COVID-19 tại ASEAN hết 19/12: Cả khối vượt 300.000 ca tử vong; Campuchia thêm ca mắc Omicron

Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN ghi nhận trên 24.500 ca nhiễm mới và 341 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong cho đến nay vượt 300.000 ca.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại thành phố Bandung, Tây Java, Indonesia, ngày 16/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại thành phố Bandung, Tây Java, Indonesia, ngày 16/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 24.548 ca mắc mới COVID-19 và 341 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 14.603.963 trường hợp và 300/186 ca tử vong. Toàn khối có 13.689.618 bệnh nhân đã bình phục.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế đi xuống mạnh ở nhiều quốc gia từng là điểm nóng trước đây. Ca nhiễm mới ở Philippines giảm rất mạnh so với thời kỳ đỉnh cao, chỉ còn 203 ca trong ngày 19/12. Số ca tử vong mới cũng giảm đáng kể xuống còn 64 trường hợp. Số ca mắc COVID-19 giảm và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng tăng đã cho phép Philippines hồi sinh ngành du lịch với việc mở cửa biên giới từ ngày 1/12. Du khách đã được tiêm phòng đầy đủ đến từ 157 quốc gia sẽ không phải cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính ngay trước chuyến bay và nếu họ không đi du lịch đến các quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh cao trong vòng 2 tuần trước đó.

Cùng ngày, Việt Nam ghi nhận 16.110 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên 1.540.478 trường hợp, và 215 ca tử vong mới, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 29.566 người. Nước ta hiện đang liên tiếp đứng đầu khu vực về ca nhiễm và tử vong theo ngày.

Bệnh nhân COVID-19 chờ được tiếp nhận tại bệnh viện ở Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bệnh nhân COVID-19 chờ được tiếp nhận tại bệnh viện ở Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Malaysia đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 4.083 ca trong 24 giờ qua. Ca nhiễm tại Malaysia những ngày gần đây liên tục xuống dưới ngưỡng 5.000 ca. Với sự xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 2.899 ca trong 24 giờ qua. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 2/12 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt lệnh phong tỏa quốc gia bất chấp những lo ngại trên thế giới về biến thể Omicron, song việc đóng cửa các địa điểm giải trí có thể sẽ được kéo dài. Kể từ ngày 16/12, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan đã quyết định kéo dài thời gian cách ly đối với những người đến nước này theo các chương trình hộp cát và cách ly từ 5 ngày lên 7 ngày. Quyết định này nhằm đối phó với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron và sự gia tăng các ca nhiễm ở một số nước.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca nhiễm mới tại Singapore vẫn đã giảm mạnh dưới ngưỡng 500, với chỉ 271 ca nhiễm và 1 ca tử vong trong ngày 19/12. Đến ngày 14/12, đã ghi nhận 16 ca nhiễm biến thể mới Omicron. Song song với công tác chuẩn bị sẵn sàng đối phó nguy cơ bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron, Singapore cũng nới lỏng một số biện pháp giãn cách, theo đó từ ngày 1/1/2022, làm việc tại nhà sẽ không còn là bắt buộc, các công ty, cơ quan được phép cho 50% số nhân viên trở lại làm việc trực tiếp. Việc điều chỉnh này là nhờ số ca nhiễm mới hàng ngày hiện nay đã giảm mạnh, bình quân khoảng 600 ca/ngày trong tuần qua. Đồng thời, Singapore và Malaysia cũng quyết định mở rộng đối tượng được phép đi lại qua VTL trên bộ đối với tất cả công dân hai nước đã tiêm đủ vaccine từ ngày 20/12 tới đây.

Trong khi đó, Campuchia chỉ ghi nhận 6 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong mới trong ngày. Từ ngày 30/11, Campuchia đã quyết định cho phép các quán karaoke, câu lạc bộ đêm và quán bar tại thủ đô Phnom Penh được mở cửa trở lại sau một thời gian dài ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19. Quyết định này được đưa ra sau khi phần lớn dân số Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày giảm đáng kể.

Campuchia phát hiện thêm ca nhiễm Omicron

Bộ Y tế Campuchia ngày 19/12 xác nhận nước này phát hiện thêm 2 ca mắc COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Các phương tiện di chuyển trên phố ở Phnom Penh, Campuchia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Các phương tiện di chuyển trên phố ở Phnom Penh, Campuchia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hai bệnh nhân này gồm một người Campuchia, 47 tuổi, từ bang Texas (Mỹ) quá cảnh ở Seoul (Hàn Quốc) về nước; một người Campuchia 33 tuổi từ Pháp nhập cảnh sau chặng dừng chân ở Singapore. Cả hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron này hiện đang được điều trị tại Viện Lao quốc gia Campuchia ở Phnom Penh. Trước đó, trong ngày 17/12, Bộ Y tế Campuchia đã công bố phát hiện trường hợp nhiễm Omicron thứ hai tại nước này là một công dân Iran, 25 tuổi, từ Kenya nhập cảnh Campuchia. Bộ Y tế Campuchia tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng dịch.

Malayia sẵn sàng cuộc chiến mới với biến thể Omicron

Với 11 mẫu bệnh phẩm có kết quả xét nghiệm phân tích gene PCT xác nhận nhiễm biến thể Omicron, Malaysia đến nay đã phát hiện tổng số 13 trường hợp nhiễm biến thể này.

Trong tuyên bố ngày 18/12, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah đã xác nhận 11 bệnh nhân này nằm trong số 18 trường hợp mà Bộ trưởng Khairy Jamaluddin đã đề cập trong buổi họp báo công bố ca nhiễm biến thể Omicron hôm 16/12 vừa qua. Theo Tiến sỹ Noor Hisham, 11 trường hợp này đều là các ca bệnh nhập cảnh, cụ thể 3 trường hợp nhập cảnh vào Malaysia từ Vương quốc Anh, 3 người đến từ Mỹ, 2 người đến từ Nigeria, 2 người đến từ Saudi Arabia và trường hợp còn lại từ Australia. Ông cũng cho biết thêm 9 trong số 11 người này liên quan tới công dân Malaysia và 2 người còn lại là công dân Nigeria.

Đáng chú ý, Viện Nghiên cứu Y khoa Malaysia (IMR) cũng đã phát hiện thêm 13 trường hợp nhập cảnh có các dấu hiệu giống với biến thể Omicron và đang nằm trong danh sách chờ kết quả xét nghiệm mới.

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 29/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 29/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi Giáng sinh và Năm Mới đang đến gần trong bối cảnh Malaysia tái mở cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh, cho phép đi lại liên bang và kích cầu du lịch, tiêu dùng nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế, sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ là thách thức lớn cho nỗ lực kiểm dịch bệnh của quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cảnh báo rằng “người dân cần phải sẵn sàng chuẩn bị đối phó với Omicron” khi thừa nhận “biến thể này đang xâm nhập và Malaysia và thực tế đã tồn tại tại Malaysia, việc lây lan chỉ là vấn đề thời gian”.

Malaysia đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế Malaysia đã ra quy định chỉ cho phép tổ chức các buổi lễ đón Năm Mới hay Giáng sinh quy mô lớn nhỏ và những người tham dự cần phải tự xét nghiệm COVID-19 trước.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia, ngày 23/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia, ngày 23/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng với đó, quốc gia Đông Nam Á cũng đưa ra các quy định mới đối với người đến từ Anh nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Từ ngày 17/12, người nhập cảnh vào Malaysia từ Anh sẽ phải tự xét nghiệm hàng ngày trong thời gian cách ly và tất cả kết quả sẽ phải thông báo trên ứng dụng quản lý COVID-19 của chính phủ.

Chính phủ Malaysia cũng đưa thêm 9 quốc gia vào danh sách các nước bị xếp vào hạng có nguy cơ cao. Theo đó, người đến từ Anh, Mỹ, Australia, Pháp, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Nigeria và Ấn Độ, nơi biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng, sẽ phải đeo thiết bị theo dõi điện tử ở cổ tay khi nhập cảnh vào Malaysia và trong thời gian cách ly. Trước đó, quốc gia Hồi giáo này đã cấm nhập cảnh đối với người đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe và Malawi.

Để chủ động ứng phó với Omicron, Bộ Y tế Malaysia chủ trương đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, đặc biệt là mũi tiêm tăng cường. Bộ Y tế Malaysia đã quyết định mở lại các trung tâm tiêm chủng lớn. Trước mắt, Malaysia sẽ mở lại trung tâm tiêm chủng tại thung lũng Klang bao gồm thủ đô kinh tế Kuala Lumpur, thủ đô hành chính Putrajaya và bang công nghiệp Selangor, có tỷ lệ nhiễm COVID-19 thuộc diện cao nhất quốc gia Đông Nam Á này.

Trẻ em thuộc nhóm từ 6-11 tuổi chờ được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại thành phố Nam Tangerang thuộc tỉnh Banten, Indonesia ngày 14/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trẻ em thuộc nhóm từ 6-11 tuổi chờ được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại thành phố Nam Tangerang thuộc tỉnh Banten, Indonesia ngày 14/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-1912-ca-khoi-vuot-300000-ca-tu-vong-campuchia-them-ca-mac-omicron-20211219213041920.htm