COVID-19 tới 6h sáng 10/3: Thế giới vượt 451 triệu ca mắc; Hàn Quốc lần đầu có ca mắc mới vượt 300.000
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,49 triệu ca mắc COVID-19 và trên 5.700 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 451 triệu ca, trong đó trên 6,04 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (342.446 ca), Đức (191.973 ca) và Hà Lan (74.236 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (645 ca), Mỹ (634 ca) và Brazil (562 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81 triệu ca mắc COVID-19 và trên 988.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,9 triệu ca mắc và trên 515.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,1 triệu ca mắc và trên 653.000 ca tử vong.
Trong bối cảnh nhiều nước có ca mắ COVID-19 gia tăng, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 9/3 cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể kéo dài hơn nữa do tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong phân phối vaccine. Tổng thư ký LHQ ghi nhận rằng nhờ có các biện pháp y tế cộng đồng chưa từng thấy, cũng như sự phát triển vaccine và triển khai tiêm phòng nhanh ngoạn mục, nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu kiểm soát được đại dịch. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng đại dịch đã kết thúc”.
Số ca nhiễm "Omicron tàng hình" tại Mỹ tăng gấp đôi sau mỗi tuần
Số liệu thống kê do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố cho thấy số ca nhiễm dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19 tại Mỹ đã tăng gấp đôi sau mỗi tuần trong tháng vừa qua.
Hiện các chuyên gia y tế đang theo dõi chặt chẽ dòng phụ BA.2 này - hay còn gọi là "Omicron tàng hình", đồng thời kêu gọi người dân không chủ quan lơ là các biện pháp phòng dịch vì dịch COVID-19 diễn biến khó lường.
Theo số liệu thống kê, trong tuần kết thúc vào ngày 5/2, số ca nhiễm BA.2 chỉ chiếm 1% số trường hợp mắc mới COVID-19 tại Mỹ, nhưng tỷ lệ này đã tăng lên 2,2% trong tuần kết thúc vào ngày 12/2, tiếp đó là 3,8% trong tuần kết thúc vào ngày 19/2 và 6,6% trong tuần kết thúc vào ngày 26/2.
CDC ước tính "Omicron tàng hình" là nguyên nhân gây ra 11,6% số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 5/3 vừa qua. Các chuyên gia nhận định BA.2 lây lan với tốc độ "chậm nhưng đều đặn", cho dù số ca nhiễm Omicron tiếp tục giảm tại Mỹ.
Những nghiên cứu mới thực hiện trong phòng thí nghiệm và trên động vật cho thấy BA.2 có khả năng gây bệnh nặng hơn so với biến thể gốc Omicron, trong khi các nghiên cứu trước đó cho thấy BA.2 có khả năng lây lan cao hơn 30% so với biến thể gốc.
Theo các chuyên gia y tế, nếu người dân không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, giãn cách xã hội, "Omicron tàng hình" có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. liệu mới nhất của CDC Mỹ cho thấy mỗi ngày nước này có khoảng 40.000 ca mắc mới COVID-19 và 1.200 ca tử vong do căn bệnh này.
Dịch bệnh COVID-19 giảm rõ rệt tại Cuba
Tại Cuba, dịch COVID-19 có chiều hướng giảm rõ rệt trong thời gian gần đây.
Số liệu của Bộ Y tế công cộng Cuba cho biết ngày 9/3, nước này ghi nhận 518 ca mắc mới COVID-19, không có thêm ca tử vong nào. Tỉnh Holguin tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới cao nhất trong cả nước ngày thứ 4 liên tiếp - với 89 ca, tiếp đó là Sancti Spiritus với 72 ca và Matanzas 59 ca.
Tính đến nay Cuba đã ghi nhận tổng cộng 1.074.469 ca mắc COVID-19, trong đó 8.502 người tử vong.
Hàn Quốc lần đầu có ca mắc mới vượt 300.000/ngày
Ngày 9/3, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 lần đầu tiên vượt 300.000 ca/ngày, trong bối cảnh cử tri nước này đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức để chọn ra vị tổng thống thứ 20.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục, 342.446 trường hợp, tăng mạnh so với 202.721 ca ghi nhận một ngày trước đó. Như vậy, tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận 5.212.118 ca mắc.
KDCA cho biết số ca tử vong do COVID-19 và bệnh nhân nặng tại Hàn Quốc cũng tăng. Trong ngày 8/3, Hàn Quốc có thêm 158 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số bênh nhân không qua khỏi từ đầu đại dịch lên 9.440 người. Tỷ lệ tử vong là 0,18 %. Số bệnh nhân nặng cũng lên đến 1.087 người, tăng so với 1.007 người ngày hôm trước.
Thống kê cho biết thủ đô Seoul trong ngày 8/3 có 74.222 ca mắc mới COVID-19 và toàn bộ là lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ đầu dịch đến nay tại Seoul.
Cơ quan y tế Hàn Quốc trước đó dự báo làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron hiện tại có thể sẽ lên mức đỉnh điểm vào ngày 12/3 với khoảng 354.000 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, tốc độ lây nhiễm đang cao hơn dự đoán.
Hong Kong (Trung Quốc) tập trung nguồn lực hỗ trợ bệnh nhân cao tuổi
Ngày 9/3, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tổ chức họp báo,
trong đó nhấn mạnh ưu tiên hiện nay của chính quyền là giảm ca bệnh nặng và ca tử vong, chứ không phải xét nghiệm bắt buộc toàn dân.
Phát biểu trên được đưa ra sau khi ông Lương Vạn Niên, Trưởng nhóm chuyên gia về phản ứng với COVID-19 thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đang trực tiếp hỗ trợ Hong Kong, khuyến nghị nhiệm vụ cấp bách nhất của Hong Kong là phải giảm số ca mắc mới, giảm ca bệnh nặng và giảm trường hợp tử vong.
Bà Carrie Lam cũng cho biết sẽ tổ chức họp báo hằng ngày để thông báo tình hình dịch bệnh và cách thức xử lý của thành phố, đồng thời làm rõ những tin đồn hoặc hiểu lầm. Trong 2 tuần qua, trước thông tin thành phố có khả năng hạn chế người dân ra khỏi nhà trong thời gian tiến hành xét nghiệm hàng loạt, giá thực phẩm đã tăng vọt và các kệ hàng trong siêu thị thường xuyên trống trơn do người dân ồ ạt tích trữ.
Theo người đứng đầu Hong Kong, chính quyền thành phố vẫn đang lên kế hoạch cụ thể việc xét nghiệm, nhưng khi nào bắt đầu thì cần xem diễn biến của dịch bệnh và liệu có đạt được hiệu quả tối ưu hay không. Trước đó, Hong Kong thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm bắt buộc cho 7,5 triệu dân thành phố trong tháng 3 sau khi thành phố này ghi nhận số ca mắc và tử vong cao chưa từng thấy.
Tính đến ngày 9/3, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 551.223 ca mắc mới trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 và 2.869 trường hợp tử vong, chủ yếu là người cao tuổi.
Thái Lan thông qua kế hoạch chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu
Ngày 9/3, giới chức y tế Thái Lan đã thông qua kế hoạch 4 bước chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7.
Được thông qua tại cuộc họp do Ủy ban Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCDC) tổ chức, mục tiêu của kế hoạch là dần kiểm soát các đợt gia tăng số ca mắc và tử vong do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra, đồng thời đảm bảo đất nước sẵn sàng coi COVID-19 như một bệnh đặc hữu.
Phát biểu họp báo sau cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết quyết định trên nhằm hỗ trợ nền kinh tế Thái Lan phục hồi sau đại dịch cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phù hợp.
Các quan chức y tế Thái Lan dự báo số ca mắc COVID-19 ở nước này sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn từ ngày 12/3 đến đầu tháng 4 tới, và sẽ bắt đầu giảm trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 5, dù số ca bệnh vẫn sẽ ở mức cao. Giai đoạn thứ ba, từ cuối tháng 5 đến tháng 6, số ca mắc mới hàng ngày được dự báo sẽ giảm đáng kể xuống còn khoảng 1.000 đến 2.000 ca trước khi đất nước bước vào giai đoạn xem COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7 trở đi. Giới chức Thái Lan nhấn mạnh rằng để đạt được đến giai đoạn xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này phải không được vượt quá 0,1%. Hiện tại, tỷ lệ này là gần 0,2%.
Trong ngày 9/3, Thái Lan ghi nhận 22.073 ca mắc mới COVID-19 và thêm 69 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 3,09 triệu ca và 23.438 ca. Tính đến ngày 8/3, khoảng 71,7% trong tổng số gần 70 triệu dân tại Thái Lan đã được tiêm đủ liều vaccine cơ bản, trong khi 30,6% người đã được tiêm mũi tăng cường.
New Zealand thay đổi cách tiếp cận ứng phó với dịch COVID-19
Trước thực tế số ca mắc COVID-19 liên tục ghi nhận các mức cao kỷ lục, nhà chức trách New Zealand đã thay đổi cách tiếp cận ứng phó với dịch bệnh, từ loại bỏ triệt để ca nhiễm trong cộng đồng, ngăn chặn lây nhiễm và nay hướng tới phần nào chấp nhận dịch bệnh.
Tháng 8/2021, Chính phủ New Zealand đã phong tỏa toàn quốc sau khi ghi nhận 1 ca duy nhất mắc COVID-19. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, ngày 8/3 vừa qua, khi số ca mắc mới tại nước này ở mức cao chưa từng thấy – gần 24.000 ca – nhà chức trách đề nghị các nhân viên y tế có thể đến hỗ trợ các khu điều trị COVID-19 ngay cả khi bản thân họ có triệu chứng nhẹ của bệnh.
Đây là dấu hiệu thay đổi mới nhất về cách tiếp cận của New Zealand trong ứng phó với dịch COVID-19.
Giáo sư Michael Baker, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Otago, cho biết biến thể Omicron đã gây ra tình trạng lây nhiễm rộng tại New Zealand giống như ở nhiều nước khác. Theo Giáo sư Baker, trong khi đa số các nước trên thế giới đang ghi nhận tình hình dịch bệnh giảm, thì New Zealand đang ở điểm tồi tệ trong đại dịch và đối mặt với thực tế là virus sẽ tồn tại ở nước này vĩnh viễn. Ông Baker lo ngại nhà chức trách đã mất khả năng truy vết các ổ dịch khi số ca mắc đã tăng quá cao.
Phát biểu với báo giới, Tiến sĩ Caroline McElnay, phụ trách mảng y tế cộng đồng của Bộ Y tế New Zealand, cho rằng số ca nhập viện sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên bệnh nhân nhiễm Omicron có triệu chứng nhẹ hơn các bệnh nhân nhiễm Delta. Bà nói thêm rằng tình trạng gia tăng số bệnh nhân COVID-19 cũng như gia tăng số nhân viên y tế mắc bệnh này khiến nhà chức trách nới lỏng các quy định để nhân viên y tế trở lại bệnh viện làm việc. Bà nêu rõ các nhân viên y tế mắc COVID-19 chỉ tiếp xúc với các bệnh nhân cũng mắc bệnh này và chỉ khi không có lựa chọn nào khác. Bà nhấn mạnh: “Đây là một công cụ bổ sung, giúp hệ thống y tế có thể tiếp tục vận hành”.
Áo đình chỉ luật bắt buộc tiêm vaccine phòng COVID-19
Ngày 9/3, Chính phủ Áo cho biết nước này đang đình chỉ luật bắt buộc tất cả người trưởng thành phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, chỉ một tháng sau khi trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng quy định nghiêm ngặt trên.
Quốc gia 9 triệu dân này nằm trong số ít các nước trên thế giới yêu cầu bắt buộc người trưởng thành tiêm vaccine phòng COVID-19. Luật có hiệu lực từ tháng 2 vừa qua, áp dụng với tất cả người lớn, trừ phụ nữ mang thai và những người được miễn trừ vì lý do y tế. Theo đó, từ giữa tháng 3, những người không tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể bị phạt đến 3.600 euro (gần 4.000 USD).
Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Áo Johannes Rauch cho biết nhà chức trách sẽ tiến hành đánh giá thêm về biện pháp này theo các khía cạnh y tế công cộng và luật pháp trong vòng 3 tháng tới. Ông và Bộ trưởng Hiến pháp Karoline Edtstadler cũng nói rằng Áo có thể ban hành lại luật trên nếu cần thiết.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Edtstadler tuyên bố sau khi tham vấn với Bộ Y tế, bộ quyết định theo khuyến cáo của chuyên gia. Bà nêu rõ luật trên “vi phạm các quyền cơ bản” và không thể được biện minh bằng nguy cơ do đại dịch gây ra. Bà Edtstadler cũng cho biết thêm chính phủ nhận thấy thực sự không cần triển khai tiêm vaccine bắt buộc do biến thể Omicron đang phổ biến tại Áo.
Biến thể lây lan mạnh này được cho là gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. Đến nay, các bệnh viện tại Áo vẫn có thể đối phó với tình trạng số ca mắc tăng cao.
Ngày càng nhiều người tại Áo kêu gọi chính quyền xem xét lại luật nói trên, đặc biệt khi chính phủ vừa dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 trong những tuần gần đây. Tính đến hết ngày 8/3, Áo ghi nhận gần 3 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 15.000 ca tử vong kể từ đầu dịch.