COVID-19 tại ASEAN hết 3/4: Philippines kéo dài hạn chế ở thủ đô; Việt Nam hỗ trợ Campuchia chống dịch

Ngày 3/4, các nước ASEAN đã ghi nhận trên 18.800 ca mắc mới và 201 ca tử vong. Philippines liên tục ghi nhận trên 10.000 ca mắc mới, buộc phải kéo dài hạn chế phòng dịch ở Manila. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Campuchia chống dịch.

Lệnh giới nghiêm tại Phnom Penh, Campuchia có hiệu lực từ ngày 1/4/2021. Ảnh: Phnom Penh Post

Lệnh giới nghiêm tại Phnom Penh, Campuchia có hiệu lực từ ngày 1/4/2021. Ảnh: Phnom Penh Post

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.804 ca mắc COVID-19 và 201 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 2.899.403 trường hợp và 59.319 ca tử vong. Toàn khối có 2.529.143 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines chiếm nhiều nhất với 103 ca. Indonesia ghi nhận 91 ca tử vong, Malaysia thêm 3 ca, Thái Lan có 1 ca tử vong mới và Campuchia thêm 3 ca.

Với 4.345 ca nhiễm mới Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.527.524 ca bệnh và 41.242 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.

Trong khi đó, Philippines liên tiếp trải qua những ngày có số ca nhiễm mới vượt mốc 10.000. Trong ngày 3/4, nước này ghi nhận 12.576 ca mắc mới, nâng tổng ca bệnh lên 784.043 trường hợp, bao gồm 13.423 ca tử vong.

Tình hình tại Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp, với 99 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong trong ngày 3/4. Timor Leste cũng ghi nhận 37 ca mới và hiện có tổng ca bệnh lên tới 714 trường hợp.

Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm lệnh phong tỏa tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm lệnh phong tỏa tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia cảm ơn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ chống dịch

Ngày 2/4, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gửi thư cảm ơn tới Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về việc Việt Nam hỗ trợ Campuchia phòng chống đại dịch COVID-19.

Trong thư, Thủ tướng Hun Sen gửi lời cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì món quà tặng 200.000 USD nhằm hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Campuchia chống dịch COVID-19, cũng như những lời động viên ân cần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bức thư đề ngày 31/1 vừa qua. Thủ tướng Hun Sen ca ngợi Việt Nam đã kiểm soát thành công sự bùng phát của dịch COVID-19, đồng thời tái khẳng định cam kết của Campuchia hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để vượt qua cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ trên toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Campuchia cũng đảm bảo những người nước ngoài, trong có người gốc Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Campuchia, được hưởng những hỗ trợ và chăm sóc y tế tương tự công dân nước sở tại. Ông ghi nhận Chính phủ Việt Nam đã đối xử rất tốt với cộng đồng người Campuchia ở Việt Nam trong thời điểm khó khăn này.

Phun thuốc khử trung tại một trung tâm cách ly thuộc tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia. Ảnh: Phnom Penh Post

Phun thuốc khử trung tại một trung tâm cách ly thuộc tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia. Ảnh: Phnom Penh Post

Trước đó, ngày 1/4, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã trao tượng trưng cho Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth khoản hỗ trợ 200.000 USD của Chính phủ và nhân dân Việt Nam giúp Chính phủ và nhân dân Campuchia ứng phó với dịch COVID-19. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh Việt Nam và Campuchia là hai nước có quan hệ láng giềng hữu nghị gắn bó và truyền thống chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong khó khăn. Chính phủ và nhân dân Việt Nam mong muốn khoản hỗ trợ 200.000 USD sẽ góp phần giúp Chính phủ và nhân dân Campuchia sớm khống chế được dịch, ổn định tình hình và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế.

Đây là lần hỗ trợ thứ hai của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Campuchia trong ứng phó với dịch COVID-19. Trước đó, vào tháng 4/2020, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ Chính phủ Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm COVID-19 trị giá hơn 7 tỷ đồng.

Trong khi đó, Thủ đô Phnom Penh tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới trong ngày 3/4. Bộ Y tế Campuchia xác nhận phát hiện 99 ca nhiễm mới, tất cả đều liên quan tới “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”. Tổng cộng, Campuchia đã có 2.645 ca mắc COVID-19, trong đó 1.585 trường hợp đã bình phục, và 19 người tử vong.

Đo thân nhiệt cho học sinh tại Campuchia. Ảnh: TTXVN

Đo thân nhiệt cho học sinh tại Campuchia. Ảnh: TTXVN

Chính phủ Campuchia đã quyết định đưa các lao động phi chính thức như lái xe taxi, người bán hàng rong và lái xe vận tải vào các nhóm ưu tiên trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc.

Trong một thông điệp gửi đi ngày 3/4, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định 400.000 liều vaccine của hãng Sinopharm trong số 700.000 liều do Trung Quốc viện trợ sẽ được phân bổ để tiêm cho những người có nguy cơ phơi nhiễm cao trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Chính phủ Campuchia dự kiến tiêm chủng ít nhất 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong chiến dịch năm 2021. Cho đến nay, Campuchia đã nhận được hơn 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 1,5 triệu liều của hãng Sinovac mua của Trung Quốc, 1,3 triệu liều của hãng Sinopharm do Trung Quốc viện trợ; và 324.000 liều của hãng AstraZeneca (COVISHIELD) qua cơ chế COVAX.

Philippines kéo dài các hạn chế phòng dịch đối với thủ đô Manila

Ngày 3/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế siết chặt ở vùng thủ đô Manila và các tỉnh lân cận thêm ít nhất 1 tuần nhằm kiềm chế số ca nhiễm gia tăng trở lại.

Trong một tuyên bố phát trên truyền hình, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, Harry Roque cho biết, các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm đối với hoạt động di chuyển không thiết yếu, các cuộc tụ tập đông người và ăn tối ở nhà hàng... sẽ có hiệu lực thêm ít nhất 1 tuần nữa. Các biện pháp này được gia hạn trước khi sắp hết hiệu lực vào ngày 4/4.

Một chốt kiểm soát phòng dịch Manila, Philippines. Ảnh: Philstar

Một chốt kiểm soát phòng dịch Manila, Philippines. Ảnh: Philstar

Vùng thủ đô Manila gồm 16 thành phố và là nơi sinh sống của ít nhất 13 triệu người, đến nay ghi nhận số ca nhiễm tương đương 2/5 trong tổng số 784.043 ca mắc COVID-19 ở nước này, trong khi có số ca tử vong chiếm 1/3 trong tổng số 13.423 ca tử vong trên toàn quốc. Trong khi đó, các đơn vị chăm sóc tích cực tại các bệnh viện ở vùng thủ đô Manila đã hoạt động gần hết công suất với 80% giường điều trị đã được đưa vào sử dụng. Nhiều bệnh viện đã buộc phải không tiếp nhận thêm bệnh nhân do có quá đông bệnh nhân.

Cho đến nay, Philippines đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho gần 739.000 người, chỉ đáp ứng 1% mục tiêu đề ra là tiêm chủng cho 70 triệu dân trong tổng số 108 triệu dân ở nước này nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng và giúp mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trong ngày 3/4, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 12.576 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày cao thứ hai tại quốc gia Đông Nam Á đang phải chật vật đối phó với số ca nhiễm gia tăng trở lại. Philippines cũng ghi nhận thêm 103 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Cảnh sát làm nhiệm vụ tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh sát làm nhiệm vụ tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Brunei nhận lô vaccine COVID đầu tiên

Brunei đã nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên thông qua cơ chế COVAX Facility do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động nhằm đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận bình đẳng với vaccine ngừa COVID-19. Lô này gồm 24.000 liều vaccine của AstraZeneca đã được vận chuyển từ Amsterdam (Hà Lan) qua Singapore đến Brunei vào ngày 2/4. Đây là lô vaccine đầu tiên trong tổng số 100.800 liều vaccine của AstraZeneca dự kiến sẽ được COVAX cung cấp theo từng đợt và kéo dài đến cuối tháng 6 tới.

Brunei đã cấp phép sử dụng đối với 3 loại vaccine ngừa COVID-19, gồm vaccine của AstraZeneca, Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Sinopharm (Trung Quốc). Ngoài việc tiếp nhận vaccine theo cơ chế COVAX, Brunei cũng sẽ mua vaccine ngừa COVID-19 thông qua các thỏa thuận song phương./.
Minh Châu

Malaysia: Gần 1.000 công nhân dầu khí phải xét nghiệm gấp

Theo hãng thông tấn Bernama, gần 1.000 công nhân tại nhà máy dầu và khí đốt Rancha-Rancha của Malaysia đã phải xét nghiệm COVID-19 sau khi nhà chức trách phát hiện một ổ dịch tại nhà máy.

Cùng ngày Malaysia ghi nhận tổng cộng 1.638 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 349.610 trường hợp, trong đó có 1.266 ca tử vong và 333.893 người đã khỏi bệnh.

Nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Serdang, gần Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 4/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Serdang, gần Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 4/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia hiện ghi nhận nhiều ca mắc biến thể mới từ Nam Phi trong số các ca lây nhiễm cộng đồng ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2021. Giới chuyên gia lo ngại rằng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi có thể kháng lại các loại vaccine và liệu pháp điều trị hiện nay, mặc dù hai nhà sản xuất Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) khẳng định vaccine của họ cho thấy hiệu quả ngăn ngừa biến thể này.

Tháng 2 vừa qua, Malaysia đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc, với mục tiêu trong vòng một năm có thể tiêm chủng cho 80% dân số nước này.

Trong khi đó, ngày 3/4, Indonesia ghi nhận 4.335 ca nhiễm mới, giảm gần 1.000 so với một ngày trước, và giảm gần 2.000 ca so với ngày 1/4. Số ca tử vong/ngày tại nước này cũng trên đà giảm.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-34-philippines-keo-dai-han-che-o-thu-do-viet-nam-ho-tro-campuchia-chong-dich-20210403224113707.htm