Covid-19 sáng 22/10: Hỗ trợ tối đa cho các điểm nóng, 'không thể đóng cửa mãi đất nước'

Các tỉnh Phú Thọ, Sóc Trăng, Cà Mau dồn lực kiểm soát các ổ dịch mới phát sinh trong khi nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên triển khai công tác chống dịch quyết liệt.

Ngày 21/10, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định bỏ các chốt kiểm soát dịch Covid-19. (Nguồn: Dân trí)

Ngày 21/10, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định bỏ các chốt kiểm soát dịch Covid-19. (Nguồn: Dân trí)

Mở cửa để giải quyết việc làm

Ngày 21/10, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa XV, trong buổi thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải mở cửa để giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, hoạt động kinh tế - xã hội nhưng vẫn phải có tinh thần đề cao cảnh giác.

Chủ tịch nước cho biết, phương thức hiện nay đã không còn "Zero Covid", chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 bằng những phương thức như 5K, vaccine, thuốc...

Nhấn mạnh việc không được chủ quan, không đơn giản hóa, thích ứng nhưng phải kiểm soát tốt, đề cao cảnh giác, Chủ tịch nước lấy ví dụ về một số nước gần đây phải tái áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Chủ tịch nước cũng nêu ra những ổ dịch mới vừa diễn ra ở Cà Mau, Nam Định, Phú Thọ… để nhấn mạnh việc không thể chủ quan.

Huy động nguồn lực giúp Phú Thọ, Sóc Trăng, Cà Mau phòng chống dịch

Ngày 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có buổi làm việc trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của ba tỉnh Phú Thọ, Sóc Trăng, Cà Mau.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị các tỉnh Phú Thọ, Sóc Trăng, Cà Mau nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch mới phát sinh, kiên trì thực hiện các biện pháp đã được chỉ đạo thống nhất từ Trung ương; ghi nhận cách làm mới của một số địa phương như Cà Mau áp dụng mô hình nhiều hộ gia đình ở chung một nhà, dành một nhà riêng cho những người từ nơi khác về làm nơi cách ly.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, kinh nghiệm vừa qua cho thấy, để triển khai các biện pháp nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh, thì phải huy động nguồn lực của nhiều địa phương để dồn cho một địa phương.

Các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh tuyên truyền

Cùng với tạo chuyển biến tích cực trong từng buôn, làng về phòng, chống Covid-19, các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 an toàn.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng, nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống Covid-19 được đẩy mạnh đến từng thôn, buôn.

Đến 21/10, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Lâm Đồng 467 trường hợp. Hiện đã có 284 trường hợp ra viện, 1 bệnh nhân tử vong. Số người đang cách ly là 12.765 trường hợp.

Là tỉnh có số ca nhiễm Covid-19 cao ở Tây Nguyên, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cũng xác định từng buôn/làng như "pháo đài" chống dịch Covid-19.

Với đặc thù dân cư thưa thớt, hay đi rẫy, vậy nên trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Tây Nguyên, nhân viên y tế phải miệt mài vận động nhân dân chủ động phòng, chống Covid-19, khai báo ngay khi thấy các bất thường.

Yên Bái phấn đấu sớm đạt miễn dịch cộng đồng

Với đặc trưng tỉnh miền núi, nhiều đồng bào dân tộc, địa hình đi lại khó khăn, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay, phấn đấu sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Dân số của tỉnh Yên Bái hiện nay là hơn 840.000 dân, để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, địa phương này cần tiêm phủ vaccine cho khoảng hơn 669.000 người cần được tiêm chủng. Đây được coi là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh.

Để tổ chức tốt chiến dịch tiêm chủng, tỉnh Yên Bái yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị tham gia, huy động tối đa các cơ sở trong và ngoài ngành y tế.

Tỉnh Yên Bái hiện có 194 cơ sở tiêm chủng cố định, gồm 185 cơ sở tiêm chủng công lập, 9 cơ sở tiêm chủng dịch vụ và 162 điểm tiêm chủng lưu động. 100% các cơ sở tiêm chủng đã có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng hoặc công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định của Chính phủ.

Mưa lớn nhiều ngày qua làm nhiều đường bị sạt lở, xe ô tô không vào được các địa điểm vùng núi hiểm trở thì các nhân viên y tế đi bộ đưa vaccine đến các điểm tiêm chủng lưu động.

Tính đến chiều ngày 21/10/2021, tỉnh Yên Bái đã tiêm cho gần 500.000 người. Trong đó số người được tiêm mũi 2 ước đạt khoảng 30% số người trong độ tuổi tiêm vaccine Covid-19.

Đến nay, tỉnh Yên Bái chưa ghi nhận ca mắc ở ngoài cộng đồng.

Cả nước đã tiêm gần 70 triệu liều vaccine phòng Covid-19

Trong ngày 20/10, có 1.728.941 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 68.809.880 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 49.352.317 liều, tiêm mũi 2 là 19.457.563 liều.

Báo cáo công tác phòng chống dịch Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế cho biết, đến ngày 18/10, Bộ Y tế đã phân bổ 69 đợt vaccine với tổng số 95.254.726 liều vaccine phòng Covid-19 (trong đó có 13,5 triệu liều vaccine mới phân bổ từ ngày 9/10).

Vaccine đã được phân bổ theo địa bàn trọng điểm, nguy cơ bùng phát dịch cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch…; thực hiện tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em.

Việt Nam đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, trong đó có những tỉnh, thành đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 cao như TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 877.537 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.911 ca nhiễm).Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.487 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-sang-2210-ho-tro-toi-da-cho-cac-diem-nong-khong-the-dong-cua-mai-dat-nuoc-162414.html