COVID-19 liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

* Kỳ vọng về vắc xin mới vừa chống cúm mùa vừa phòng COVID-19

Nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng hội chứng COVID-19 kéo dài, còn gọi là “Long COVID”, đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng chục triệu người trên thế giới, trong đó có vấn đề tim mạch.

Các bác sĩ cho rằng khoảng 10% số trẻ em mắc COVID-19 sẽ chịu ảnh hưởng của “Long COVID”. Mới đây, một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành BMJ cho thấy những người bình phục sau khi mắc COVID-19 nhiều khả năng còn bị lo âu, trầm cảm, cũng như gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần khác.

Nói cách khác, cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần kép, do COVID-19 gây ra trực tiếp hoặc gián tiếp, hiện đang bùng phát. Để đưa ra được kết luận trên, các nhà nghiên cứu thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe VA St. Louis của Mỹ đã tiến hành nghiên cứu trên dữ liệu của 153.848 cựu chiến binh.

Kết quả cho thấy các bệnh nhân mắc COVID-19 có khả năng mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần trong vòng 12 tháng cao hơn nhiều so với những người không mắc bệnh.

Những vấn đề này bao gồm rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức và phải phụ thuộc vào các loại thuốc như opioid, benzodiazepine và thuốc chống trầm cảm.

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, Trưởng khoa Nghiên cứu và Phát triển tại hệ thống chăm sóc sức khỏe VA St. Louis cho rằng các hệ thống y tế cần hiểu rõ điều này để xây dựng năng lực chăm sóc những người rối loạn sức khỏe tâm thần.

Theo ông, cần xác định sớm những người mắc “Long COVID” nhằm tránh gây ra các vấn đề lớn hơn, trong đó có tự tử, hoặc lạm dụng thuốc opioid khác.

Trên thực tế, đây không phải là nghiên cứu đầu tiên về mối liên quan giữa COVID-19 với tổn thương não lâu dài. Năm ngoái, tiến sĩ Ricardo Costa, tác giả của một nghiên cứu về tác động lâu dài của COVID-19 đối với não, cho rằng công chúng cần phải biết rằng virus SARS-CoV-2 không chỉ ảnh hưởng tới phổi.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy tế bào tế bào hình sao và tế bào thần kinh - những tế bào tạo nên phần lớn bộ não của con người - cũng có thể bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2, gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Giới chuyên gia cho rằng không chỉ gây tổn hại tới não bộ, COVID-19 còn để lại những sang chấn tâm lý kéo dài nhiều thế hệ, trong đó có những hệ quả từ việc gián đoạn hoạt động.

Các yếu tố mà đại dịch gây ra đối với sức khỏe tâm thần, cả những tổn thương thể chất đối với não bộ và tổn hại tâm lý, sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài nữa ngay cả khi đại dịch kết thúc.

Phần lớn gánh nặng sẽ đè lên vai các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chính phủ các nước. Do đó, giới chuyên gia mong muốn người dân tìm đến sự trợ giúp của các nhân viên y tế để có thể phát hiện sớm vấn đề và điều trị.

* Đại dịch COVID-19 đang hoành hành cùng với sự lây nhiễm của virus cúm và các chủng virus corona khác vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu. Do tỉ lệ tử vong và tỉ lệ mắc bệnh cao liên quan đến COVID-19, các nhà khoa học đã nhanh chóng bào chế nhiều loại vắc xin để giảm nguy cơ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cho thấy rằng việc nghiên cứu và bào chế vắc xin cần tiếp tục đẩy mạnh để theo kịp diễn biến của dịch bệnh.

Do đó, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã quan tâm đến việc sản xuất một loại vắc xin có thể vừa phòng chống virus SARS-CoV-2 vừa phòng chống các chủng của virus corona.

Trước sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2, virus cúm A (IAV) là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh đường hô hấp. Đến nay, vắc xin cúm A vẫn phải tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần với mức độ hiệu quả thay đổi hằng năm và thường phụ thuộc vào sự phản ứng của kháng nguyên giữa các chủng virus cúm đang lưu hành với những chủng đã được đưa vào vắc xin.

Trong nghiên cứu gần đây đăng trên Tạp chí Virology, các nhà khoa học đã nghiên cứu một ứng cử viên vắc xin có thể phòng chống đồng thời virus SARS-CoV-2 và IAV.

Để đạt được mục tiêu này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một chất sinh miễn dịch tổng hợp bằng cách kết hợp khu vực kết nối kháng nguyên (receptor-binding domain -RBD) SARS-CoV-2 với cuống của kháng nguyên bề mặt (hemagglutinin-HA) của virus H7N9. Cả hai thành phần này đều được biểu hiện sau đó ở vector huyết thanh 68 adenovirus ở tinh tinh (AdC68).

Các nhà nghiên cứu chủ yếu chú trọng đến việc xác định việc sản sinh miễn dịch và hiệu quả của AdC68-CoV/Cúm, vốn là vắc xin được tạo ra từ huyết thanh adenovirus 68 ở chuột (AdC68). Vắc xin AdC68-CoV/Cúm mùa đã được thử nghiệm trên chuột thông qua tiêm bắp.Kết quả cho thấy vaccime AdC68-CoV/Cúm đạt hiệu quả trong việc giúp chuột chống lại SARS-CoV-2 và cúm H7N9.

Hơn nữa, những con chuột được tiêm vắc xin AdC68-CoV/Cúm cũng ít có nguy cơ mắc cúm H3N2. Kết quả này cũng cho thấy hiệu quả của việc sử dụng cuống HA để kích hoạt các tế bào B đặc hiệu với cúm mùa. Các nhà khoa học cũng phát hiện việc tiêm vắc xin AdC68-CoV/Cúm còn tạo ra phản ứng mạnh mẽ của tế bào T đặc hiệu RBD ở những con chuột đã được tiêm phòng.

Do chức năng quan trọng của miễn dịch tế bào T trong việc chống virus, đặc tính này có thể góp phần chống lại sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Không chỉ vậy, vắc xin AdC68-CoV/Cúm mới được phát triển còn tạo ra cả kháng thể chống virus SARS-CoV-2 và chống cúm mùa, giúp chuột được bảo vệ trước hai bệnh này. Do đó, các nhà nghiên cho rằng vắc xin AdC68-CoV/Cúm có thể được xem là vắc xin 2 trong 1 nhằm ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 và IAV.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn cho rằng việc tiếp cận đến vắc xin 2 trong 1 sẽ ít tốn kém hơn so với các việc phát triển 2 loại vắc xin riêng biệt.

Nhìn chung, vắc xin AdC68-CoV/Cúm đã cho thấy phương pháp mới để chống lại sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 và cúm A bởi nghiên cứu trên đã cho thấy kết quả khả quan trong việc tiêm vắc xin 2 trong 1 ở động vật.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271426/covid-19-lien-quan-den-cac-van-de-suc-khoe-tam-than-lau-dai.html