Covid-19 sáng 8/11: Số ca nhiễm mới trong 24 giờ tăng mạnh; Rộ tin tìm người đi tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông; Hà Nội sẽ cho phép mở lại trường?
Trong 24 giờ tính từ 16h ngày 6/11 đến 16h ngày 7/11, ghi nhận 7.646 ca nhiễm mới Covid-19 (tăng 151 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố; có 3.332 ca trong cộng đồng. Nhiều địa phương phía Bắc phát hiện ổ dịch mới, phức tạp như Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ...
Tính đến hết ngày 6/11, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn quốc là 89.620.701 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 60.845.405 liều, tiêm mũi 2 là 28.775.296 liều.
Thông tin "Khẩn tìm người đi tàu điện trên cao Hà Đông-Cát Linh có F0" không chính xác
Từ chiều tối hôm qua (7/11), mạng xã hội lan truyền thông tin "CDC Hà Nội đã phát đi thông báo khẩn tìm người đi trên chuyến tàu điện trên cao Hà Đông-Cát Linh ngày 6/11, do có liên quan đến ca nhiễm mới".
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, đây là thông tin không chính xác, tính đến tối ngày 7/11, Trung tâm chưa hề phát đi thông báo tìm người đi trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông như thông tin lan truyền trên mạng.
Tuy nhiên, theo thông báo của Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), trong ngày đầu tiên khai thác thương mại tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đã vận hành tổng cộng 109 lượt tàu an toàn, phục vụ hơn 39.500 cán bộ, nhân dân Thủ đô. Nhưng ngày khai thác miễn phí thứ hai (7/11), lượng người đi thử tàu tăng đột biến, sản lượng khách tăng từ 20-25% so với ngày đầu tiên. Do mật độ hành khách đông, việc đảm bảo giãn cách vẫn chưa hẳn được tuân thủ nghiêm. Cùng với đó, nhiều người dân vẫn chưa có ý thức cao trong việc phòng, chống dịch..
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 7/11, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 81 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 45 ca tại cộng đồng, 30 ca tại khu cách ly và 6 ca tại khu phong tỏa. Trong đó, CDC Hà Nội đã phát đi các thông báo khẩn tìm người tới nhiều địa điểm liên quan F0, gồm bệnh viện, phòng khám nha khoa và nhiều nhà hàng, quán ăn...
Như vậy, từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận tổng số 4.998 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.961 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 3.037 ca.
Hà Nội sẽ cho phép mở lại trường học nếu đảm bảo an toàn
Trao đổi với báo chí về việc thay đổi kế hoạch mở lại trường học từ ngày 8/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, Hà Nội sẽ mở lại toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo, nhưng cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em.
Những ngày gần đây, thành phố liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người ở các quận, huyện như: Hoàng Mai, Đống Đa, Quốc Oai, Mê Linh, Gia Lâm, Ba Đình, Hà Đông... Từ ngày 11/10 đến nay, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trung bình trong ngày tăng mạnh, gấp nhiều lần giai đoạn trước đó (từ ngày 21/9 đến 10/10). Đặc biệt, từ ngày 28/10 đến nay, số ca nhiễm tăng từ hơn 30 ca/ngày lên hơn 130 ca/ngày. Trong bối cảnh mở ra hiện nay, các nguồn lây xâm nhập từ các phía và nguy cơ dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng khiến rủi ro càng lớn hơn.
Theo ông Trần Thế Cương, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đã thay đổi, số ca mắc trong những ngày gần đây tăng gấp nhiều lần khi xây dựng kế hoạch, nên phải điều chỉnh để bảo vệ an toàn sức khỏe cho học sinh. Thành phố Hà Nội có gần 3.000 trường học với khoảng 2,1 triệu học sinh, đến nay đều chưa được tiêm vaccine. Việc đưa tất cả trường học trở lại đồng loạt trong bối cảnh như vậy rất rủi ro.
Từ thực tế, nhiều tỉnh sau khi mở lại trường học đã phát sinh ổ dịch lây nhiễm cho học sinh dẫn đến buộc phải đóng cửa trở lại, đòi hỏi thành phố phải thận trọng hơn, đã mở phải bảo đảm an toàn cho học sinh, kiên quyết không mở khi thấy rõ nguy cơ lây nhiễm trong trường học.
Ông Trần Thế Cương cũng kiến nghị thành phố có ý kiến đề nghị Bộ Y tế sớm hỗ trợ, cấp vaccine phòng dịch Covid-19 để tiêm phòng cho học sinh trên địa bàn Hà Nội.
Hải Dương triển khai ứng phó với ổ dịch Covid-19 mới, phức tạp
Chiều 7/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương đã họp khẩn để chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch khi xuất hiện thêm ổ dịch mới, phức tạp tại thành phố Hải Dương chưa xác định được nguồn lây.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Dương Trần Hồ Đăng cho biết: Từ ngày 6/11 đến chiều 7/11, thành phố Hải Dương đã ghi nhận 5 trường hợp F0. Trong đó, đêm 6/11 ghi nhận 4 trường hợp và đến chiều 17/11 thêm 1 trường hợp.
Thành phố đã xác định 230 trường hợp F1, gần 3.000 người là F2, trong đó có nhiều học sinh. Đáng chú ý, trong 20 điểm dịch tễ có một số điểm như: Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh; bộ phận một cửa Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Dương; một số điểm học thêm mà em học sinh mắc Covid-19 đã đến học.
Thành phố đã lấy 166 mẫu xét nghiệm theo phương pháp Realtime-PCR và trên 2.500 mẫu test nhanh. Trong đó, gần 1.300 học sinh Trường Hồng Quang và gần 1.100 mẫu test nhanh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã cho kết quả âm tính. Hiện có 58 trường hợp F1 dưới 16 tuổi được cách ly tại nhà, 98 trường hợp cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.
Thành phố đã thiết lập phong tỏa đối với 2 khu dân cư (khu 6 và 7 thuộc phường Nguyễn Trãi) với 43 hộ với 147 nhân khẩu, quyết định tạm dừng hoạt động của bộ phận một cửa thành phố Hải Dương từ ngày 8/11. Các phường Quang Trung, Thanh Bình, Hải Tân khẩn trương tạm dừng hoạt động, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa điểm liên quan đến lịch trình dịch tễ của các trường hợp mắc COVID-19.
Tính từ ngày 12/10 đến chiều 7/11, tỉnh Hải Dương ghi nhận 68 trường hợp mắc Covid-19 xuất hiện tại 12/12 huyện thị xã, thành phố, trong đó 31 ca có yếu tố dịch tễ về từ các tỉnh có dịch. Hiện toàn tỉnh Hải Dương có 3 ổ dịch Covid-19 tại một số xã, phường thuộc thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành và thành phố Hải Dương.
Phú Thọ vượt mốc 1.000 ca mắc Covid-19
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ 18 giờ ngày 6/11 đến 18 giờ ngày 7/11, Phú Thọ ghi nhận thêm 51 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, Thanh Sơn 18 ca; thành phố Việt Trì 11 ca; Phù Ninh 17 ca; Tam Nông 3 ca và Tân Sơn 2 ca. Trong các trường hợp mắc mới, có 48 trường hợp F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đều đã được cách ly, theo dõi và quản lý; 3 trường hợp mắc mới trong cộng đồng đều tại huyện Thanh Sơn.
Như vậy, từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 1.067 ca mắc Covid-19, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Việt Trì với 518 ca; các huyện Lâm Thao 150; Thanh Sơn 162 ca; Phù Ninh 138 ca; Tân Sơn 38 ca; thị xã Phú Thọ 20 ca; Tam Nông 20 ca; Thanh Thủy 9 ca; Yên Lập 5 ca; Cẩm Khê 4; Hạ Hòa 2 và Thanh Ba 1 ca. Có 2 xã mới ghi nhận ca mắc Covid-19 là Lệ Mỹ (Phù Ninh) và Xuân Đài (Tân Sơn).
Tỉnh Phú Thọ được đánh giá đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh; huyện Thanh Sơn cấp độ 3; 11/13 huyện ở cấp độ 2, gồm thành phố Việt Trì; thị xã Phú Thọ; các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tân Sơn và Yên Lập; chỉ còn 1 huyện Đoan Hùng đang ở cấp độ 1.
Toàn tỉnh có 5 xã ở cấp độ 4 gồm xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì); thị trấn Thanh Sơn, xã Thục Luyện, Sơn Hùng (Thanh Sơn) và xã Văn Luông (Tân Sơn); 2 xã ở cấp độ 3 và 40 xã ở cấp độ 2, các xã còn lại cấp độ 1.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kịch bản ứng phó với 5 cấp độ dịch, trong đó, cấp độ cao nhất có thể lên tới 5.000 ca mắc. Theo đó, Phú Thọ đã kích hoạt 2 bệnh viện dã chiến cấp tỉnh, 5 bệnh viện dã chiến cấp huyện, đồng thời thành lập một loạt các trạm y tế lưu động, cho phép các F0 đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế được cách ly và điều trị tại nhà.
Tính đến ngày 7/11, toàn tỉnh Phú Thọ đã tiêm 983.747 mũi vaccine phòng Covid-19, trong đó có 878.311 người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19; có 111.914 người được tiêm đủ 2 mũi vaccine. 83,02% người dân trên 18 tuổi toàn tỉnh được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine; 10,6% người dân trên 18 tuổi toàn tỉnh được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.
Hà Nam có 2 đơn vị cấp xã ở vùng nguy cơ cao
Ngày 7/11, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã có Thông báo số 2993/TB-SYT về việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Theo đó, cấp tỉnh và cấp huyện không đánh giá cấp độ dịch Covid-19; chỉ đánh giá cấp độ dịch ở đơn vị cấp xã (cập nhật đến 12 giờ, ngày 7/11).
Như vậy, phường Lương Khánh Thiện và xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao); 7 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) gồm: các phường Hai Bà Trưng, Thanh Châu, Minh Khai, Thanh Tuyền và xã Liêm Tiết (thành phố Phủ Lý), thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm) và xã Trung Lương (huyện Bình Lục); 100 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới).
Trước đó, ngày 31/10, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã có Thông báo về việc đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Theo đó, tỉnh có 101 xã, phường, thị trấn xã ở cấp 1 (màu xanh, bình thường mới); 8 xã, phường, thị trấn ở cấp 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình); không có đơn vị cấp xã ở cấp độ 3. Như vậy, sau 7 ngày, Hà Nam có 2 địa phương nâng cấp độ dịch lên mức 3 (màu cam, nguy cơ cao).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, khi phát hiện nhiều ca mắc tại cộng đồng và lấy mẫu sàng lọc tại cơ sở y tế. Ngày 7/11, toàn tỉnh ghi nhận thêm 13 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 1 trường hợp được phát hiện thông qua sàng lọc y tế ngẫu nhiên nhóm nguy cơ cao, 3 trường hợp có biểu hiện ho, sốt lấy mẫu sàng lọc tại cơ sở y tế.
Như vậy, kể từ ca bệnh BN687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV- 2 vào chiều 19/9 đến 17 giờ ngày 7/11, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 1.076 ca bệnh được Bộ Y tế cấp mã; trong đó 839 người đã khỏi bệnh và ra viện, không ghi nhận trường hợp nào tử vong do Covid-19.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 968.684 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.833 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 963.757 ca, trong đó có 837.585 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (438.624), Bình Dương (238.905), Đồng Nai (72.173), Long An (35.761), Tiền Giang (18.104).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.301
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 840.402
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.280 ca, trong đó:
- Thở oxy qua mặt nạ: 2.322
- Thở oxy dòng cao HFNC: 521
- Thở máy không xâm lấn: 116
- Thở máy xâm lấn: 308
- ECMO: 13
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 06/11 đến 17h30 ngày 07/11 ghi nhận 61 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (31), Bạc Liêu (7), Bình Dương (5), An Giang (5), Tiền Giang (4), Đồng Nai (2), Kiên Giang (2), Đắk Nông (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Quảng Ngãi (1), Sóc Trăng (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 64 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.531 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 100.461 xét nghiệm cho 314.755 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.960.218 mẫu cho 62.212.978 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19
Trong ngày 6/11 có 1.214.737 liều vaccine Covid-19 đã được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 89.620.701 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 60.845.405 liều, tiêm mũi 2 là 28.775.296 liều.