Covid-19: Omicron 'thua' Delta một điểm cực quan trọng, Indonesia có ca đầu tiên; Anh, Nam Phi ghi nhận số ca bệnh kỷ lục

Báo Thế giới & Việt Nam cập nhật tình hình dịch Covid-19 tại một số quốc gia ngày 16/12.

Một số nghiên cứu kết luận rằng, biến thể Omicron có tốc độ lây lan qua đường hô hấp nhanh hơn 70 lần so với Delta, nhưng trong phổi người, tốc độ tự nhân bản thấp hơn 10 lần. (Nguồn: NBC)

Một số nghiên cứu kết luận rằng, biến thể Omicron có tốc độ lây lan qua đường hô hấp nhanh hơn 70 lần so với Delta, nhưng trong phổi người, tốc độ tự nhân bản thấp hơn 10 lần. (Nguồn: NBC)

Biến thể Omicron: Bản tóm tắt một số nghiên cứu về virus SARS-COV-2 gần đây, đang trong quá trình xem xét để công bố chính thức, cho thấy, tốc độ lây truyền của biến thể Omicron nhanh theo cấp số nhân trong đường hô hấp nhưng lại chậm hơn trong môi trường phổi của con người.

Theo các nhà nghiên cứu, những khác biệt lớn giữa Omicron và các biến thể khác của virus SARS-COV-2 có thể giúp đánh giá được khả năng tác động của biến thể mới này trong tương lai.

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, so với biến thể Delta, Omicron tự nhân bản nhanh hơn 70 lần trong đường hô hấp, dẫn đến khả năng dễ lây lan thông qua tiếp xúc giữa người với người.

Tuy nhiên, trong môi trường phổi, Omicron nhân bản chậm hơn 10 lần so với virus SARS-COV-2 gốc, điều này có thể lý giải việc người mắc biến thể này ít có nguy cơ chuyển nặng.

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Michael Chan Chi-wa, Trưởng một nhóm nghiên cứu ở Hong Kong, cho rằng, điều quan trọng cần lưu ý là mức độ nghiêm trọng khi nhiễm bệnh không chỉ được xác định thông qua tốc độ nhân bản của virus.

Ông cho rằng, cần phải căn cứ vào cả phản ứng miễn dịch của người bệnh, vì đôi khi điều đó có thể dẫn đến tình trạng viêm nặng, đe dọa đến tính mạng. Bằng cách lây nhiễm cho nhiều người, biến thể dễ lây truyền có thể gây bệnh nặng hơn và thậm chí là tử vong, dù bản thân nó ít có khả năng gây bệnh.

Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí JAMA Network Open cho hay, cứ 10 người nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có 4 người có thể vô tình làm lây lan virus. Những người bệnh không triệu chứng có thể làm gia tăng đáng kể sự lây truyền của virus này SARS-CoV-2 vốn đang chiếm 40,5% số ca mắc bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới.

Theo tổng hợp dữ liệu từ 77 nghiên cứu trước đó liên quan 19.884 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khoảng 40% trong số này là các trường hợp không có triệu chứng, 54% là phụ nữ mang thai, 53% người từng sử dụng máy bay hoặc du thuyền, 48% là người cao tuổi hoặc nhân viên ở viện dưỡng lão và 30% là nhân viên y tế hoặc bệnh nhân nhập viện.

Tỷ lệ các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng là khoảng 46% ở Bắc Mỹ, 44% ở châu Âu và 28% ở châu Á.

Nhà nghiên cứu Min Liu và các đồng sự tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết tỷ lệ cao của các trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng cho thấy rõ nguy cơ lây bệnh tiềm ẩn của các bệnh nhân không triệu chứng trong cộng đồng.

Theo nhà nghiên cứu, các nhà chức trách nên sàng lọc các trường hợp không triệu chứng và những người này "phải được kiểm soát giống như các trường hợp đã được xác nhận nhiễm bệnh, bao gồm cả cách ly và truy vết".

Indonesia: Ngày 16/12, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, nước này ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là một nhân viên làm việc tại bệnh viện ở Jakarta và không ra nước ngoài trước đó.

Ngoài ra, có 5 trường hợp nghi nhiễm biến thể này, trong đó có 2 công dân Indonesia mới trở về từ Mỹ và Anh và 3 công dân Trung Quốc đang cách ly tại Manado thuộc tỉnh North Sulawesi. Nhà chức trách Indonesia đang tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp này.

Cuba: Giới chức y tế thông báo phát hiện thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều là các ca nhập cảnh từ châu Phi. Cuba ghi nhận ca đầu tiên nhiễm Omicron vào ngày 8/12

Từ hôm 4/12, Cuba đã tăng cường các biện pháp giám sát và phòng ngừa đối với những hành khách đến từ các quốc gia đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron.

Nhờ chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng sử dụng các loại vaccine tự sản xuất, Cuba đã kiểm soát được dịch bệnh khi số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm từ mức đỉnh hơn 9.000 ca/ngày vào cuối tháng 7 xuống dưới mức 70 ca hiện nay, và số lượng người đang điều trị xuống mức dưới 300 người, thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Anh: Ngày 15/12, Anh ghi nhận số ca dương tính với Covid-19 được khẳng định qua xét nghiệm lên đến 78.610 trường hợp, mức cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này đầu năm ngoái.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron được cho là đã làm gia tăng số ca nhiễm tại Anh, thể hiện qua số ca nhiễm trong ngày 15/12 vượt xa mốc cao nhất trong ngày được ghi nhận trước đó trong tháng 1 năm nay là 68.053 trường hợp với sự lây lan của biến thể Alpha.

Nam Phi: Với 26.976 ca mắc mới, Nam Phi ghi nhận mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chỉ sau vài tuần nước này thông báo phát hiện biến thể Omicron.

Con số này cao hơn mức tăng theo ngày cao nhất từng được ghi nhận (26.485 ca) vào ngày 3/7, thời điểm đỉnh dịch của làn sóng dịch bệnh thứ 3 do biến thể Delta gây ra.

Cùng ngày, Nam Phi cũng ghi nhận 54 ca tử vong vì Covid-19. Trước đó, số ca tử vong cao nhất trong ngày tại Nam Phi từng được thông báo là 108 ca. Với tỷ lệ tử vong này, việc tiêm vaccine vẫn được cho là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa các ca tử vong.

(theo AFP, Reuters)

Bảo Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-omicron-thua-delta-mot-diem-cuc-quan-trong-indonesia-co-ca-dau-tien-anh-nam-phi-ghi-nhan-so-ca-benh-ky-luc-168148.html