COVID-19: Những điều bệnh nhân ung thư cần biết

Hệ miễn dịch của cơ thể có vai trò quan trọng giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Những người bệnh có hệ miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn, bao gồm cả nhiễm virus như SARS-CoV-2.

Đa phần các bệnh nhân ung thư thường có nguy cơ bị tổn thương hệ miễn dịch cao, tùy thuộc vào loại ung thư mắc phải, phương pháp đã điều trị, tuổi và bệnh lý kết hợp (đái tháo đường, COPD...). Đặc biệt, nguy cơ bị tổn thương miễn dịch thường cao nhất trong thời gian đang điều trị ung thư tích cực hoặc vừa kết thúc đợt điều trị hóa chất, xạ trị, phẫu thuật... Do vậy, việc tăng cường hệ miễn dịch và bảo đảm cho nhóm bệnh nhân ung thư hồi phục sau điều trị và tránh khỏi các nguồn lây nhiễm trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát là hết sức quan trọng.

Do sự suy giảm hệ miễn dịch, các bệnh nhân ung thư đã hoặc đang điều trị đều có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cao hơn khi nhiễm COVID-19. Điều này được báo cáo qua một nghiên cứu tổng hợp trên toàn quốc do Ủy ban Sức khỏe quốc gia Trung Quốc thực hiện, phân tích số liệu từ 2007 bệnh nhân trong 575 bệnh viện thuộc 31 khu vực, tỉnh thành của Trung Quốc. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Lancet Oncology. Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều được xác định dương tính với Covid-19 và phải điều trị tại viện, trong đó có 18 bệnh nhân ung thư.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Kết quả cho thấy, nhóm bệnh nhân có tiền sử điều trị ung thư và đặc biệt nhóm bệnh nhân đang hoặc vừa mới điều trị bằng hóa chất hoặc phẫu thuật có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng (cần điều trị khoa hồi sức tích cực hoặc tử vong) cao hơn nhiều so với bệnh nhân không ung thư (tỷ lệ 39% so với 8% tương ứng). Thêm vào đó, thời gian trung bình dẫn đến tiến triển nặng ở nhóm bị ung thư ngắn hơn nhiều so với nhóm không bị ung thư (13 ngày so với 43 ngày). Từ đó nghiên cứu cũng đưa ra kết luận:

Các bệnh nhân bị ung thư nằm trong vùng đang có dịch COVID-19 bùng phát nên hoãn điều trị hóa chất hoặc phẫu thuật thay thế (elective surgery) nếu được.

Nhóm bệnh nhân ung thư và sau điều trị ung thư là các đối tượng nguy cơ cao, cần được bảo vệ, cách ly chặt chẽ hơn và khi bị nhiễm COVID-19 phải điều trị tích cực, chuyên sâu hơn, đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc mắc các bệnh mạn tính khác.

Cho đến nay, chưa có vắc-xin để phòng SARS-CoV-2, mặc dù các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đang được tích cực thực hiện. Cách quan trọng nhất để bảo vệ bản thân là tránh nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19. Hãy ở nhà càng nhiều càng tốt và tránh những khu vực mà mọi người tụ tập. Tránh đi lại không cần thiết, thường xuyên cập nhật và làm theo hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế ban hành.

Một cách quan trọng khác để bảo vệ bản thân là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, hoặc bằng dung dịch vệ sinh tay khô có chứa ít nhất 60% cồn. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng. Nếu phải ho hoặc hắt hơi, hãy sử dụng khăn giấy. Sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác. Hoặc ho, hắt hơi vào khuỷu tay chứ không phải bàn tay. Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh. Đeo khẩu trang đúng cách, đúng chỗ. Làm sạch các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng nước xịt hoặc khăn lau nhà. Những bề mặt và đồ vật này bao gồm tay nắm cửa, quầy, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng, điện thoại,... Chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh, khoa học: Ăn đủ chất, bổ sung vitamin C, thức ăn giàu chất chống oxy hóa, ngủ đủ giấc, thường xuyên tập thể dục giúp tăng sức bền, sự dẻo dai. Uống đủ nước và thường xuyên: cần uống trung bình 0,4l/10kg cân nặng giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng tiết nhầy, làm ẩm cơ quan hô hấp, tiêu hóa... Súc họng bằng nước muối sinh lý pha betadin giúp diệt khuẩn vùng họng miệng.

BSCKI. Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/covid-19-nhung-dieu-benh-nhan-ung-thu-can-biet-n179399.html