Covid-19 lại có diễn biến lạ ở Nam Phi
Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại ở Nam Phi. Các chuyên gia y tế công đang theo dõi tình hình để tìm hiểu nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng đột biến này.
Nam Phi đã giảm số ca mắc Covid-19 sau khi đạt đỉnh dịch do biến thể Omicron vào tháng 12 năm ngoái, sớm hơn nhiều so với phần còn lại ở thế giới. Tuy nhiên, trong tuần qua, số ca mắc mới tăng gấp 3 lần, tỉ lệ ca dương tính với Covid-19 tăng lên và số người nhập viện cũng tăng lên. Diễn biến mới về đại dịch khiến Nam Phi đối mặt nguy cơ chứng kiến làn sóng dịch thứ 5.
Đợt bùng phát mới có liên quan đến BA.4 và BA.5, hai biến thể phụ của Omicron. Ông Tulio de Oliveira, Giám đốc phòng thí nghiệm Nền tảng Giải trình tự và Đổi mới sáng tạo Nghiên cứu KwaZulu-Natal ở Nam Phi, cho biết hai chủng BA.4 và BA.5 cho thấy virus đang tiến hóa ra sao trong bối cảnh khả năng miễn dịch toàn cầu gia tăng.
GS de Oliveira nói: "Những gì chúng ta đang thấy bây giờ, hoặc ít nhất có thể là những dấu hiệu đầu tiên, không phải là những biến thể hoàn toàn mới đang xuất hiện mà là những biến thể hiện có đang bắt đầu tạo ra biến thể phụ". Kể từ khi được xác định lần đầu ở Nam Phi và Botswana vào tháng 11, Omicron đã tạo ra một số biến thể phụ.
Các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 90% dân số Nam Phi đã miễn dịch với Covid-19. Chỉ một phần trong số này là thông qua tiêm chủng, phần lớn là do từng mắc bệnh. Tuy nhiên, miễn dịch sau khi mắc Covid-19 thường giảm sau khoảng 3 tháng.
Theo TS Ali Mokdad, chuyên gia dịch tễ học thuộc Trường ĐH Washington (Mỹ), việc tái nhiễm ở giai đoạn này là rất tự nhiên, đặc biệt khi hành vi người dân thay đổi như đi lại nhiều và ít đeo khẩu trang hơn. Dữ liệu mới nhất cho thấy ở người chưa tiêm chủng, BA.4 và BA.5 có khả năng tránh được miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm chủng Omicron gốc, còn gọi là BA.1. Điều này làm phát sinh ca bệnh có triệu chứng với chủng phụ mới.
Theo New York Times, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu liệu làn sóng mới ở Nam Phi gây ra triệu chứng bệnh nặng hay nhẹ hơn, cũng như liệu hai biến thể phụ trên có làm gia tăng ca nhiễm ở nước khác hay không.
TS Kavita Patel, người từng lãnh đạo chương trình phản ứng virus cúm heo H1N1 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng mô hình quen thuộc về làn sóng dịch ở nước này gây ra làn sóng dịch ở nước khác không còn hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, việc giám sát các tình huống và dữ liệu đến từ các quốc gia như Nam Phi giúp cung cấp tín hiệu đáng tin cậy để hiểu được sự tiến hóa của virus.
Trong khi đó, tại Thái Lan, số ca mắc mới được ghi nhận dưới 10.000 ca lần đầu tiên kể từ đầu tháng 2, theo dữ liệu chính phủ hôm 2-5 trong khi số ca tử vong tiếp tục giảm dưới 100.
Theo Bangkok Post, Thái Lan ghi nhận 9.331 ca mắc mới và 84 trường hợp tử vong do Covid-19 hôm 2-5 so với 11.535 ca mắc và 91 trường hợp tử vong được báo cáo 1 ngày trước đó.
Cũng ở châu Á, Đài Loan (Trung Quốc) hôm 3-5 thông báo giảm từ 10 ngày còn 7 ngày cách ly bắt buộc đối với tất cả người đến hòn đảo, nới lỏng quy định để sống chung với Covid-19 bất chấp số ca mắc đang tăng đột biến.
Tuy nhiên, theo Reuters, tất cả người đến Đài Loan vẫn phải xét nghiệm PCR và kết thúc cách ly vào ngày thứ 7 miễn là có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Yêu cầu về xét nghiệm PCR có kết quả âm tính đối với hành khách trước khi khởi hành đến Đài Loan vẫn được áp dụng.