COVID - 19: Tái khởi động kinh tế với tâm thế mới

Kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ định hình lại với những phương thức kinh doanh mới, mà nếu biết tận dụng cơ hội sẽ có nhiều lợi thế để tăng tốc và phát triển.

Dịch COVID-19 tạo khủng hoảng lớn trên thế giới. Kinh tế Việt Nam (VN) phải chuẩn bị gì để vượt qua khó khăn?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho hay: Có nhiều kịch bản nhưng việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) duy trì hoạt động, chủ động thích ứng dịch chuyển sản xuất, đầu tư công... phù hợp với các điều kiện của VN là những bước đi mà Nhà nước và các DN cần chú trọng thực hiện.

“Chìa khóa” nội lực và nhân lực công nghệ

. Phóng viên: Thưa ông, ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần này tạo ra những khác biệt nào so với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây?

+ Ông Trần Thanh Hải: Có thể xem dịch COVID-19 là khủng hoảng kinh tế lớn trên thế giới và nhiều thông tin cho rằng nó tương đương với hai cuộc khủng hoảng năm 1929-1930 và 2007-2008.

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 có những khác biệt, vì hai cuộc khủng hoảng trước đây (khủng hoảng thừa và tín dụng dưới chuẩn của Mỹ) là do con người tạo ra và có phương thức đối phó. Nhưng với COVID-19 thì đây là do thiên tai và đến nay cũng chưa có phương thức hữu hiệu đối phó với nó.

Khác biệt thứ hai là công nghệ 4.0 đã đi vào từng ngóc ngách trong xã hội. Cụ thể, con người không cần tiếp xúc trực tiếp vẫn giải quyết được công việc, có thể thanh toán mà không cần tiền mặt… nên phần nào hạn chế nhiều tác động tiêu cực từ thiên tai này.

Với hai điểm khác biệt căn bản trên, việc phục hồi kinh tế sau COVID-19 cũng sẽ khác.

. VN có độ mở kinh tế lớn, chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào dịch vụ, du lịch và xuất khẩu, mà nhiều nước đang trong tâm dịch chưa mở cửa, điều này thách thức thế nào cho nền kinh tế?

+ Trong dịch COVID-19, chúng ta đã chứng kiến ngành du lịch, vận tải, hàng không, bán lẻ… gặp cuộc khủng hoảng chưa từng có, nhiều ngành tăng trưởng lao dốc về số âm.

Với những ngành có độ mở nhiều, liên quan đến thế giới như xuất khẩu, du lịch, đầu tư quốc tế… thì chúng ta có cố gắng thế nào cũng chưa đủ vì còn chờ sự cải thiện ở môi trường thương mại và đầu tư của thế giới.

Chẳng hạn, chúng ta đã có nhiều động thái thu hút du khách nhưng Mỹ, châu Âu, Singapore… còn đóng cửa thì khó khăn vẫn tồn tại cho ngành du lịch và hàng không.

Do vậy, theo tôi, khôn ngoan nhất vẫn là chọn những ngành nghề có thể làm được, phục vụ được cho thị trường trong nước trước. Mọi ngành nghề cần phải biến thị trường nội địa có 100 triệu dân trở thành thị trường lõi, đảm bảo nền kinh tế không bị nhào lộn.

. Với những yếu tố khác biệt của khủng hoảng dịch COVID-19 và thách thức đặt ra thì việc vận hành kinh tế VN phải tiến hành ra sao?

+ Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, bất kỳ nhà nước nào cũng cần có chính sách, mà thông thường áp dụng cả chính sách tài khóa lẫn chính sách tiền tệ. Đây là công cụ truyền thống mà mọi chính phủ trên thế giới đều thực thi và VN không ngoại lệ.

Với chính sách tiền tệ thì VN đang tiến hành hỗ trợ nền kinh tế bằng các cách như giãn nợ, không chuyển các nhóm nợ ở các tổ chức tín dụng để không làm tăng nợ xấu, cấp tín dụng ưu đãi cho một số nhóm ngành, giãn, chậm nộp thuế…

Nhưng quan trọng hơn là Nhà nước đẩy mạnh chính sách tài khóa thông qua đầu tư công, một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn.

Năm nay, Chính phủ đã xác định vốn cho đầu tư với gần 700.000 tỉ đồng tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế hàng hóa và lưu thông hàng hóa, thu hút du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đây là điều đúng. Tuy nhiên, để đầu tư công tạo ra sự khác biệt và sức bật, lan tỏa thì ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng ta nên đầu tư vào những lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ y sinh học và tập trung đẩy mạnh công nghệ thông tin để đi tắt đón đầu.

Điều quan trọng nữa là đầu tư vào nguồn nhân lực, vì suy cho cùng, muốn phát triển mạnh mẽ các công nghệ trên đều nằm ở con người. Trong điều kiện VN dân số trẻ, thích tìm tòi cái mới, khả năng toán học tốt thì việc đầu tư này rất phù hợp, nó không thâm dụng nhiều vốn mà thâm dụng lao động, thâm dụng trí tuệ.

Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nhất và cũng là ngành hồi phục chậm nhất vì dịch COVID-19. Trong ảnh: Bạn trẻ phát khẩu trang cho khách du lịch đến tham quan TP.HCM trong mùa dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG

Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nhất và cũng là ngành hồi phục chậm nhất vì dịch COVID-19. Trong ảnh: Bạn trẻ phát khẩu trang cho khách du lịch đến tham quan TP.HCM trong mùa dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phải chuẩn bị nhiều kịch bản

. Ông có lo ngại các chính sách liệu có sự chệch choạc nào khi đi vào thực tế?

+ Tôi cũng hơi lo vì trong gói đầu tư công 700.000 tỉ đồng này, nếu chú ý thấy có 10% chuyển từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công thuần túy.

Kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng 2007-2008 kéo dài đến năm 2011, VN mới đầu siết đầu tư công, sau bung đầu tư công quá trễ và hệ quả dẫn đến sau thời điểm 2011 đã đẩy hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn) lên cực cao và gây ra lãng phí. Hệ lụy từ các “quả đấm thép” thời kỳ đó vẫn còn đang phải giải quyết.

Tôi cho rằng đầu tư công nên đẩy mạnh nhưng nếu duy trì đầu tư công 100% e rằng dẫn theo nhiều vết xe đổ như bao lần trước.

Chính phủ cần kiến tạo đúng nghĩa

Từ năm 2016, VN có chủ trương là chính phủ kiến tạo, trong đó Chính phủ tạo ra hành lang pháp lý cho những DN thực sự mạnh, làm ăn đàng hoàng phát triển. Còn những DN lươn lẹo, lợi dụng các chính sách để trục lợi thì không tồn tại và phát triển được.

Với chủ trương kiến tạo xuyên suốt như vậy thì giai đoạn hiện nay cũng là cơ hội sàng lọc được những DN mà nói theo lý thuyết kinh tế là những DN có lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh lâu dài, khi được đặt trong khung chính phủ kiến tạo sẽ phát triển rất tốt.

Do đó, những người làm chính sách phải hết sức công tâm, đừng cài cắm các lợi ích của mình vào các văn bản ban hành.

Do đó, đẩy mạnh đầu tư công nhưng vẫn cần sự tham gia nhiều lực lượng xã hội để đảm bảo được đấu thầu lành mạnh, cạnh tranh và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Sự kiểm soát chéo sẽ làm hiệu quả tăng lên gấp nhiều lần.

Khi xem xét các chính sách tiền tệ mà Chính phủ đang áp dụng hỗ trợ DN, tôi thấy rằng hầu như 99% DN đều được hưởng lợi từ chính sách này. Việc cào bằng là không đúng, vì thực tế có những ngành thiệt hại nhiều, những ngành thiệt hại ít.

Do đó, hỗ trợ DN bằng chính sách tiền tệ cần phải chọn lọc, đặc biệt nên ưu tiên cho những ngành nào sử dụng nhiều lao động, những ngành tác động trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

. Dưới góc nhìn của ông, kịch bản tăng trưởng kinh tế VN trong năm nay theo mô hình nào?

+ Nhiều người cho rằng kinh tế VN hậu dịch COVID-19 sẽ đi theo hình chữ V nhưng tôi cho rằng đó là đánh giá hơi lạc quan. Bởi dịch bệnh COVID-19 chưa có phương hướng giải quyết cụ thể, vaccine chưa có… Tôi cho là kinh tế VN sẽ có nhiều điểm W trong năm 2020. Tức có những lúc tăng trưởng nhưng cũng có lúc điều chỉnh lại và cuối cùng tăng trưởng.

Sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh còn lớn, chúng ta phải chuẩn bị kịch bản cho nhiều điểm đáy của W và có các kịch bản để thoát đáy, phát triển.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế - xã hội

Trong Chỉ thị 19, Thủ tướng nêu: Các bộ, cơ quan liên quan, UBND tỉnh, thành tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội.

+ Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tập trung, khẩn trương thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu với các nước EVFTA; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, hàng hóa, nhất là các hàng hóa có lợi thế và tiềm năng xuất khẩu để triển khai ngay sau khi các nước dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa trở lại.

Tiếp tục rà soát, bảo đảm nguồn cung và vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu.

Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng, nhất là thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ, đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống; dần từng bước mở lại du lịch nội địa.

Chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch.

+ Các bộ LĐ-TB&XH, Tài chính, UBND các tỉnh, thành khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42 ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…

PHƯƠNG MINH - QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/covid-19-tai-khoi-dong-kinh-te-voi-tam-the-moi-908700.html