COVID-19 tại ASEAN hết 10/12: Lào thông qua kế hoạch mở cửa; Singapore mua thuốc kháng thể của AstraZeneca

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 26.595 ca mắc mới COVID-19 và 337 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã trên 14.328.900 trường hợp và 296.372 ca tử vong.

Học sinh đến trường ở Phnom Penh, Cambodia ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Học sinh đến trường ở Phnom Penh, Cambodia ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron ở Nam Phi khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh, song tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt. Việt Nam ngày 10/12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 14.800 ca mắc mới và 216 ca tử vong.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 10/12 ghi nhận thêm trên 4.000 ca bệnh mới và 28 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 15 bệnh nhân mới và 4 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào vẫn tăng cao mấy ngày qua, với trên 1.200 trường hợp trong ngày 10/12 và 7 ca tử vong. Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Một học sinh trên 12 tuổi đang được nhân viên tiêm tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane. Ảnh: Phạm Kiên - Pv TTXVN tại Lào

Một học sinh trên 12 tuổi đang được nhân viên tiêm tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane. Ảnh: Phạm Kiên - Pv TTXVN tại Lào

Lào thông qua kế hoạch mở cửa đất nước từ tháng 1/2022

Chính phủ Lào đã thông qua kế hoạch “Vùng xanh du lịch” nhằm mở cửa trở lại một số lĩnh vực của đất nước cho du khách từ tháng 1/2022.

Theo đó, du khách Lào và nước ngoài đến các "Vùng xanh du lịch" phải tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 ít nhất 14 ngày trước chuyến đi. Du khách nước ngoài phải xin cấp thị thực trực tuyến, phải có xác nhận xét nghiệm PCR âm tính với COVID -19 ít nhất 72 giờ trước khi lên máy bay và nhập cảnh Lào, đồng thời phải thực hiện thêm 1 lần xét nghiệm ngay sau khi nhập cảnh. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, du khách sẽ được cách ly tại khách sạn trong 24 giờ. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, du khách sẽ được đến "Vùng xanh du lịch". Nếu kết quả dương tính, du khách sẽ phải cách ly 3 ngày trước khi xét nghiệm lại. Nếu thời gian cách ly dài hơn 3 ngày, chi phí của du khách sẽ được trả lại.

Trước khi vào "Vùng xanh du lịch", du khách phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19. Khách từ 5-18 tuổi cũng phải làm xét nghiệm PCR nhưng không bắt buộc phải tiêm vaccine; trẻ em dưới 5 tuổi không cần xét nghiệm COVID-19. Tất cả những người đã tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19 đều có thể nhập cảnh Lào qua đường hàng không trừ khi đến từ một quốc gia không được chấp nhận thị thực. Du khách phải đăng ký nhập cảnh vào Lào qua trang www.lapevisa.gov.lagreenzone từ 7-30 ngày trước chuyến đi.

Học sinh từ độ tuổi từ 12-17 tuổi đang chờ quét mã QR để kiểm tra lịch hẹn tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane, trước khi được phát thẻ vào tiêm vaccine ngừa COVID – 19. Ảnh: Phạm Kiên - Pv TTXVN tại Lào

Học sinh từ độ tuổi từ 12-17 tuổi đang chờ quét mã QR để kiểm tra lịch hẹn tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane, trước khi được phát thẻ vào tiêm vaccine ngừa COVID – 19. Ảnh: Phạm Kiên - Pv TTXVN tại Lào

Theo kế hoạch của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, "Vùng xanh du lịch" gồm có thủ đô Viêng Chăn, thị trấn Vangvieng (tỉnh Vientiane) và thành phố Luang Prabang. Những khu vực thuộc "Vùng xanh" phải có 70-80% dân số đã tiêm chủng, trong khi tỷ lệ tiêm phòng của các nhà cung cấp dịch vụ là 90-95%.

Chính phủ Lào đặt mục tiêu đón được khoảng 1 triệu lượt du khách quốc tế và 1,2 triệu lượt du khách nội địa trong năm 2022.

Về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Lào ngày 10/12 cho biết trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.645 ca nhiễm mới tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó chỉ có 1 ca nhập cảnh. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất tại Lào kể từ đầu dịch. Cũng trong 24 giờ qua, Lào có thêm 7 ca tử vong do COVID-19. Tính tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 86.148 ca nhiễm và 231 ca tử vong do COVID-19.

Lễ tưởng niệm các nhân viên y tế tử vong do COVID-19 tại Bandung, Indonesia, ngày 4/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Lễ tưởng niệm các nhân viên y tế tử vong do COVID-19 tại Bandung, Indonesia, ngày 4/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia triển khai tiêm chủng cho trẻ em 6-11 tuổi

Chính phủ Indonesia vừa quyết định cho phép các địa phương trong cả nước bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi vào ngày 24/12 tới. Nội dung trên được nêu trong Chỉ thị số 66/2021 của Bộ trưởng Nội vụ Tito Karnavian về công tác phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 trong dịp lễ Giáng sinh 2021 và Năm mới 2022.

Theo văn bản này, các địa phương được phép tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi cần đáp ứng một số tiêu chí, như đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi thứ nhất cho ít nhất 70% dân số mục tiêu và 60% người cao tuổi. Bộ Nội vụ cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn tất chỉ tiêu tiêm chủng trên địa bàn, phấn đấu đạt 70% tiêm chủng mũi thứ nhất và 48,57% mũi thứ hai vào cuối năm nay.

Theo kế hoạch ban đầu của Chính phủ Indonesia, chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi sẽ chỉ được tiến hành vào năm 2022. Người phát ngôn về tiêm chủng ngừa COVID-19 của Bộ Y tế Indonesia, Siti Nadia Tarmizi cho biết chính phủ có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi sớm nhất vào tháng 1 hoặc tháng 2/2022 do hiện đang phải tập trung tiêm vaccine cho người cao tuổi.

Trước đó, ngày 1/11, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 6-11 tuổi dựa trên đánh giá an toàn và miễn dịch.

Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Singapore đặt mua thuốc kháng thể của AstraZeneca

Singapore, nước này đã ký thỏa thuận mua thuốc kháng thể điều trị COVID-19 có tên Evusheld của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh). Dự kiến, Singapore sẽ nhận lô thuốc đầu tiên vào cuối năm nay.

Trả lời phỏng vấn báo Straits Times ngày 10/12, ông Vinod Narayanan, Chủ tịch chi nhánh hãng AstraZeneca tại Singapore cho biết thuốc Evusheld sẽ cung cấp cho các chuyên gia y tế và bệnh nhân ở Singapore sự lựa chọn mới để chống lại virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, cùng với vaccine, Evusheld sẽ cung cấp một lựa chọn phòng ngừa khác cho các nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm cả những người bị suy giảm miễn dịch và cơ thể không thể sản sinh mức độ miễn dịch cần thiết sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Evusheld là thuốc kháng thể điều trị COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca. Đây là dung dịch hỗn hợp của 2 kháng thể đơn dòng tixagevimab và cilgavimab, cung cấp thời gian bảo vệ cho người được tiêm dài hơn, có thể lên tới 1 năm.

Hãng AstraZeneca cho biết các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy thuốc có thể làm giảm 88% nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong khi được sử dụng cho những bệnh nhân COVID-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình trong vòng 3 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Các kết quả nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy hiệu quả của thuốc đối với các biến thể đáng lo ngại, trong đó có cả biến thể Delta. Trong khi đó, dữ liệu tiền lâm sàng hiện có cũng cho thấy hiệu quả của thuốc không bị "tác động đáng kể" bởi biến thể mới Omicron.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-1012-lao-thong-qua-ke-hoach-mo-cua-singapore-mua-thuoc-khang-the-cua-astrazeneca-20211211022049533.htm