COVID-19 tới 6h sáng 12/11: Ca mắc mới ở Đức lần đầu vượt 50.000; Một loạt nước châu Âu siết phòng dịch
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 468.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 252,5 triệu ca, trong đó trên 5,09 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc mới trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (50.133 ca), Anh (42.408 ca) và Nga (40.759 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.237 ca), Ukraine (652 ca) và Mỹ (511 ca).
Như vậy, trừ Mỹ, các quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất trong 24 giờ qua đều nằm ở châu Âu - châu lục lại một lần nữa trở thành tâm dịch COVID-19 của thế giới. Tới nay, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng trên 67,3 triệu ca mắc, trong đó trên 1,34 triệu ca tử vong.
Xét tổng số ca tích lũy từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia đứng đầu với trên 47,6 triệu ca mắc và trên 780.000 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với trên 34,4 triệu ca mắc và Brazil với trên 21,9 triệu ca mắc.
Trước bối cảnh dịch bùng phát trở lại, nhiều nước châu Âu buộc phải tính tới các biện pháp siết chặt phòng dịch COVID-19 khi bước vào mùa đông.
Nga chuẩn bị áp dụng quy định mới chống dịch COVID-19
Phát biểu với báo giới ngày 11/11, Ủy ban điều phối cuộc chiến chống COVID-19 của Nga cho biết Ủy ban này đang làm việc với các bộ ngành liên quan để soạn thảo dự luật quy định việc bắt buộc sử dụng mã QR ở các quán cà phê, phương tiện giao thông công cộng và cửa hàng. Dự kiến bộ luật này sẽ có hiệu lực cho tới tháng 6/2022.
Trước đó, người đứng đầu Ủy ban Giám sát và Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tinh thần con người (Rospotrebnadzor), bà Anna Popova cho biết mã QR đã được triển khai ở 77 khu vực trên toàn nước Nga. Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh việc hủy bỏ sử dụng mã QR và các hạn chế khác để chống COVID-19 chỉ có thể diễn ra sau khi đại dịch kết thúc.
Ca mắc mới lần đầu vượt 50.000, Đức cân nhắc siết chặt phòng dịch
Ngày 11/11, trong bài phát biểu trước Hạ viện về các đề xuất biện pháp mới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết Đức cần siết chặt các biện pháp phòng dịch nhằm ứng phó với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh và vượt qua dịch bệnh vào mùa Đông này.
Trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận 50.133 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày tại Đức vượt 50.000 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 221 ca. Tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua đã lên mức cao nhất từ trước đến nay là 249,1 ca nhiễm mới trên 100.000 dân.
Các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 10 vừa qua. Nguyên nhân được cho là do tỷ lệ tiêm phòng ở Đức còn thấp, chỉ hơn 67%. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành, Bộ trưởng Scholz nhận định cần phải mở lại các trung tâm vaccine trên cả nước và khuyến khích người dân đi tiêm phòng. Trong số các biện pháp được đề xuất còn có siết chặt các quy định xét nghiệm đối với các chủ lao động và áp dụng trở lại các biện pháp xét nghiệm kháng thể.
Tại một số khu vực của Đức, đặc biệt là miền Đông nước này, các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải, bắt đầu chuyển bớt bệnh nhân sang những vùng ít ảnh hưởng hơn. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhận định quốc gia này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới từ những người chưa tiêm phòng, đồng thời hối thúc người dân tiêm mũi tăng cường, kể cả khi họ đã tiêm đủ liều.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Đức có tổng cộng hơn 4,9 triệu dân đã tiêm phòng COVID-19. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h ngày 12/11 (giờ Việt Nam), Đức có tổng cộng 4,9 triệu ca nhiễm và trên 97.800 ca tử vong do COVID-19.
Chuyên gia khuyến nghị phong tỏa một phần Hà Lan
Nhằm kêu gọi chính phủ có biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, các chuyên gia Hà Lan đã khuyến nghị áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại quốc gia Tây Âu này.
Dự kiến chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte sẽ đưa ra quyết định về các biện pháp mới vào ngày 12/11 sau khi nhận được khuyến nghị của các chuyên gia trong Nhóm Quản lý dịch bệnh. Trong số các biện pháp được cân nhắc lần này có việc hủy các sự kiện, đóng cửa nhà hát và rạp chiếu phim, điều chỉnh thời gian đóng cửa của các nhà hàng và quán cà phê. Các trường học vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Sau khi triển khai tiêm phòng rộng rãi, nhiều quốc gia phát triển đã không xem xét phương án phong tỏa dù số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trở lại. Một số quốc gia như Anh quyết định tiêm mũi tăng cường cho người dân, tránh để hệ thống y tế bị quá tải trong mùa Đông này. Cho đến nay, Hà Lan mới chỉ tiêm mũi tăng cường cho nhóm người có hệ miễn dịch yếu. Mặc dù tỷ lệ tiêm phòng đối với người trưởng thành ở Hà Lan là 85%, song nhiều bệnh viện nước này đã buộc phải thu hẹp quy mô khám chữa bệnh thông thường để tập trung điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Tuần trước, Hà Lan đã tái áp đặt quy định đeo khẩu trang và mở rộng danh sách các địa điểm cần phải có chứng nhận tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính mới được tiếp cận. Tính đến ngày 11/11, Hà Lan có tổng cộng 2,25 triệu ca nhiễm và trên 18.600 ca tử vong do COVID-19.
Ca mắc ở Hàn Quốc tiếp tục tăng
Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 2.520 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên con số 388.351.
Đây cũng là lần đầu tiên trong 6 ngày qua, số ca lây nhiễm ghi nhận theo ngày ở nước này vượt quá 2.400 trường hợp. Số ca COVID-19 ghi nhận hằng ngày ở Hàn Quốc đã ở mức 4 con số kể từ ngày 7/7 vừa qua, trong đó bao gồm cả mức thống kê cao kỷ lục là 3.272 trường hợp vào ngày 25/9.
Cũng trong ngày 11/11, số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng thêm 21 trường hợp, lên tổng cộng 3.033 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong là 0,78%.
Trước tình hình này, giới chức chống dịch Hàn Quốc nhận định nước này có thể sẽ không thực hiện kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 như đã định.
Trung Quốc: Bắc Kinh phong tỏa nhiều địa điểm để phòng dịch COVID-19
Ngày 11/11, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã yêu cầu đóng cửa một trung tâm thương mại lớn và một số khu dân cư để thực hiện công tác kiểm dịch COVID-19 trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh mới tấn công nước này đã lan đến một số quận trung tâm thủ đô.
Thời gian qua, Trung Quốc đã thực hiện khá thành công việc kiểm soát các ổ dịch với các đợt phong tỏa nhanh, xét nghiệm trên diện rộng và hạn chế đi lại. Tuy nhiên, giới chức nước này vẫn cảnh giác cao độ sau khi ghi nhận tình trạng gia tăng các ổ dịch mới tại các địa phương và có yếu tố lây lan do hoạt động di chuyển trong nước trong tháng qua.
Sáng 11/11, giới chức y tế Trung Quốc phát hiện 6 ca mắc mới tại các quận trung tâm của thủ đô Bắc Kinh là Triều Dương và Hải Điện. Tất cả những ca bệnh này đều là các trường hợp tiếp xúc gần với những người bệnh được xác định trước đó ở tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc Trung Quốc. Từ tối 10/11, giới chức quận Đông Thành ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh đã tiến hành phong tỏa trung tâm thương mại Raffles City sau khi ghi nhận các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh từng tới khu vực này. Theo đó, tất cả nhân viên và khách hàng có mặt trong tòa nhà thời điểm đó đều được yêu cầu ở lại để tiến hành xét nghiệm. Hiện trung tâm thương mại này vẫn đóng cửa.
Trong khi đó, 4 khu dân cư, một trường tiểu học và một tòa nhà văn phòng cũng được yêu cầu phong tỏa từ sáng 11/11, theo đó hàng chục nghìn cư dân trong các khu vực này không được phép ra ngoài và sẽ được xét nghiệm COVID-19. Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhân viên địa phương đã chuẩn bị nhiều túi thực phẩm để đưa vào các khu phong tỏa tạm thời.
Ngày 10/11, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 47 ca mắc mới COVID-19 trong nước và 15 ca nhập cảnh. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục ghi nhận từ khi dịch bùng phát vào cuối năm 2019 đến nay là 98.001 ca, trong đó có 4.636 ca tử vong. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm phòng cho 80% dân số vào cuối năm nay. Hiện nước này đã sử dụng 2,355 tỷ liều vaccine phòng COVID-19.
Israel diễn tập ứng phó dịch bệnh ở quy mô quốc gia
Ngày 11/11, Israel đã tổ chức một cuộc diễn tập quy mô quốc gia, do đích thân Thủ tướng Naftali Bennett chỉ đạo, nhằm kiểm tra khả năng ứng phó nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19, do sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Cuộc diễn tập mang tên “Chiến dịch Omega” được tiến hành tại Trung tâm Quản lý Quốc gia tại Jerusalem, một cơ sở được Israel lập ra để phục vụ hoạt động lãnh đạo điều hành đất nước trong thời gian khủng hoảng nghiêm trọng. Chủ trì điều hành diễn tập là một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng, ngoài ra còn có sự tham gia của lãnh đạo tất cả các bộ, ngành liên quan, các cơ quan chức năng và các tổ chức chuyên môn khác.
Cuộc diễn tập được chia thành 3 phiên theo hình thức của một cuộc chiến giả định chống lại một biến thể mới có tên là Omega, qua đó kiểm tra khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức ở cấp cao và hoạt động của các hệ thống chuyên môn trong các tình huống khủng hoảng cao độ. Các yếu tố được đưa vào xem xét bao gồm khả năng thực thi chính sách, bảo đảm y tế, cơ chế pháp lý, vận hành kinh tế, duy trì an ninh, giáo dục, các hoạt động ở sân bay và cửa khẩu, công tác thông tin tuyên truyền. Sau mỗi phiên đều có các cuộc họp đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi tiến hành phiên tiếp theo.
Trong cuộc diễn tập kéo dài một ngày, Thủ tướng Bennett và các trợ lý cấp cao đã ẩn náu trong một hầm tránh bom được xây dựng cách đây hơn một thập kỷ.
Trong khi đó, sau một thời gian cân nhắc và thăm dò dư luận, Israel đã quyết định thông qua đề xuất của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11.
Thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết vaccine được sử dụng là của Pfizer, liều dành cho trẻ em, trước đó đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép. Israel đã đặt hàng loại vaccine này và dự kiến lô đầu tiên sẽ có trong tuần tới. Liều dùng vaccine của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi bằng 1/3 liều dùng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Để tránh nhầm lẫn, vaccine cho nhóm tuổi 5-11 được đóng trong lọ có nắp màu cam, trong khi liều dành cho người từ 12 tuổi trở lên được đóng bằng nắp màu tím.
Quyết định trên được một hội đồng chuyên gia phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ Israel bỏ phiếu kín. Trước đó, Chính phủ Israel đã tiến hành nhiều cuộc thăm dò dư luận, mời người dân tham gia thảo luận và đặt câu hỏi trực tiếp với các chuyên gia về tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm vaccine cho trẻ em.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định chiến dịch tiêm phòng cho trẻ em sẽ “rất khó khăn” do vấp phải sự phản đối từ nhiều phụ huynh. Giáo sư dịch tễ học Nadav Davidovitch thậm chí dự báo sẽ chỉ có khoảng trên 50% trẻ em trong độ tuổi trên sẽ đi tiêm chủng. Nếu dịch COVID-19 tái bùng phát, đây sẽ là một nguy cơ lớn đối với trẻ em, nhất là ở các cộng đồng tụt hậu về kinh tế xã hội.
Theo thống kê của Bộ Y tế Israel, tính đến ngày 10/11, đã có hơn 4 triệu người nước này, chiếm 42% dân số, được tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 phòng COVID-19, và trên 5,7 triệu người đã được tiêm ít nhất 2 mũi.