Covid-19 ở Việt Nam sáng 9/9: Số ca khỏi bệnh tăng; tiêm mũi 1 Moderna có thể tiêm mũi 2 Pfizer; TP. Hồ Chí Minh cho phép quán ăn uống bán mang đi

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 563.676 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân.

Xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người dân Hà Nội. (Nguồn: Báo Nhân dân)

Xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người dân Hà Nội. (Nguồn: Báo Nhân dân)

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 563.676 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.730 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 559.346 ca, trong đó có 322.873 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.

+ Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.

+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (273.154), Bình Dương (141.765), Đồng Nai (31.179), Long An (26.804), Tiền Giang (11.159).

Tình hình điều trị bệnh nhân:

- Số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày 8/9: 13.937 bệnh nhân; 325.647 ca được điều trị khỏi bệnh

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.479 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.053; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.210; Thở máy không xâm lấn: 257; Thở máy xâm lấn: 930; ECMO: 29

- Số bệnh nhân tử vong ngày 8/9: Theo tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 335 ca tử vong tại các tỉnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (268 ca); Bình Dương (34 ca); Long An (8 ca)...Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 310 ca.

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.125 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Bộ Y tế: Tiêm mũi 1 vaccine Moderna có thể tiêm mũi 2 Pfizer

Tối 8/9, Bộ Y tế cho biết, nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; Nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Để thực hiện Chiến lược vaccine phòng Covid-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do Astra Zeneca sản xuất, hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (vaccine do Sinopharm sản xuất).

Đồng thời hiện nay các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vaccine bằng những công nghệ khác nhau.

Thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vaccine nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vaccine véc tơ virus với vaccine mRNA, hoặc tiêm 2 loại vaccine mRNA của các nhà sản xuất khác nhau...

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9/2021 Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2 như sau:

Nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; Nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Liên quan đến vaccine Moderna, một số địa phương như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện có tình trạng hết vaccine Moderna để tiêm mũi hai cho người dân.

Những ngày gần đây, một số điểm tại TP.HCM đã tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer cho người tiêm Moderna ở mũi đầu. Lý do là họ đã đến lịch tiêm mũi 2 nhưng vaccine Moderna không còn.

TP. Hồ Chí Minh cho phép quán ăn uống mở lại, chỉ bán mang đi

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình vừa ký văn bản số 2994/UBND-ĐT về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo tiếp tục kéo dài giấy đi đường của Công an Thành phố đã cấp trong thời gian TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 15/9/2021.

Đồng thời cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h00 - 21h00 hàng ngày.

Thành phố sẽ triển khai mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại Chợ đầu mối Bình Điền và Chợ Đầu mối Hóc Môn. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại Chợ đầu mối Thủ Đức trên nguyên tắc đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có Giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6h00 - 18h00 hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.

Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; Người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Nhiều tỉnh nới lỏng phòng dịch

Ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ vừa ký văn bản về thực hiện nới lỏng đối với một số hoạt động, loại hình kinh doanh dịch vụ khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay cơ bản được kiểm soát, toàn tỉnh đã trải qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 thứ phát trong cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị bám sát tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Cụ thể, tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu gồm karaoke, mát-xa, xông hơi, quán internet, trò chơi điện tử, bi-a, vũ trường, quán bar, bể bơi; các hoạt động văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, nghi lễ tôn giáo.

Các hoạt động thể dục - thể thao tại các địa điểm công cộng; các câu lạc bộ gym, yoga, dịch vụ spa chăm sóc sắc đẹp được phép hoạt động trở lại, nhưng phải thực hiện nghiêm quy định 5K và không quá 20 người/địa điểm.

Cho phép các nhà hàng, quán ăn, uống được phục vụ tại chỗ trở lại. Tuy nhiên, phải đảm bảo bố trí giãn cách chỗ ngồi, phục vụ tối đa không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm và không quá 20 người/1 phòng kín.

Thời gian thực hiện kể từ 0h ngày 10/9.

Quyết định 715/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình về việc kết thúc cách ly xã hội đối với huyện Kim Sơn, do ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ký nêu rõ:

Kết thúc cách ly y tế (phong tỏa) theo Quyết định 3986/QĐ ngày 16/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Kết thúc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình bắt đầu từ 0h ngày 9/9. Giao UBND huyện Kim Sơn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định hiện hành.

UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành công điện về việc dừng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn huyện Lương Sơn, kể từ 12h ngày 9/9.

Công điện nêu rõ, sau khi dừng giãn cách xã hội, huyện Lương Sơn sẽ vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chia theo 2 vùng trên địa bàn huyện trong thời gian 15 ngày (từ 12h ngày 9/9 đến 12h ngày 24/9).

Cụ thể, vùng 1: Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn Chỉ thị 15 đối với các thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn 7 xã (Hòa Sơn, Nhuận Trạch, Cư Yên, Liên Sơn, Cao Dương, Thanh Cao và Thanh Sơn) có các khu dân cư, cánh đồng, khu sản xuất, kinh doanh giáp ranh với các xã, huyện thuộc TP Hà Nội.

Lực lượng chức năng kiểm soát người và phương tiện ra vào huyện Lương Sơn để phòng chống dịch Covid-19.

Lực lượng chức năng kiểm soát người và phương tiện ra vào huyện Lương Sơn để phòng chống dịch Covid-19.

Tiếp tục duy trì quản lý, siết chặt vành đai ranh giới huyện Lương Sơn với các địa phương giáp ranh thuộc TP Hà Nội; quản lý chặt chẽ người ra, vào theo các lớp: chốt kiểm soát của tỉnh, huyện, xã… Tiếp tục thực hiện quy định giờ giới nghiêm từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau...

Các công trình xây dựng cơ bản, công trình dân dụng được phép hoạt động; các cửa hàng kinh doanh ăn uống khu vực đường Hồ Chí Minh được tiếp tục hoạt động, nhưng chỉ được bán hàng mang về, không được tổ chức cho 3 khách ăn uống tại chỗ; đồng thời, phải bảo đảm thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 trong tổ chức bán hàng.

Vùng 2: Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng linh hoạt một số biện pháp phòng, chống dịch đối với các thôn, xóm, tiểu khu còn lại thuộc 11 xã, thị trấn không giáp ranh với các địa phương thuộc TP Hà Nội.

Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu, yêu cầu đăng ký tại các xã, thị trấn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các xã, thị trấn tổng hợp đề xuất UBND huyện cấp giấy được hoạt động, đi lại trên địa bàn.

Thực hiện hướng dẫn và phân cấp UBND các xã, thị trấn thực hiện việc kiểm soát các hoạt động đi lại của các phương tiện, người lao động, cấp phép cho người dân ra khỏi địa bàn.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-o-viet-nam-sang-99-so-ca-khoi-benh-tang-tiem-mui-1-moderna-co-the-tiem-mui-2-pfizer-thu-tuong-yeu-cau-ha-noi-dieu-chinh-giay-di-duong-157853.html