COVID-19 tới 6h sáng 27/3: Thế giới thêm 2.800 ca tử vong; Ca mắc mới ở Hàn Quốc cao nhất
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 2.800 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 480,8 triệu ca, trong đó trên 6,14 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (335.479 ca), Đức (151.665 ca) và Pháp (139.517 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (395 ca), Hàn Quốc (323 ca) và Mexico (202 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,6 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,8 triệu ca mắc và trên 658.000 ca tử vong.
Trung Quốc: Thành phố Thượng Hải nỗ lực tránh phong tỏa toàn diện vì đại dịch COVID-19
Ngày 26/3, Thượng Hải, thành phố lớn nhất tại Trung Quốc, tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh. Tuy nhiên, giới chức thành phố khẳng định chính quyền sẽ nỗ lực để tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện do lo ngại những tác động kinh tế của biện pháp này.
Trung Quốc đang đương đầu với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng do sự xuất hiện của biến thể Omicron lây lan nhanh, khiến số ca mắc mới hằng ngày tăng nhanh chưa từng thấy. Dù các số liệu ghi nhận còn thấp so với nhiều quốc gia khác, nhưng một số thành phố tại nước này đã áp dụng biện pháp phong tỏa toàn diện nhằm chặn đứng chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, thành phố Thượng Hải đặt mục tiêu giảm thiểu gián đoạn với việc áp dụng các biện pháp trọng điểm, như phong tỏa 48 giờ tại các vùng dân cư riêng lẻ và thực hiện xét nghiệm trên diện rộng trong khi vẫn duy trì phần lớn các hoạt động kinh tế ở thành phố 25 triệu dân.
Phát biểu tại cuộc họp báo hằng ngày, chuyên gia y tế Wu Fan thuộc Ủy ban phòng chống dịch COVID-19 của Thượng Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động kinh tế tại thành phố cảng này, nêu rõ nếu phong tỏa toàn thành phố, nhiều tàu chở hàng quốc tế sẽ phải lênh đênh trên biển. Điều này không chỉ tác động tới nền kinh tế Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Trước đó, giới chức Thượng Hải cũng thông báo sẽ phát các bộ xét nghiệm COVID-19 cho người dân trong thành phố nhằm tăng cường nỗ lực ứng phó đại dịch tại đây.
Cũng trong ngày 26/3, tỉnh Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc cũng thông báo phát 500.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân. Cát Lâm và Thượng Hải là những khu vực đang chịu tác động mạnh nhất trong đợt bùng phát dịch bắt đầu từ đầu tháng 3 tại Trung Quốc.
Ngày 26/3, Trung Quốc ghi nhận 5.600 ca mắc mới trong nước, hầu hết là không triệu chứng. Trong đó, Thượng Hải ghi nhận 2.269 ca mắc mới, cao nhất từ trước tới nay và chiếm 40% tổng số ca mắc trên cả nước. Hồi giữa tuần qua, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm tại Thượng Hải Zhang Wenhong đã kêu gọi cân đối các biện pháp phòng dịch và duy trì cuộc sống bình thường.
Cùng ngày, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết các nỗ lực nhằm kiểm soát dịch COVID-19 của đặc khu sẽ tập trung vào các viện dưỡng lão và những người sống trong những cơ sở này.
Phát biểu tại họp báo, bà Lâm cho biết sau khi cân nhắc các khuyến nghị của các chuyên gia từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong đã tập trung các nỗ lực phòng chống dịch vào mục tiêu giảm số ca tử vong, ca bệnh nặng và ca nhiễm từ đầu tháng 3, ưu tiên chăm sóc cho người cao tuổi. Theo bà Lâm, đối với làn sóng dịch bệnh thứ 5 hiện nay hay với bất kỳ làn sóng dịch bệnh nào khác trong tương lai, chính quyền đặc khu xác định cần bảo vệ tốt hơn các viện dưỡng lão và người cao tuổi, một trong những điều quan trọng nhất cần làm là tăng tỷ lệ tiêm phòng COVID-19.
Hiện 56% cư dân trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng bệnh và khoảng 40% không tiêm vì từng mắc bệnh. Các đội ngũ y tế sẽ đến các cơ sở này trong tháng tới để tiêm mũi đầu cho những người đã khỏi và mũi 2 cho những người đã tiêm mũi đầu. Ngày 26/3, Hong Kong ghi nhận 8.841 ca mắc mới, lần đầu giảm xuống mức 10.000 ca kể từ cuối tháng 2.
Malaysia ghi nhận thêm gần 22.000 ca mắc mới
Tại Đông Nam Á, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 21.839 ca mắc mới, trong đó có 21.552 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên là 4.101.081 ca.
Malaysia cũng ghi nhận thêm 52 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên là 34.717 ca. Hiện còn 247.065 người chưa khỏi, trong đó có 291 bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt.
Theo Bộ Y tế Malaysia, 84,1% dân số nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng bệnh, 79% đã được tiêm các mũi cơ bản và 47,8% đã được tiêm mũi tăng cường.
Số ca mắc COVID-19 tại Anh tiếp tục tăng cao
Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), số ca mắc COVID-19 mới tại Anh đã tăng 1 triệu ca trong tuần kết thúc vào ngày 19/3 lên 4,3 triệu ca.
Dữ liệu của ONS cho hay kết quả xét nghiệm PCR cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 tại Anh hiện ở mức 1/16 người trong bối cảnh biến thể phụ BA.2 của Omicron lây lan nhanh tại nước này.
Tất cả các vùng của Anh, trừ Bắc Ireland, đều ghi nhận tỷ lệ ca mắc mới gia tăng, đặc biệt ở Scotland, nơi tỷ lệ mắc COVID-19 đạt kỷ lục mới với 1/11 người.
Vào tuần trước đó, số ca mắc COVID-19 tại Anh là 3,3 triệu ca.
Số liệu mới nhất này được cho là phản ánh chính xác nhất về tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Các chuyên gia cho biết số ca mắc mới tăng cao đồng nghĩa với việc số ca nhập viện do COVID-19 cũng sẽ tăng, mặc dù vaccine giúp ngăn chặn nhiều trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng.
Theo số liệu mới nhất, 17.440 bệnh nhân COVID-19 nhập viện vào ngày 24/3. Khoảng 50% trong số này nhập viện vì nguyên nhân khác thay vì COVID-19, mặc dù xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chỉ hơn 300 người trong số này cần đến chăm sóc đặc biệt với máy thở.
Giám đốc y tế vùng Enland, Giáo sư Chris Whitty, hồi đầu tuần cho biết mặc dù COVID-19 đang gây áp lực cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), tỷ lệ lây truyền cao của virus không gây nên nhiều ca chăm sóc đặc biệt và tử vong. Trong khi đó, số nhân viên y tế tại các các bệnh viện của NHS ở Anh phải nghỉ làm do mắc COVID-19 đã tăng 31% trong tuần tính đến ngày 13/3. Khoảng hơn 23.000 nhân viên tại các bệnh viện NHS- chiếm 2% tổng số nhân lực y tế của Anh- phải nghỉ làm do mắc COVID-19 hoặc đang tự cách ly.
Hiện những người từ 75 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch tại Anh có thể đăng ký tiêm mũi tăng cường thứ 2 nhằm tăng khả năng bảo vệ chống COVID-19.
Ireland có số ca mắc COVID-19 tăng sau khi nới lỏng phòng dịch
Ngày 26/3, Bộ Y tế Ireland cho biết đã ghi nhận 9.147 ca mắc mới COVID-19, mức cao kể từ khi nước này dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang hồi cuối tháng 2.
Bộ trên cho biết thêm số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện cũng tăng lên mức cao mới với 1.466 ca. Ireland cũng ghi nhận 55 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực, cao hơn so với con số 47 ca của tháng trước.
Theo ông Kingston Mills, Giáo sư về miễn dịch thực nghiệm tại Trường Trinity, việc nới lỏng một số biện pháp phòng dịch, trong đó có đeo khẩu trang, cùng với sự lây lan của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đã khiến số ca mắc gia tăng mạnh tại Ireland. Ông Mills cho rằng số ca mắc COVID-19 gia tăng là không thể tránh khỏi bởi rất khó để có thể ngăn chặn sự lây nhiễm từ một người không đeo khẩu trang.
Kể từ cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ Ireland đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang tại không gian kín công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng. Kể từ đó, số ca mắc và nhập viện tại nước này đã gia tăng.
Số ca mắc tại Đức có thể gấp 2 lần so với thống kê
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cho rằng số ca mắc COVID-19 tại nước này trên thực tế có thể gấp đôi so với con số thống kê.
Tại buổi họp báo, ông Lauterbach cho rằng còn nhiều ca mắc COVID-19 song không báo cáo. Theo thống kê Viện Robert Koch (RKI), trong vòng 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận 151.665 ca mắc mới. Tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong 7 ngày qua đã tăng nhẹ lên ở mức 1.756 trên mỗi 100.000 dân.
Bộ trưởng Lauterbach cho biết thêm số ca tử vong vẫn ở mức cao, khoảng 300 ca/ngày, và cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải là không thể chấp nhận được. Ông cho rằng trong tình hình hiện nay, không thể chờ đợi mà phải hành động để ứng phó với nguy cơ về y tế có thể xảy ra.
Ông Lauterbach bảo vệ quyết định nới lỏng biện pháp phòng dịch hiện nay ở Đức, song cũng kêu gọi chính quyền các bang tái áp đặt các biện pháp tại các điểm nóng về dịch bệnh.
Tính đến 24/3, gần 76% dân số Đức đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 và ít nhất 48,6 triệu người đã tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn 19,5 triệu người tại nước này chưa tiêm vaccine.
WHO kêu gọi châu Phi không lơ là phòng dịch
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Phi không lơ là cảnh giác với dịch bệnh COVID-19 sau khi nhiều nước tại đây đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, nêu rõ đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và các nước chỉ nên xem xét giảm bớt các biện pháp phòng ngừa một cách thận trọng. Việc dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng không có nghĩa là không cần cảnh giác với dịch bệnh.
Tiến sĩ Moeti cũng bày tỏ lo ngại về việc một nửa số nước châu Phi đã ngừng truy vết các trường hợp nhiễm bệnh và hối thúc các nước trong khu vực đẩy mạnh tiêm chủng, dù số ca mắc mới đã giảm đáng kể từ mức đỉnh dịch hồi tháng 1 vừa qua.
Tính đến 27/3, toàn châu Phi ghi nhận trên 11,6 triệu ca mắc COVID-19 với khoảng 252.000 ca trong số này tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng nhìn chung rất thấp.