COVID-19: Số ca mắc tăng nhanh, các nước siết chặt biện pháp hạn chế

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

* Trung Quốc thông qua dự luật an toàn sinh học nhằm kiểm soát dịch bệnh

Ngày 18/10, Chính phủ Thụy Sĩ đã siết chặt các biện pháp phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do số ca mắc bệnh tăng mạnh trong thời gian qua.

Theo đó, quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng đã được mở rộng phạm vi áp dụng tới các ga tàu hỏa, sân bay, trạm dừng xe buýt và tàu điện. Ngoài ra, người dân cũng phải đeo khẩu trang tại các cửa hàng, trường học, nhà thờ và rạp chiếu phim.

Chính phủ Thụy Sĩ đồng thời cấm các hoạt động tụ tập ở nơi công cộng có trên 15 người tham gia kể từ ngày 19/10, trong khi các nhà hàng và quán bar cũng phải hạn chế số lượng khách phục vụ. Người lao động được khuyến khích làm việc tại nhà.

Thông báo của Chính phủ Thụy Sĩ cho rằng số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở nước này trong những ngày gần đây ở tất cả các nhóm tuổi là rất đáng quan ngại. Trong khi đó, số ca nhập viện do COVID-19 cũng ngày càng gia tăng.

Ngày 16/10 vừa qua, Thụy Sĩ ghi nhận thêm 3.150 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 74.422 ca. Số ca tử vong hiện là 1.823 ca.

Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu ở Ireland, buộc chính phủ nước này phải thắt chặt các hạn chế trên quy mô toàn quốc.

Phát biểu ngày 18/10, Bộ trưởng Giáo dục Đại học Ireland - ông Simon Harris, cho biết nước này sẽ áp đặt các biện pháp mang tính "quyết định" nhằm kiểm soát dịch COVID-19 trên toàn quốc kể từ ngày 19/10 tới.

Tuy vậy, ông cho hay Ireland chưa có kế hoạch tái áp đặt lệnh phong tỏa được ban bố hồi đầu năm nay.

Theo Bộ Y tế Ireland, ngày 17/10 là ngày thứ 4 trong một tuần qua chứng kiến số ca mắc COVID-19 chạm mốc cao nhất kể từ đầu dịch.

Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, tỉ lệ mắc COVID-19 trong 14 ngày qua ở Ireland là 232 ca trên 100.000 dân, mức cao thứ 12 trong số 31 quốc gia được khảo sát.

Tính đến thời điểm này, Ireland ghi nhận hơn 48.600 ca mắc COVID-19 và 1.800 ca tử vong.

Trong khi đó, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn ở mức báo động đáng lo ngại.

Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực và đứng thứ hai trên thế giới, với 61.871 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 18/10.

Tổng số ca bệnh ở quốc gia Nam Á này hiện là 7.494.551 ca. Số ca tử vong cũng tăng 1.033 ca lên 114.031 ca.

Hiện vẫn còn 783.311 trường hợp đang phải điều trị, trong khi 6.597.209 trường hợp được chữa khỏi bệnh và đã xuất viện.

Indonesia cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong 24 giờ qua, với 4.105 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 361.867 ca. Số ca tử vong hiện là 12.511 ca - tăng 80 ca, trong khi số ca bình phục tính đến nay là 285.324 ca.

Tại Philippines, tổng số ca mắc COVID-19 cũng tăng lên 356.618 ca sau khi Bộ Y tế nước này xác nhận thêm 2.379 ca mắc mới. Số ca bình phục cũng tăng mạnh lên 310.158 ca sau khi có thêm 14.941 bệnh nhân được chữa khỏi.

Trong khi đó, Philippines cũng có thêm 50 ca không qua khỏi, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 6.652 ca.

Bộ Y tế Philippines cho biết đến nay hơn 4,1 triệu người trong tổng số khoảng 110 triệu dân của nước này đã thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Còn tại Malaysia, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang nóng lên. Ngày 18/10 là ngày thứ 2 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với 871 ca, đưa tổng số ca mắc lên 20.498 ca.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Noor Hisham Abdullah- một quan chức cấp cao Bộ trưởng Y tế Malaysia, cho biết trong số các ca mắc mới có 5 ca "nhập khẩu," còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngoài ra, nước này cũng có thêm 7 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 187. Trong khi đó, Thái Lan cũng xác nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tất cả đều là người thân của 2 bệnh nhân Myanmar sống ở Thái Lan phát hiện trong tuần vừa qua.

Theo Trung tâm Xử lý tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, tính đến ngày 18/10, nước này có tổng cộng 3.686 ca mắc COVID-19 và số ca tử vong giữ nguyên ở 59 ca.

Tại Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã, ngày 17/10, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua dự luật an toàn sinh học nhằm ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.

Dự luật sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4/2021, theo đó thiết lập các hệ thống nhằm ngăn ngừa và kiểm soát các rủi ro về an toàn sinh học, kể cả rủi ro trong giám sát và cảnh báo sớm, điều tra và đánh giá, cũng như chia sẻ thông tin.

Dự luật cũng sẽ bao gồm các điều khoản nhằm ngăn chặn và ứng phó với các rủi ro cụ thể về an toàn sinh học cụ thể, trong đó có các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện, dịch bệnh và các đợt bùng phát đột ngột, cũng như nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Hồi tháng Năm vừa qua, Trung Quốc cho biết nước này sẽ thông qua dự luật an toàn sinh học vào cuối năm nay, sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán.

Trung Quốc đã gần như kiểm soát được tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng nhờ áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, những ca mắc mới ghi nhận hồi tuần trước ở thành phố Thanh Đảo đã chấm dứt giai đoạn gần 2 tháng nước này không có ca nội địa.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết ngày 17/10 Trung Quốc đại lục có thêm 13 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 85.672 ca.

Cùng ngày, Quốc hội Trung Quốc cũng thông qua dự luật sửa đổi nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em dưới 18 tuổi trên không gian mạng, theo đó yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải có những hành động cần thiết.

Dự luật sửa đổi này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2021, trong đó cấm các nhà cung cấp dịch vụ Internet cung cấp cho trẻ vị thành niên các sản phẩm và dịch vụ "có thể gây nghiện".

Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến như trò chơi điện tử, phát trực tiếp và mạng xã hội phải hạn chế thời gian sử dụng đối với trẻ vị thành niên.

Các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng bắt nạt trên không gian mạng. Cha mẹ và người giám sát trẻ vị thành niên có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xóa, chặn hoặc vô hiệu hóa các đường dẫn.

Dự luật đồng thời yêu cầu các nhà trẻ và trường học phải báo cáo tình trạng quấy rối và lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên với các cơ quan quản lý giáo dục và an ninh.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/247803/covid-19--so-ca-mac-tang-nhanh-cac-nuoc-siet-chat-bien-phap-han-che.html