COVID-19 tại ASEAN hết 13/1: Số ca mắc mới ở Philippines tăng cao chóng mặt; Lào tăng cường sản xuất thuốc molnupiravir

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 54.981 ca mắc mới COVID-19 và 315 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 15.491.257 trường hợp và 309.388 ca tử vong.

Khách du lịch trên một đường phố ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách du lịch trên một đường phố ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 11/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 11/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 13/1, Philippines ghi nhận số ca bệnh mới tăng vọt và cao chưa từng thấy, dẫn đầu toàn khối với trên 34.000 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 16.000 ca mắc mới và 206 ca tử vong.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 13/1 ghi nhận thêm trên 8.100 ca bệnh mới và 14 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 34 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 120.000, số ca mắc mới trên 600 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 7 người.

Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/ TTXVN

Lào tăng cường sản xuất thuốc molnupiravir

Tại Viêng Chăn, Lào sẽ đẩy mạnh sản xuất thuốc molnupiravir (tên thương mại tại Lào là Molacovir) để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ trước nhu cầu ngày càng cao ở trong nước.

Giám đốc Nhà máy Dược phẩm số 3 của Lào, Tiến sĩ Lahounh Chanthabout cho biết số lượng bệnh nhân COVID-19 cần thuốc điều trị đã tăng mạnh trong thời gian qua. Nhà máy trên đã bắt đầu sản xuất thuốc Molacovir vào tháng 12/2021 và đến nay đã sản xuất số lượng thuốc đủ để điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, số thuốc trên không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường do sự gia tăng số bệnh nhân. Chính vì vậy, nhà máy kỳ vọng việc tăng sản lượng thuốc sẽ có thể đáp ứng nhu cầu chữa trị của tất cả các bệnh nhân, để bất cứ ai cần Molacovir đều có thể mua được.

Theo báo chí Lào, lợi ích chính mà thuốc Molacovir đem lại là có thể được sử dụng bằng đường uống dưới dạng thuốc viên thay vì cần phải tiêm. Với 40 viên nang cho 1 bệnh nhân, nhà máy trên đang bán giá 400 nghìn kíp (khoảng trên 800.000 đồng) cho 1 liệu trình điều trị kéo dài trong 5 ngày. Hiện để sử dụng thuốc Molacovir, bệnh nhân phải trên 18 tuổi, có các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình của COVID-19 và đang ở giai đoạn đầu của bệnh, đặc biệt không được có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy.

Liên quan tới tình hình COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 13/1 cho biết trong 24 giờ qua, Lào đã ghi nhận 805 ca mắc mới và 7 ca tử vong. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 122.241 ca, trong đó có 471 ca tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Sinovac cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia ngày 17/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Sinovac cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia ngày 17/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia xem xét miễn cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm mũi tăng cường

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế Campuchia đang xem xét khả năng áp dụng quy định tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 để miễn cách ly đối với người nhập cảnh. Quy định này nhằm đảm bảo thành công của chiến dịch miễn dịch cộng đồng tại Campuchia.

Báo Khmer Times của Campuchia dẫn lời người phát ngôn của Bộ Y tế nước này Hok Kimcheng ngày 12/1 cho biết bộ này đang tính toán áp dụng thêm điều kiện miễn cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh từ các nước khác vào Campuchia, theo đó mọi trường hợp nhập cảnh đều phải tiêm mũi tăng cường sau thời gian tối đa 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ hai.
Quan chức trên cho biết Campuchia hiện có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 ở mức cao và tiến sát mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong nước, do đó cần giám sát chặt khả năng lây lan từ người nhập cảnh. Bên cạnh đó, do biến thể Omicron có khả năng lây lan rất nhanh nên việc Campuchia yêu cầu người nhập cảnh phải có giấy chứng nhận tiêm mũi tăng cường là cần thiết. Tuy nhiên, quy định mới nói trên sẽ gặp khó khăn trong tương lai gần vì một số quốc gia chưa có lộ trình tiêm mũi tăng cường.

Trong khi đó, nhằm thúc giục người dân ở thủ đô nhanh chóng đi tiêm mũi tăng cường, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã áp dụng các điều kiện chặt chẽ hơn đối với người đến cơ quan công quyền hoặc các cơ sở kinh doanh.

Trong khi đó, tại Indonesia, phóng viên TTXVN tại Jakarta cho biết Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu tăng tốc độ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 Đỏ Trắng do nước này tự nghiên cứu và bào chế nhằm đẩy nhanh việc tiêm chủng tăng cường trong nước.

Theo ông Widodo, mũi tiêm tăng cường được cung cấp miễn phí cho mọi người dân Indonesia tại các cơ sở y tế thuộc sở hữu của nhà nước. Hiện tại Cơ quan thực phẩm và dược phẩm của nước này (BPOM) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của các hãng dược phẩm Sinovac, Pfizer, AstraZeneca, Moderna và Zifivax để tiêm mũi tăng cường cho những người trên 18 tuổi đã tiêm mũi thứ hai cách đây hơn sáu tháng, trong đó ưu tiên người già và người bị suy giảm khả năng miễn dịch.

Tuyên bố trên của Tổng thống Widodo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin đề xuất một lộ trình sản xuất và sử dụng vaccine ngừa COVID-19 nội địa tại một cuộc họp diễn ra vào ngày 13/1 với sự tham dự của một số bộ trưởng và đại diện nhà sản xuất vaccine Đỏ Trắng, theo đó loại vaccine này tiêm cho người trưởng thành sẽ ra mắt chậm nhất là vào tháng 3/2022, và vaccine cho trẻ em là trước tháng 6/2022 và hạn ra mắt vaccine để tiêm mũi tăng cường là tháng 8/2022.

Khách du lịch chụp ảnh tại một khu vui chơi ở tỉnh Kampong Speu, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách du lịch chụp ảnh tại một khu vui chơi ở tỉnh Kampong Speu, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước mắt, chương trình tiêm chủng có thể được tiếp tục bằng các loại vaccine nhập khẩu và tiêm tăng cường bằng vaccine nội địa. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng đang nỗ lực để vaccine nội địa đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn dự trữ trong nước để có thể kịp thời ứng phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Trước đó, ngày 12/1, Indonesia đã triển khai chương trình tiêm đại trà mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh quốc gia có dân số lớn thứ 4 trên thế giới này ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất trong gần 3 tháng qua do biến thể Omicron lây lan nhanh.

Vaccine Đỏ Trắng là sản phẩm của nỗ lực sản xuất vaccine độc lập của Indonesia với 6 tổ chức tham gia gồm Viện sinh học phân tử Eijkman (EIMB), Viện Khoa học Indonesia (LIPI), Đại học Indonesia, Viện Công nghệ Bandung, Đại học Gadjah Mada, Đại học Padjadjaran và Đại học Airlangga (Unair).

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-131-so-ca-mac-moi-o-philippines-tang-cao-chong-mat-lao-tang-cuong-san-xuat-thuoc-molnupiravir-20220114015909922.htm