Covid-19: Thụy Sỹ phát hiện ca mắc biến thể ở Ấn Độ, Đức nới lỏng hạn chế với người tiêm vaccine, Thái Lan đóng cửa cửa hàng
Theo thông báo của Văn phòng Y tế Công cộng liên bang Thụy Sỹ (FOPH), trường hợp đầu tiên của biến thể Covid-19 ghi nhận ở Ấn Độ đã được phát hiện ở Thụy Sỹ, liên quan đến một hành khách quá cảnh tại sân bay.
Thụy Sỹ phát hiện trường hợp đầu tiên của biến thể mới ghi nhận ở Ấn Độ
Thông báo ngày 24/4 của FOPH cho biết việc bổ sung Ấn Độ vào danh sách các quốc gia có nguy cơ hiện đang được thảo luận do sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới. Hiện tại chỉ có công dân Thụy Sỹ hoặc những người có giấy phép cư trú từ Ấn Độ mới được phép nhập cảnh vào Thụy Sỹ từ Ấn Độ.
Thời gian qua, biến thể mới được ghi nhận ở Ấn Độ đã được phát hiện ở Anh và Bỉ. Tại Bỉ, 21 sinh viên Ấn Độ đến sân bay Charles de Gaulle của Paris vào giữa tháng 4/2021 đã xét nghiệm dương tính với biến thể này và được đưa vào diện cách ly.
Thụy Sỹ tính đến ngày 23/4 ghi nhận 2.113 ca nhiễm Covid-19 mới, 11 ca tử vong trong 24 giờ, so với 2.265 ca và 9 ca tử vong vào hôm trước đó, đưa tổng số lên 646.509 ca nhiễm, đứng thứ 36 trên thế giới. Bộ trưởng Y tế Alain Berset đã đưa ra kế hoạch thoát khỏi khủng hoảng Covid-19 với 3 giai đoạn, theo đó việc nới lỏng các hạn chế sẽ gắn với tiến triển tiêm vaccine.
Giai đoạn các biện pháp bảo vệ hiện hành sẽ được tiếp nối bằng giai đoạn ổn định tình hình từ cuối tháng 5 đến tháng 8. Giai đoạn từ tháng 8 là giai đoạn bình thường hóa. Ý tưởng then chốt của kế hoạch 3 giai đoạn thoát khủng hoảng là kịch bản bình thường hóa vào mùa hè. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, Bộ trưởng Y tế kêu gọi người dân tiếp tục tham gia quá trình xét nghiệm và tiêm vaccine một cách cẩn trọng.
Đức lên kế hoạch nới lỏng hạn chế đối với người đã tiêm vaccine
Bộ Tư pháp liên bang Đức đang đề xuất quy định mới, theo đó một số hạn chế nghiêm ngặt trong công tác phòng dịch có thể được loại bỏ đối với những người đã được tiêm đủ mũi vaccine ngừa Covid-19.
Phát biểu trên báo Handelsblatt, Bộ trưởng Tư pháp liên bang Đức Christine Lambrecht ngày 24/4 cho biết một số hạn chế nhất định cần sớm được loại bỏ đối với những người đã được tiêm đủ mũi vaccine ngừa Covid-19.
Bà Lambrecht nói: “Nếu có thể chắc chắn rằng việc tiêm phòng không chỉ ngăn ngừa nhiễm virus mà còn có thể chống lại sự lây lan của nó, thì các biện pháp phòng chống cũng phải được xem xét. Đây không phải là đặc quyền dành cho những người được tiêm chủng mà là một yêu cầu của Hiến pháp”.
Nghiên cứu của Viện Robert Koch (RKI) cho biết, khả năng lây nhiễm cho người khác ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ và những người đã từng nhiễm Covid-19 thấp hơn nhiều so với những người chưa nhiễm bệnh hoặc chưa được tiêm chủng. Do đó, trong báo cáo đệ trình hội nghị giữa Thủ tướng Angela Merkel và Thủ hiến các bang của Đức vào đầu tuần tới, Bộ Tư pháp Đức đề xuất hủy bỏ một số hạn chế đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho rằng, những hạn chế nào sẽ được hủy bỏ với người đã tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh sẽ là trọng tâm thảo luận trong cuộc họp đầu tuần tới.
Hiện ngày càng có nhiều lời kêu gọi cần sớm nới lỏng quy định đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Peter Altmaier cho rằng nếu quy định này có được thông qua thì cũng chưa thể thực hiện ngay. Ông nói: “Hiện hơn 20% người Đức đã được tiêm chủng. Tôi cho rằng chỉ có thể nói về các trường hợp ưu tiên như trong báo cáo từ tháng 6 hoặc tháng 7 tới, không sớm hơn được”.
Theo số liệu do các cơ quan y tế Đức thông báo tối 24/4, trong vòng 24 giờ qua, Đức ghi nhận gần 20.800 trường hợp lây nhiễm mới và 227 bệnh nhân không qua khỏi. Tính từ đầu đại dịch đến nay, nước này ghi nhận gần 3,3 triệu người mắc Covid-19 và 81.536 người chết.
Thái Lan đóng cửa 31 loại hình kinh doanh ở thủ đô Bangkok
Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đêm ngày 24/4 đã ra lệnh đóng cửa 31 loại hình kinh doanh từ đầu tuần tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của làn sóng thứ ba đại dịch Covid-19 tại thủ đô.
Truyền thông sở tại dẫn lời người phát ngôn BMA Pongsakorn Kwanmuang cho biết các loại hình kinh doanh như rạp chiếu phim, vườn thú, quán cafe internet, bể bơi công cộng, trung tâm thể hình, thư viện, bảo tàng, công viên, cơ sở chăm sóc sắc đẹp… sẽ phải đóng cửa trong vòng 2 tuần kể từ 26/4.
Các trung tâm mua sắm sẽ được phép mở cửa từ 11 giờ sáng đến 9 giờ tối, trong khi các cửa hàng tiện lợi trên toàn thủ đô sẽ đóng cửa từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. Các cửa hàng cắt tóc chỉ có thể cung cấp dịch vụ cắt tỉa và gội đầu. Ngoài ra, những cuộc tụ tập từ 20 người trở lên cũng sẽ bị cấm.
Thủ đô Bangkok hiện đang là tâm điểm của đợt bùng phát Covid-19 thứ ba ở Thái Lan và một trong 18 tỉnh được Chính phủ đưa vào danh sách “Vùng Đỏ”, nơi giờ mở cửa của một số cơ sở nhất định bị cắt giảm.
Thái Lan trong ngày 24/4 cùng lúc ghi nhận số lượng ca mắc mới Covid-19 và số người tử vong vì đại dịch này theo ngày cao nhất từ trước tới nay. Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 24/4 xác nhận thêm 2.839 ca nhiễm mới, trong đó chỉ có 12 ca ngoại nhập, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này từ trước tới nay lên 53.022 ca. CCSA cũng xác nhận thêm 8 bệnh nhân tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 129.
Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận ngày 24/4, thủ đô Bangkok chiếm số lượng lớn nhất với 1.582 ca, tiếp theo là các tỉnh Chiang Mai (151 ca), Chon Buri (119 ca), Nonthaburi (96 ca), Samut Prakan (84 ca), Pathum Thani (59 ca), Samut Sakhon (57 ca), Surat Thani (46 ca), Nakhon Sawan (38 ca) và Songkhla (34 ca)
Theo thống kê của CCSA, kể từ 1/4 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 27.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó 56% là ở Bangkok. Số người thiệt mạng vì đại dịch này trên toàn quốc kể từ đầu tháng đã lên tới 43 trường hợp.
(tổng hợp)