Covid-19: Phát hiện, thu giữ 230 hộp thuốc điều trị không rõ nguồn gốc; Nghệ An, Bắc Ninh vượt 10.000 ca mắc trong ngày
Gần 2,8 triệu F0 đã khỏi bệnh, 4.258 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị, biến chủng Omicron tàng hình đang 'chiếm ưu thế' tại TP. Hồ Chí Minh
Trong 24 giờ (từ 16h ngày 7/3 đến 16h ngày 8/3), Việt Nam ghi nhận 162.435 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 162.415 ca ghi nhận trong nước (tăng 15.080 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 104.353 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận trên 3.000 ca mắc mới bao gồm: Hà Nội (32.650), Nghệ An (15.292), Bắc Ninh (10.731), Phú Thọ (4.882), Sơn La (4.368), Hưng Yên (4.014), Hòa Bình (3.878), Hải Phòng (3.871), Nam Định (3.839), Hải Dương (3.676), Cà Mau (3.428), Tuyên Quang (3.298), Lạng Sơn (3.224), Bình Dương (3.131).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 4.776.873 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 48.357 ca nhiễm).
Bắc Giang phát hiện, thu giữ 230 hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc
Thông tin từ Công an huyện Hiệp Hòa cho biết, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 phát hiện đối tượng N.T.H (trú tại Bắc Giang) vận chuyển 230 hộp thuốc điều trị Covid-19.
Khai nhận với lực lượng chức năng, N.T.H cho biết, do thấy số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn huyện Hiệp Hòa tăng cao nên đã tìm hiểu các loại thuốc có tác dụng uống dự phòng và điều trị Covid-19 từ một người trên mạng xã hội Facebook. Sau khi trao đối, H. đã mua số thuốc nêu trên với giá 18,4 triệu đồng để sử dụng và bán kiếm lời.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Hiệp Hòa tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến thực trạng mua bán thuốc điều trị Covid-19 tràn lan trên mạng xã hội, mới đây, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra việc mua bán thuốc điều trị Covid-19.
Theo đó, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh thuốc điều trị Covid-19, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các địa phương chủ động, khẩn trương triển khai, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 976/BYT-QLD về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.
Phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mua bán thuốc điều trị Covid-19 trái phép.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Nếu phát hiện các hành vi phạm có dấu hiệu hình sự cần kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Biến chủng Omicron tàng hình đang “chiếm ưu thế” tại TP. Hồ Chí Minh
Sáng 9/3, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi họp giao ban giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố với các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Buổi họp nhằm đánh giá lại tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố khi số ca mắc mới mỗi ngày đang tăng cao.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Thành phố và nhiều nơi khác trên cả nước đang có xu hướng tăng. Ngành y tế cần nhìn nhận đúng tình hình diễn biến dịch Covid-19 để có sự chuẩn bị và giải pháp phù hợp.
"Trong khoảng 6 tháng tới, thành phố sẽ đón nhận thêm ít nhất một làn sóng dịch Covid-19 nữa. Thông tin này ít nhiều sẽ gây sự quan tâm, lo lắng cho người dân cả nước", Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Đối với ngành giáo dục, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phân tích, công tác tổ chức cho học sinh đi học trở lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Dù ngành giáo dục nói số ca mắc tại trường học tăng đã có dự kiến và chuẩn bị, tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều diễn biến khó để chuẩn bị trước.
Báo cáo tại buổi họp, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, các số liệu về dịch Covid-19 trên thế giới như số ca mắc mới, số ca tử vong đã giảm trong tuần qua. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nổi lên với số ca nhiễm mới cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực, điều này gây ra nhiều ý kiến thắc mắc.
Dẫn số liệu mới nhất về biến chủng Omicron trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Thành phố vừa xét nghiệm tầm soát 109 trường hợp mắc Covid-19 thì ghi nhận 103 người nhiễm biến chủng Omicron. Sau khi giải trình tự gen 67 mẫu, người nhiễm biến thể BA.2 là 43 trường hợp, biến thể BA.1 là 24 trường hợp.
"Như vậy, TP. Hồ Chí Minh vừa ghi nhận biến thể BA.1 vừa có cả BA.2. Điều này lý giải vì sao tốc độ lây lan lại nhanh như vậy trong thời gian qua. Chúng ta không nên quá lo lắng về biến thể mới vì đã có tại thành phố rồi", ông Tăng Chí Thượng giải thích cụ thể.
Hà Nam ghi nhận 2.385 ca F0 trong ngày
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trong ngày 8/3, trên địa bàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 2.385 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp trên địa bàn tỉnh Hà Nam ghi nhận ở mức hơn 2000 ca/ngày, qua đó nâng tổng số ca bệnh cộng dồn toàn tỉnh từ 19/9/2021 đến nay lên 29.708 trường hợp.
Cụ thể, tại các khu cách ly phong tỏa ghi nhận 22 trường hợp liên quan đến các ổ dịch trên địa bàn tỉnh; 2.653 trường hợp qua sàng lọc y tế.
Nam Định: 3.839 ca dương tính với SARS-CoV-2
Theo thông tin từ Sở Y tế, trong ngày 8/3, tỉnh Nam Định phát hiện thêm 3.839 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2.811 ca ghi nhận trong cộng đồng.
Cụ thể, huyện Hải Hậu 383 ca; thành phố Nam Định 711 ca; huyện Vụ Bản 414 ca; huyện Ý Yên 482 ca; huyện Nam Trực 224 ca; huyện Xuân Trường 449 ca; huyện Nghĩa Hưng 272 ca; huyện Trực Ninh 305 ca; huyện Giao Thủy 405 ca; huyện Mỹ Lộc 193 ca.
Thanh Hóa: 1.286 F0
Ngày 8/3, Thanh Hóa ghi nhận 1.286 ca mắc Covid-19, tăng nhẹ so với ngày trước đó, trong ngày không có bệnh nhân tử vong. Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã ghi nhận 51.684 bệnh nhân Covid-19; 46.322 người được điều trị khỏi; 66 bệnh nhân tử vong.
Nghệ An ghi nhận hơn 4.300 ca mắc mới trong 12 giờ
Sáng 9/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An thông tin: Trong 12 giờ qua (từ 18h ngày 8/3 đến 6h ngày 9/3), Nghệ An ghi nhận 4.379 ca dương tính mới với Covid-19. Trong đó có 1.275 ca cộng đồng; 3.104 ca đã được cách ly từ trước (3.097 ca là F1, 7 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Các địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua: TP. Vinh, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc; không có ca tử vong do Covid-19.
Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 142.682 ca mắc Covid-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 94.679 BN. Lũy kế số ca tử vong: 136. Số trường hợp hiện đang điều trị: 47.867.
Hà Nội lên phương án ứng phó nếu dịch tiếp tục kéo dài, phức tạp
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 8/3, địa phương này phát hiện 32.650 ca Covid-19 mới, trong đó có 13.692 ca cộng đồng.
Cũng theo báo cáo của Sở trên, tính đến hết ngày 7/3, thành phố có 680.478 bệnh nhân hiện đang điều trị (giảm 2.205 bệnh nhân so với ngày 6/3).
Trước tình hình phúc tạp của dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành phố đánh giá tình hình dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời; rà soát, chuẩn bị nâng cấp hệ thống điều trị để không bị động nếu dịch diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong tuần qua, các cấp, ngành từ thành phố xuống cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm và có hiệu quả chỉ đạo về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ cơ sở. Nhờ đó, số ca F0 tăng lên nhưng mục tiêu cốt lõi của công tác phòng, chống dịch vẫn được bảo đảm.
Tuy nhiên, ông lưu ý, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát thật hiệu quả dịch thì cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và nhân dân cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, kinh nghiệm đã có trong quá trình vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19 gây ra trong hơn 2 năm qua; đặc biệt là tinh thần chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.
Tiếp đó, ông Dũng đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục xác định "dân là gốc", phát huy sức mạnh lòng dân, coi người dân là chủ thể, nòng cốt là các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm tại nhà; huy động sự tham gia của các tình nguyện viên, trước hết là đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ, cựu chiến binh... bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu quản lý và hỗ trợ người dân theo địa bàn quản lý.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đánh giá, nhận định tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn và có phương án ứng phó kịp thời, tương ứng; rà soát, chuẩn bị nâng cấp hệ thống điều trị ở tầng cao để không bị động nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.
Bên cạnh đó, UBND thành phố tiếp tục kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu và đánh giá tác động của dịch đối với sức khỏe của người dân; kiến nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 tại các Bệnh viện công lập và ngoài công lập;
Hà Nội kiến nghị sớm có hướng dẫn việc kê đơn, cấp, bán thuốc Molnupiravir ngoại trú, thống nhất với cơ quan bảo hiểm ban hành việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người mắc Covid 19 được điều trị tại nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính...
(tổng hợp)