cơn đau khủng khiếp mà người lớn cũng rùng mình sợ hãi. Sau những đợt "vào" thuốc, bé chỉ kịp thều thào: "Mẹ ơi, cứu con với".
Gặp cha mẹ cháu bé lúc mới nhập viện, cuộc nói chuyện giữa chúng tôi liên tục gián đoạn bởi tiếng khóc nấc, bởi những giọt nước mắt nghẹn ngào lăn dài trên gò má những người lao động khốn khổ. Chứng kiến con mình đau đớn, họ chỉ biết luống cuống xoa chân tay, mong con dịu đi phần nào nỗi đau. Họ biết rằng chừng nào con còn được truyền thuốc, dù mệt mỏi đến mấy cũng còn cơ hội sống.
Thế nhưng, ngay cả cơ hội ấy lúc nào cũng trong tình trạng "mấp mé" bị cướp đi, khi tài sản của họ bán sạch vẫn không đủ tiền mua 1 toa thuốc. Bất lực, không còn cách nào khác, họ cầu xin các nhà hảo tâm giúp đỡ, để đứa con tội nghiệp còn có thể ở bên cha mẹ lâu hơn một chút.
Bằng toàn bộ khả năng của mình, người viết dồn hết tâm tư, tình cảm vào từng câu chữ, mong lay động được trái tim độc giả. Khi bài viết đăng tải, ngoài những lời động viên, chia sẻ, chúng tôi bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại gay gắt, tự giới thiệu là bác ruột cháu bé, yêu cầu gỡ bài vì định kiến cổ hủ của họ hàng.
Nghe những lời nói từ nếp nghĩ cũ kỹ, chúng tôi lại càng thương cảm cho gia đình cháu bé. Sau một cuộc trò chuyện kéo dài, tìm đủ mọi cách thuyết phục, người bác cuối cùng cũng nhận ra và rút lại yêu cầu của mình.
Điều đáng mừng là qua bài viết, hoàn cảnh của bé nhận được số tiền ủng hộ lên đến hơn 200 triệu đồng, đủ để điều trị một thời gian dài. Mới đây trở lại bệnh viện, nhờ can thiệp thuốc kịp thời, bé đã khỏe mạnh hơn, chuẩn bị được về quê ăn Tết. Đây là tin vui nhất đối với những người làm công tác từ thiện.
Một trường hợp khác làm người viết rất trăn trở ngay cả sau khi bài báo được đăng. Đó là bé Phúc (2 tháng tuổi, quê Hà Tĩnh) mắc chứng xuất huyết não. Câu chuyện bé được sinh ra quả thật khiến nhiều người ám ảnh.
Mẹ của Phúc bị bệnh tâm thần từ nhỏ. Trong một lần cả nhà đi vắng, chị bị xâm hại dẫn tới có thai. Cho đến khi thai 4 tháng tuổi, gia đình mới hay chuyện.
Cháu bé được sinh ra trong sự kỳ thị của nhiều người. Đau lòng hơn, 20 ngày sau khi cất tiếng khóc chào đời, Phúc bị viêm phổi, xuất huyết não. Bà ngoại và dì vừa ôm cháu đi viện vừa nức nở, thương cho một sinh linh bé nhỏ có số phận nghiệt ngã.
Trong cuộc nói chuyện, bà ngoại cháu dường như không còn đủ sức để kể lại mọi chuyện một cách mạch lạc. Dù cho cuộc đời có bất công đến nhường nào, thì điều quan trọng nhất với họ chính là tính mạng của bé Phúc. May mắn, bạn đọc báo VietNamNet đã kịp thời tiếp thêm sức mạnh cho họ, gửi đến gia đình gần 100 triệu đồng giúp đỡ bé Phúc.
…đến những cuộc chia tay vội vã
Dẫu có những niềm vui bình dị khi thấy qua bài viết của mình, nhiều hoàn cảnh nhận được sự ủng hộ tích cực thì chúng tôi vẫn đau đáu, trăn trở cho không ít những mảnh đời bất hạnh khác.
Một bệnh nhân bị bỏng khá nặng, gia đình hết sức nghèo khổ. Anh vốn là trụ cột, lo cho cả gia đình, nhưng một tai nạn khí ga bất ngờ đẩy anh vào cơn nguy kịch.
Chỉ vài phút sau khi tạm biệt vợ chồng anh, trở về nhà, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ người vợ: "Anh ấy mất rồi em ơi!". Tình trạng quá nặng, tiên lượng xấu, bác sĩ không thể cứu được nữa. Gia đình dù đau lòng nhưng vẫn gọi lại cho phóng viên, đề nghị dừng đăng bài, nhường cơ hội cho người khác.
Hay như đôi vợ chồng người trẻ dân tộc H’Mông tảo hôn ở tuổi vị thành niên, bất lực nhìn đứa con 2 tuổi không cách nào cứu chữa. Cháu bé bị bệnh ung thư võng mạc đã di căn vào não. Mắt cháu lồi đến mức gần như sắp rơi ra ngoài.
Nhận cuộc gọi từ bệnh viện lúc 7 giờ sáng, chúng tôi vội vã tìm đến, cố gắng trao đổi, lấy thông tin thật nhanh với mong muốn kịp thời hỗ trợ cháu được phần nào. Đau lòng thay, tất cả đều đã quá muộn. Điều duy nhất có thể giúp là kêu gọi cho gia đình một chuyến xe cứu thương, đưa con về quê nhà. Bởi, họ quá nghèo để có thể thuê xe.
“Giờ vợ chồng em chẳng biết trông chờ vào ai nữa. Nhà cửa chả còn gì để mà bán giờ hết sạch tiền rồi. Em muốn thuê cho con chuyến xe cuối cùng nhưng chẳng được”, người mẹ trẻ nói. Trước số phận bất hạnh đó, mọi người đã giúp họ hoàn thành ý nguyện của mình.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Quá trình cách ly, giãn cách xã hội ở Việt Nam khiến cuộc sống mưu sinh đối với những người lao động nghèo trở nên khó khăn hơn.
Đứng trước bối cảnh đó, nhiều bệnh nhân điều trị ở các bệnh viện càng rơi vào bế tắc. Nhận thức được những thách thức vào đợt dịch Covid-19, báo VietNamNet vẫn luôn cố gắng tiếp tục trở thành cầu nối giữa các nhà hảo tâm đến những người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Dù bản thân cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế do dịch bệnh đem lại nhưng các tấm lòng vàng vẫn ủng hộ mạnh mẽ. Đó là điều mà chúng tôi vô cùng trân quý, nhận ra điểm sáng le lói cuối con đường dành cho những mảnh đời khốn cùng trong xã hội. Sự quan tâm của các mạnh thường quân càng chứng minh cho tinh thần "lá lành đùm lá rách" tốt đẹp của con người Việt Nam.