Covid-19: Mỹ hoãn tài trợ WHO, thế giới có thể 'bốc hơi' 9.000 tỉ USD

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-4 chỉ đạo chính phủ tạm ngưng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cách xử lý khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19).

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump cho rằng WHO đã "thất bại khi thực hiện nhiệm vụ cơ bản và phải chịu trách nhiệm".

Ông Trump cáo buộc WHO đã lan truyền "thông tin sai lệch" của Trung Quốc về virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) dẫn đến sự lây lan rộng lớn.

Theo ông Trump, WHO đã không minh bạch về dịch bệnh và Mỹ sẽ thảo luận về những gì cần làm với số tiền tài trợ cho WHO. Mỹ vốn là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đã đóng góp 400 triệu USD cho tổ chức này vào năm ngoái.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo chính phủ tạm ngưng tài trợ cho WHO vì cách xử lý khủng hoảng đại dịch. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo chính phủ tạm ngưng tài trợ cho WHO vì cách xử lý khủng hoảng đại dịch. Ảnh: Reuters

Ông Trump nhấn mạnh: "Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, chúng tôi vô cùng lo ngại liệu sự hào phóng của Mỹ có được sử dụng tốt nhất có thể hay không".

Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ đang tìm cách "thay đổi cơ bản" WHO. Ông Pompeo cho rằng WHO trước đây đã làm tốt vai trò của mình nhưng không may là giờ đây tổ chức này không làm hết sức.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cân nhắc khả năng cho vay 1 ngàn tỉ USD để giúp các thành viên của tổ chức đối phó với đại dịch nhưng có thể cần thêm nguồn lực khi cuộc khủng hoảng xảy ra ở các nước đang phát triển.

Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết 100 trong số 189 thành viên của IMF, trong đó chiếm 1/2 là các nước thu nhập thấp, đã liên hệ với IMF về việc nhận khoản tài trợ khẩn cấp để tăng cường nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và giảm thiểu tác động kinh tế.

Bà Gopinath cho biết đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại khoảng 9.000 tỉ USD cho nền kinh tế thế giới trong năm 2020 và 2021, cao hơn GDP của Nhật Bản và Đức cộng lại.

Nếu đại dịch kéo dài hơn dự kiến hoặc có một đợt bùng phát dịch mới, con số thiệt hại có thể cao hơn nhiều.

IMF cũng dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 3% vào năm nay, tồi tệ hơn nhiều so với mức 0,7% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Đây sẽ là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930.

Bà Gopinath dự báo nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi một phần vào năm 2021 và mức độ tăng trưởng là 5,8%.

Tuy nhiên, IMF cho rằng sự dự đoán này là không chắc chắn và con số có thể thấp hơn do phụ thuộc nhiều vào diễn biến của Covid-19.

Xuân Mai (Theo Reuters)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-my-hoan-tai-tro-who-the-gioi-co-the-boc-hoi-9000-ti-usd-20200415075951019.htm