COVID-19 tại ASEAN hết 1/7: Ca mắc mới ở Indonesia, Malaysia cao kỷ lục; Ca tử vong ở Thái Lan cao chưa từng thấy

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 1/7, toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN đều có ca mắc COVID-19 với tổng số ca mắc trong ngày lên tới gần 45.000 ca và 807 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch là 4.945.755 ca, trong đó 95.135 người tử vong.

Trong ngày 1/7, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Indonesia với 24.836 ca. Tiếp đó là Malaysia với 6.988 ca, Philippines với 5.795 ca, Thái Lan với 5.533 ca, Campuchia với 999 ca, Việt Nam với 713 ca, Timor-Leste với 56 ca, Lào với 23 ca, Singapore với 10 ca và Brunei với 1 ca.

Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (504 ca), Philippines (135 ca), Malaysia (84 ca), Thái Lan (57 ca), Campuchia (26 ca) và Timor-Lester (1 ca).

Số ca mắc mới tại Indonesia lên tới gần 24.900

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kendari, Indonesia ngày 29/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kendari, Indonesia ngày 29/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 1/7, Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất, với 24.836 ca, cao hơn đỉnh cũ 21.807 ca được thiết lập chỉ một ngày trước đó.

Indonesia cũng ghi nhận thêm 504 ca tử vong, cao hơn kỷ lục cũ ngày 30/6 là 467 ca. Tính đến nay, quốc gia này vẫn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với 2.203.108 ca mắc COVID-19 và 58.995 ca tử vong.

Giới chức y tế cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai này do biến thể Delta nguy hiểm, cũng như việc người dân đổ xô từ các thành phố về quê trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Ngày 1/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố các biện pháp khẩn cấp tại đảo Java và Bali nhằm hạn chế biến thể Delta lây lan.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Widodo cho biết: “Chính phủ sẽ triển khai mọi nguồn lực nhằm kiềm chế sự lây lan của COVID-19. Quân đội, cảnh sát, bác sĩ, nhân viên công vụ, nhân viên y tế cần làm việc tốt nhất có thể để chống lại đại dịch”. Ông cho hay lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp sẽ được áp dụng từ ngày 3-20/7 với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 122 huyện và thành phố tại Java - hòn đảo tập trung 60% trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia, cũng như tại Bali - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng kề đó với hơn 4 triệu dân.

Tuy nhiên, người lao động trong các “lĩnh vực quan trọng” sẽ được miễn trừ khỏi các biện pháp hạn chế mới. Những lĩnh vực được coi là quan trọng gồm năng lượng, y tế, an ninh, hậu cần và vận tải, thực phẩm và đồ uống, cũng như các lĩnh vực kinh doanh bổ sung như cửa hàng tạp hóa, xây dựng và dịch vụ tiện ích.

Cùng ngày 1/7, Indonesia khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu tại một trường trung học công lập tại khu vực trung tâm thủ đô Jakarta.

Số ca mắc mới ở Malaysia chạm mốc kỷ lục

Chôn cất bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại nghĩa trang ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Chôn cất bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại nghĩa trang ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/7, Malaysia ghi nhận 9.988 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 6/6 và là ngày thứ 3 liên tiếp trên mức 6.000 ca sau 5 ngày liên tiếp trên mức 5.000 ca.

Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham cho biết bang Selangor tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới cao nhất cả nước với 2.885 ca. Tiếp đó là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 988 ca và bang Nigeri Sembilan với 692 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 758.967 ca mắc COVID-19.

Cùng ngày, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Yakoob cho hay, do số ca mắc mới COVID-19 tại Selangor và Kuala Lumpur liên tục ở mức cao, Chính phủ Malaysia có thể sẽ áp dụng Lệnh hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) tại một số khu vực thuộc 2 địa phương này. Ngoài ra, chính phủ còn ra lệnh đóng cửa thêm nhiều nhà máy ở Selangor có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.

Thái Lan ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận số ca tử vong cao kỉ lục

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 1/7, Thái Lan thông báo số ca tử vong trong ngày do COVID-19 cao kỷ lục ngày thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh đảo du lịch Phuket của nước này bắt đầu đón nhóm du khách nước ngoài miễn cách li đầu tiên.

Trung tâm xử lí tình hình COVID-19 (CCSA) cho biết tổng cộng 57 ca tử vong ghi nhận trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong lên 2.080.

Thái Lan cũng thông báo 5.533 ca mắc mới COVID-19, số ca nhiễm trong ngày cao thứ 2 kể từ khi dịch bùng phát.

Cho đến nay, Thái Lan xác nhận 264.834 ca mắc COVID-19, trong đó gần 90% ghi nhận kể từ đầu tháng 4, khi làn sóng thứ 3 bắt đầu tại các câu lạc bộ ban đêm ở thủ đô Bangkok. Kể từ đó, Bangkok là trung tâm của sự gia tăng các ca lây nhiễm mới và hơn 1/3 số ca ghi nhận ngày 1/7 là tại thủ đô.

Du khách quốc tế tới sân bay quốc tế Phuket, Thái Lan, ngày 1/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Du khách quốc tế tới sân bay quốc tế Phuket, Thái Lan, ngày 1/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người đi ra khỏi thủ đô Bangkok giờ đây cần phải quét mã QR tại các điểm kiểm tra và trình khai báo đi lại như một phần trong các biện pháp của chính phủ nhằm kiểm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ngày 1/7, đảo du lịch nổi tiếng Phuket của Thái Lan bắt đầu miễn cách li bắt buộc đối với du khách nước ngoài đã tiêm chủng như dự án thí điểm mặc dù tình hình dịch trên cả nước chưa có dấu hiệu cải thiện. Khoảng 70% người dân ở Phuket đã tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khhi 56% tiêm liều thứ 2.

Trên cả nước, khoảng 9,9 triệu liều vaccine đã được tiêm trong đó 7,1 triệu người đã tiêm liều thứ 1 và 2,8 triệu người đã tiêm đầy đủ.

Thủ tướng Campuchia thông báo biện pháp khẩn ngăn chặn biến thể Delta

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia đang ở mức cao điểm khi số ca mắc mới mỗi ngày ở mức 1.000 ca trong 2 ngày trở lại đây, trong khi số ca tử vong ở mức cao nhất và cao thứ hai kể từ khi dịch bùng phát.

Bộ Y tế Campuchia ngày 1/7 xác nhận trong 24 giờ qua có thêm 999 ca mắc mới (bao gồm 132 ca nhập cảnh và 867 ca lây nhiễm cộng đồng) và 26 người tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt 51.384 ca và 628 ca.

Trong thông điệp được phát trên truyền hình quốc gia sáng 1/7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen bày tỏ lo ngại về biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan khắp thế giới và có thể làm làn sóng dịch thứ 3 tại Campuchia kéo dài hơn, trong khi nhiều nước phải phong tỏa các thành phố để ngăn biến thể này lan nhanh và tránh tình hình trở nên nghiêm trọng.

Trước diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh, Thủ tướng Hun Sen đã thông báo các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn số ca nhiễm mới và tử vong ở Campuchia. Theo đó, ông yêu cầu thắt chặt xuất-nhập cảnh cả đường bộ, đường thủy và đường không; đồng thời thực hiện xét nghiệm nhanh đối với tất cả lao động Campuchia về nước. Cùng với đó, thời gian cách ly khi nhập cảnh Campuchia sẽ kéo dài lên 21 ngày.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Campuchia cho phép các công ty tư nhân được sử dụng bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 để xét nghiệm cho người lao động, qua đó giúp đẩy nhanh việc phát hiện dịch bệnh trong cộng đồng.

Myanmar dự kiến mua thêm vaccine của Nga, Trung Quốc

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Myanmar, lãnh đạo chính quyền quân sự, Thống Tướng Min Aung Hlaing cho hay nước này đang đàm phán để mua 7 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm mới của dịch bệnh.

Tướng Min Aung Hlaing nêu rõ ban đầu Myanmar có kế hoạch mua 2 triệu liều vaccine Sputnik V, song hiện đang xem xét mua 7 triệu liều. Tuy nhiên, ông Hlaing không nêu cụ thể Myanmar sẽ mua vaccine Sputnik V hay vaccine Sputnik Light tiêm một liều.

Cũng theo Tướng Hlaing, Ấn Độ ban đầu là nước cung cấp phần lớn vaccine phòng COVID-19 cho Myanmar, nhưng hiện tại chưa thể cung cấp thêm vaccine do dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Nam Á này. Ngoài Nga, Myanmar cũng sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để mua vaccine do nước này sản xuất.

Theo số liệu của Bộ Y tế Myanmar, nước này đã ghi nhận 157.277 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.334 ca tử vong kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch. Số ca mắc mới đã tăng vọt trong tháng này, gây quan ngại về khả năng bùng phát một làn sóng lây nhiễm lớn hơn.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-17-ca-mac-moi-o-indonesia-malaysia-cao-ky-luc-ca-tu-vong-o-thai-lan-cao-chua-tung-thay-20210701205526736.htm