COVID-19 tăng đột biến, nhiều người nhập viện phải thở oxy

Trong tuần vừa qua, ca mắc COVID-19 tăng nhanh so với các tuần trước đó, nhiều người phải nhập viện và hầu hết đều phải thở oxy. Điều đáng lưu ý, những người nhập viện đều là người cao tuổi, có bệnh nền như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, huyết áp… nhưng không tiêm vaccine mũi 4, thậm chí có người chưa tiêm mũi vaccine nào.

Theo Bộ Y tế, trong tuần qua ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất từ đầu năm đến nay. Ngày 10/4, cả nước ghi nhận 133 ca mắc, cao hơn tổng số mắc trong 1 tuần của những tuần trước đó. Tại Hà Nội, trong tuần ghi nhận 67 ca mắc, tăng 44 ca so với tuần trước đó.

Còn tại Lào Cai, ngày 8/4, trên địa bàn huyện Văn Bàn ghi nhận 52 ca mắc COVID -19 tại Trường THCS thị trấn Khánh Yên, trong đó có 32 trường hợp mắc lần 2 và 20 trường hợp mắc lần 1, đa số các trường hợp mắc đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), số ca mắc COVID-19 tăng cao đột biến, trung bình mỗi ngày có 10-15 trường hợp xét nghiệm dương tính. BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trong những ngày gần đây, bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng mạnh. Trong 3 tháng, bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân, tuy nhiên chỉ 10 ngày đầu tháng 4 đã tăng gấp 3 lần, tức là 75 bệnh nhân.

Bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Theo BS Hưng, người mắc COVID-19 phần lớn là những người trẻ, có triệu chứng ho, sốt, đau họng, tự test nhanh thấy dương tính nên vào viện khám. Những bệnh nhân này được kê đơn về điều trị tại nhà. Những trường hợp nặng, suy hô hấp được chỉ định nhập viện.

Nếu những tháng trước chỉ lác đác 1-2 bệnh nhân phải nhập viện nội trú thì hiện tại, có khoảng 10 bệnh nhân. Đa phần các ca này là người cao tuổi có bệnh nền, khi nhập viện đều phải hỗ trợ thở oxy, tình trạng tương đối nặng.

Bệnh viện cũng vừa tiếp nhận cụ bà 102 tuổi mắc COVID-19, tuy nhiên sau khám, bệnh nhân có biểu hiện nhẹ nên được cho về nhà theo dõi, điều trị.

Lý giải nguyên nhân COVID-19 tăng đột biến, BS Hưng cho biết: “Có thể do người dân gần đây đã bỏ qua tiêm vaccine phòng COVID-19, đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, dịch có xu hướng lây lan trở lại. Nguyên nhân thứ hai là thời tiết nóng, nồm ẩm cũng làm cho dịch tăng lên”.

BS Hưng cũng nhấn mạnh, các bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn đều thuộc đối tượng cần tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19, nhưng hầu hết họ mới chỉ tiêm 2 hoặc 3 mũi, thậm chí có người chưa tiêm mũi nào.

Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, không riêng Việt Nam, mà trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn tạo các làn sóng tăng – giảm. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới chưa công bố hết dịch vì dịch vẫn chưa ổn định. Hơn nữa, số ca mắc như hiện nay chưa đúng thực tế vì người nhiễm bệnh không test hoặc test dương tính nhưng không báo với cơ sở y tế.

Ông Phu cũng nhấn mạnh: “Việc tăng số ca mắc như hiện nay không phải bất thường, bởi miễn dịch của vaccine phòng COVID-19 giảm và tâm lý của người dân chủ quan cho rằng không còn dịch COVID-19 nên bỏ qua các thói quen phòng bệnh như rửa tay, đeo khẩu trang nên mắc lại".

Để phòng bệnh, người dân cần duy trì nguyên tắc 2K, không chỉ phòng COVID-19 mà còn phòng các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới vẫn ghi nhận gia tăng ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, hiện Mỹ đã ký đạo luật chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia do đại dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp do COVID-19 và chưa coi là dịch bệnh thông thường.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi, bám sát hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gen nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, thời gian tới Bộ vẫn tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19; thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch.

Nếu trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch COVID-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/covid-19-tang-dot-bien-nhieu-nguoi-nhap-vien-phai-tho-oxy-i689689/