COVID-19 tại ASEAN hết 12/12: Toàn khối trên 30.000 ca tử vong; 75 triệu dân Indonesia sớm tiêm vaccine

Trong ngày 12/12, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 11.000 ca mắc COVID-19, trong khi tổng số ca tử vong đã vượt 30.000 trường hợp.

Người dân tại Manila, Phillippines đeo khẩu trang khi tham dự một buổi lễ Ảnh: The Star

Người dân tại Manila, Phillippines đeo khẩu trang khi tham dự một buổi lễ Ảnh: The Star

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.002 ca mắc bệnh COVID-19 và 211 ca tử vong so với 1 ngày trước.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.313.904 ca mắc COVID-19 trong đó có 30.166 ca tử vong và 1.128.161 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Với trên 6.300 ca nhiễm mới và 142 ca tử vong mới, Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.

Ba quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines, Malaysia và Myanmar. Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới vẫn ở mức trên 1.300 ca/ngày, trong khi số ca nhiễm mới tại Malaysia có chiều hướng tăng, với trên 1.900 ca trong ngày 12/12.

Trong 24 giờ qua, khu vực ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới, trong khi Campuchia, Timor Leste, Lào và Brunei không có thêm ca bệnh COVID-19 nào.

 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 12/12/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).

Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 12/12/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia, ngày 8/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia, ngày 8/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia đặt mục tiêu 75 triệu dân sớm tiêm vaccine COVID

Ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia, Giám đốc điều hành Ủy ban Xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia (KPC PEN) Erick Thohir cho biết nước này đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 75 triệu người trong vòng 8-9 tháng tới.

Bộ trưởng Thohir khẳng định chính phủ sẽ ưu tiên tiêm chủng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân. Có hai hình thức triển khai tiêm chủng, trong đó 32 triệu người được chính phủ trợ cấp và 75 triệu người tự chi trả thông qua một chương trình độc lập.

Bộ trưởng Thohir cũng cho biết chính phủ sẽ tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia, huy động số lượng lớn bệnh viện và phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, chính phủ sẽ có cơ chế phân phối vaccine rõ ràng và minh bạch. Mỗi hộp vaccine đều được theo dõi bằng mã Code QR từ khi xuất kho đến khi phân phối đến bệnh viện nhằm ngăn chặn việc tuồn vaccine ra thị trường chợ đen để bán với giá cao hơn quy định.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Medan, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Medan, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã quy định 6 loại vaccine COVID-19 có thể được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng trong nước. Đó là vaccine của các hãng Bio Farma, Astra Zeneca, Sinopharm, Moderna, Pfizer Inc/BioNtech và Sinovac Biotech.

Ngày 6/12 vừa qua, Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine do Công ty Sinovac Trung Quốc sản xuất. Dự kiến vào tháng 1/2021 sẽ có thêm 1,8 triệu liều vaccine và 15 triệu liều vaccine nguyên liệu thô để Công ty Biofarma sản xuất.

Indonesia ước tính sẽ cần tổng cộng khoảng 246,575 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong trường hợp mỗi người cần tiêm 2 liều và phải loại trừ 15% số vaccine có thể bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

Trước đây, Chính phủ Indonesia có kế hoạch chi trả 30% trong tổng số tiền tiêm phòng vaccine, 70% còn lại người dân Indonesia sẽ phải tự chi trả. Tuy nhiên, Quốc hội Indonesia đã đề nghị chính phủ hoán đổi tỷ lệ chi trả này để giảm bớt gánh nặng cho người dân. Căn cứ vào điều kiện kinh tế hiện nay và những khó khăn của người dân trong giai đoạn dịch bệnh, Chính phủ Indonesia đang xem xét sẽ chi trả 70% trong tổng số tiền tiêm phòng vaccine, 30% còn lại sẽ do người dân chi trả.

Malaysia: Tỷ lệ thất nghiệp dự báo 4,3% trong năm 2020

Trong báo cáo nghiên cứu mới công bố, quỹ MIDF dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Malaysia ở mức 4,3% trong năm 2020, so với mức 3,3% vào năm 2019, khi tăng trưởng xuất khẩu giảm nhẹ trong những tháng gần đây đã ảnh hưởng tới triển vọng của lĩnh vực thương mại.

MIDF cho rằng sự gia tăng về số ca nhiễm COVID-19 tại một số thị trường xuất khẩu chính của Malaysia như các nước châu Âu, Mỹ và Anh có thể sẽ ảnh hưởng tới triển vọng thương mại và tiếp đến là các kế hoạch thuê nhân công, nhất là trong quý IV hiện tại.

Cùng với đó, quỹ nghiên cứu trên cũng nhận định thị trường lao động sẽ cần nhiều thời gian để có thể phục hồi về mức trước khi đại dịch bùng phát.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 6/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 6/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Báo cáo nêu rõ, với nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh doanh đang được khôi phục và nhu cầu lao động đang gia tăng đã giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp vốn ở mức cao trong tháng 5/2020.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại MIDF cũng chỉ ra sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 gần đây cũng như việc Chính phủ Malaysia kéo dài lệnh Kiểm soát đi lại đã làm chậm lại quá trình phục hồi của thị trường lao động trong các lĩnh vực dịch vụ, nhất là nhà hàng và khách sạn.

Về tình hình dịch bệnh, ngày 12/12, Malaysia ghi nhận 1.937 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 82.246, trong đó có 411 ca tử vong. Nước này đã có 68.084 bệnh nhân hồi phục.

Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang có dấu hiệu cải thiện. Ảnh: BBC

Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang có dấu hiệu cải thiện. Ảnh: BBC

Singapore thực hiện giai đoạn cuối thử nghiệm vaccine COVID nội địa

Tại Singapore, giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 do công ty công nghệ sinh học Tychan của Singapore phát triển đã bắt đầu được thực hiện từ ngày 11/12.

Loại kháng thể này có thể giúp bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 phục hồi nhanh hơn đồng thời làm chậm quá trình lây nhiễm. Có 1.305 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ tình nguyện tham gia thử nghiệm. Nếu các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công, loại kháng thể này sẽ được Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) và các cơ quan quản lý khác trình lên để xem xét như một loại thuốc điều trị mới.

Hồi tháng 10 vừa qua, HAS đã "bật đèn xanh" cho Tychan bắt đầu tiến hành các thử nghiệm giai đoạn cuối. Theo ông Ooi Eng Eong, đồng sáng lập công ty Tychan, giai đoạn một thử nghiệm kéo dài 6 tuần hồi tháng 6 với 23 tình nguyện viên khỏe mạnh đã mang lại kết quả tốt về độ an toàn.

Singapore đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát mới của dịch COVID-19. Ảnh: CNA

Singapore đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát mới của dịch COVID-19. Ảnh: CNA

Trong ngày 12/12, Singapore chỉ ghi nhận 8 ca nhiễm mới, đều là các trường hợp nhập cảnh. Hiện tại số ca bệnh tại nước này là 58.313, với số ca tử vong giữ nguyên từ nhiều tháng nay là 29 trường hợp.

Philippines: Trên 1.300 ca nhiễm mới

Bộ Y tế Philippines báo cáo có 1.301 ca nhiễm mới tại nước này trong ngày 12/12, nâng tổng số ca lên 448.331. Trong số này, có 30.168 ca, chiếm 6,7% đang được điều trị tích cực, và 409.433 ca đã xuất viện; 8.730 ca tử vong.

Tổ chức nghiên cứu OCT Recheach cho biết, số ca bệnh tại Phillippines có thể vẫn chưa tới nửa triệu ca khi kết thúc năm 2020, trừ khi tình hình đột ngột xấu đi.

Đến ngày 12/12, Philippines đã trải qua 272 ngày áp đặt lệnh phong tỏa từng phần, đánh dấu thời gian cách ly cộng đồng lâu nhất trên thế giới.

Cảnh sát Philippines sẽ tuần tra tăng cường ở các khu vực chợ và giao lộ để đảm bảo giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Philippines sẽ tuần tra tăng cường ở các khu vực chợ và giao lộ để đảm bảo giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-1212-toan-khoi-tren-30000-ca-tu-vong-75-trieu-dan-indonesia-som-tiem-vaccine-20201212205052468.htm