COVID-19 tại ASEAN hết 2/4: Trên 59.100 ca tử vong; Philippines sắp thay Indonesia thành tâm dịch

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.136 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 59.138 người.

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 31/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 31/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia và Malaysia.

Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao gấp nhiều lần “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong lại tăng mạnh trở lại so với các ngày trước.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh.

Cảnh sát làm nhiệm vụ tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh sát làm nhiệm vụ tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan dù đã qua những ngày “nóng nhất” song số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 2/4 ghi nhận thêm 58 ca bệnh mới.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 69 bệnh nhân mới trong ngày 2/4 và 2 ca tử vong. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 59.138 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 121 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.880.616 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.521.508 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh (Myanmar không công bố số liệu).

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 2/4:

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 20/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 20/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất kể từ đầu dịch với 15.310 ca, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 771.497 ca. Trước đó, Philippines xác nhận số ca mắc mới trong một ngày cao kỷ lục với hơn 10.000 ca.

Bộ trên cũng công bố thêm 17 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca không qua khỏi tại Philippines lên 13.320 ca.

Tại Campuchia, ngày 2/4, tiếp sau thủ đô Phnom Penh, chính quyền tỉnh Kampong Speu đã bắt đầu thực hiện lệnh giới nghiêm ở tỉnh này - từ 20h tới 5h sáng hôm sau - trong vòng 2 tuần (đến ngày 15/4) để phòng ngừa nguy cơ dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng. Sắc lệnh trên do Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Speu, ông Vei Samnang ký ban hành.

Trong sắc lệnh, Tỉnh trưởng Vei Samnang yêu cầu tất cả các cuộc hội họp đông người và hoạt động kinh doanh, trong đó có nhà hàng, quán cafe, các quầy bán thức ăn lưu động và quán bia rươu phải ngừng hoạt động trong khoảng thời gian giới nghiêm. Sắc lệnh cũng nêu rõ các nhân viên y tế và những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, khẩn cấp vẫn thực thi nhiệm vụ như bình thường; các nhà hàng ăn uống hay cửa hàng khác được phép thực hiện dịch vụ giao hàng ăn; những gia đình có việc tang gia cũng được miễn phải thực hiện lệnh giới nghiêm nhưng phải tổ chức trong khuôn khổ các biện pháp y tế do cơ quan địa phương hướng dẫn.

Nhân viên y tế và xe cứu thương được triển khai để chuyển bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế và xe cứu thương được triển khai để chuyển bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Sắc lệnh cũng nhấn mạnh đối với các chủ doanh nghiệp và cá nhân không thực hiện nghiêm sắc lệnh này sẽ bị xử phạt theo Luật về phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

Trước đó, ngày 1/4, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng cũng đã ký ban hành sắc lệnh giới nghiêm tại thủ đô Phnom Penh, trong đó yêu cầu các hoạt động kinh doanh như hàng ăn, cafe, quán bar đóng cửa từ 20h đến 5h sáng ngày hôm sau, đồng thời các nhà hàng trong khách sạn không được phép phục vụ khách hàng tới ăn uống, ngoại trừ dịch vụ bán hàng mang đi.

Để thực hiện nghiêm sắc lệnh trên, Đô trưởng Khuong Sreng chỉ đạo tất cả các lực lượng cảnh sát và hiến binh tại 14 quận/huyện thuộc thủ đô Phnom Penh phải đảm bảo thực thi lệnh giới nghiêm phòng chống dịch COVID-19. Tất cả những trường hợp vi phạm sắc lệnh sẽ bị xử lý theo Luật về phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Điều 1 trong sắc lệnh nói trên nêu rõ chính quyền các cấp thuộc Phnom Penh có nhiệm vụ trực ban liên tục để phòng chống nguy cơ dịch COVID-19 lây lan rộng tại Phnom Penh trong vòng 2 tuần, từ ngày 1-14/4.

Tối 31/3, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ký ban hành một nghị định mới về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó có một số hạn chế đối với người dân và hoạt động kinh doanh, bao gồm lệnh giới nghiêm tại một số khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-24-tren-59100-ca-tu-vong-philippines-sap-thay-indonesia-thanh-tam-dich-20210402231719167.htm