COVID-19 tới 6h sáng 7/5: Thế giới thêm 1.700 ca tử vong; Thượng Hải kiểm soát thành công sóng dịch
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 465.000 ca mắc COVID-19 và trên 1.700 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 516 triệu ca, trong đó trên 6,27 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (86.026 ca), Mỹ (49.615 ca) và Italy (43.947 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (258 ca), Anh (228 ca) và Mỹ (141 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 523.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,5 triệu ca mắc và trên 664.000 ca tử vong.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc giảm xuống mức 20.000
Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận ngày 6/5 tại Hàn Quốc đã giảm xuống mức 20.000 ca, so với mức trên 40.000 ca một ngày trước đó, trong bối cảnh nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế để tiến tới trở lại trạng thái bình thường trước khi dịch bùng phát.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này có thêm 26.714 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 28 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc lên 17.464.782 ca. Con số này giảm đáng kể so với 42.296 ca mắc mới ghi nhận ngày 5/5 và 50.556 ca một tuần trước. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 48 ca tử vong do COVID-19, nâng số bệnh nhân không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 23.206 người. Tỷ lệ tử vong là 0,13%.
Tính đến ngày 6/5, đã có 44,55 triệu người tại Hàn Quốc, tương đương 86,8% dân số, đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 33,16 triệu người đã được tiêm mũi nhắc lại đầu tiên; 2,6 triệu người đã tiêm mũi nhắc lại lần hai (mũi thứ tư).
Trung Quốc: Thượng Hải đã kiểm soát thành công làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất
Thành phố Thượng Hải ngày 6/5 cho biết đã kiểm soát hiệu quả làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất Trung Quốc sau 1 tháng phong tỏa gần 25 triệu dân. Chính quyền thành phố cam kết duy trì chiến lược "Không COVID" bất chấp cái giá phải trả về kinh tế đang ngày càng lớn.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Thị trưởng Thượng Hải, ông Ngô Thanh (Wu Qing) cho biết số ca nhiễm mới tại trung tâm tài chính này đã giảm liên tiếp kể từ ngày 22/4. Ông Ngô Thanh cho biết: "Hiện tình hình phòng và kiểm soát dịch bệnh của thành phố đã được cải thiện và dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả". Ông cũng nhấn mạnh vẫn có nguy cơ dịch tái bùng phát và thành phố Thượng Hải chưa thể bỏ chiến lược "Không COVID năng động".
Virus SARS-CoV-2 đã được xác định lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc cuối năm 2019. Chiến lược mà Trung Quốc áp dụng để chiến đấu chống dịch - gồm xét nghiệm hàng loạt, cách ly nghiêm ngặt và phong tỏa không ngoại lệ - đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay.
Hiện khoảng 2,3 triệu cư dân Thượng Hải vẫn đang ở trong các khu vực có nguy cơ cao và bị phong tỏa, 16,67 triệu người khác đang ở các "vùng phòng vệ" có nguy cơ thấp hơn, đồng nghĩa với việc về lý thuyết họ có thể ra khỏi nhà.
Thượng Hải đã ghi nhận 4.024 ca nhiễm mới không triệu chứng trong ngày 5/5, giảm so với 4.390 ca ngày 4/5. Số ca mắc COVID-19 có triệu chứng là 245 ca, giảm so với 261 ca trước đó một ngày. Số ca tử vong giảm từ 13 xuống còn 12 ca.
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn mới trong ứng phó với đại dịch COVID-19 với các biện pháp phản ứng nhanh chóng và can thiệp sớm để ngăn ngừa biến thể Omicron rất dễ lây lan và khó nắm bắt.
Phát biểu với báo giới ngày 6/5 tại thủ đô Bắc Kinh, ông Liang Wannian, người đứng đầu nhóm chuyên gia về COVID-19 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết trong giai đoạn mới chống dịch này, bắt đầu từ tháng 3, chính quyền thực hiện các biện pháp kiên quyết và nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng, bao gồm quản lý các nguồn lây nhiễm, cắt đứt các chuỗi lây truyền và bảo vệ các nhóm cư dân dễ bị tổn thương. Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều bệnh viện, nhiều cơ sở được chuyển đổi công năng thành nơi chăm sóc y tế và các khu cách ly được lập ra để sẵn sàng phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tại các địa điểm hoặc cơ sở đông dân cư như viện dưỡng lão cho người cao tuổi.
Hiện các cơ quan chức năng Trung Quốc đang thiết lập hàng nghìn điểm xét nghiệm PCR tại các thành phố lớn. Riêng tại Thượng Hải - trung tâm tài chính và thương mại lớn của Trung Quốc đại lục, đã có 9.000 điểm xét nghiệm được thiết lập và có 5.000 điểm đã đi vào hoạt động. Các điểm xét nghiệm được đặt tại khu dân cư, công viên, tòa nhà văn phòng, lối vào ga tàu hỏa hoặc trạm tàu ngầm. Mỗi người sẽ mất 15 phút làm xét nghiệm.
Nhiều thành phố khác của nước này cũng sẽ thực hiện các biện pháp tương tự Thượng Hải để kiểm soát dịch bệnh.
Indonesia đánh giá để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu
Chính phủ Indonesia cho biết sẽ xem xét chuyển từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu dựa vào kết quả đánh giá tình hình dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ kéo dài Eid Al-Fitr kết thúc ngày 8/5 tới.
Thông tin trên được ông Abraham Wirotomo - quan chức Văn phòng Tham mưu Tổng thống, đưa ra sau khi chính phủ nước này thông báo đã chuẩn bị các kế hoạch để chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh dịch đặc hữu.
Phát biểu họp báo, ông Abraham cho biết Chính phủ Indonesia sẽ chờ đánh giá về tình hình dịch bệnh một vài tuần sau lễ Eid Al-Fitr. Ông bày tỏ hy vọng số ca mắc mới của Indonesia sẽ không gia tăng như ở các quốc gia khác.
Ông Abraham cho biết đại dịch COVID-19 ở Indonesia đã nằm trong tầm kiểm soát 7 tuần qua, với tỷ lệ lây nhiễm (Rt) ở dưới mức 1 và số ca mắc mới liên tục giảm.
Riêng trong ngày 6/5, Indonesia chỉ ghi nhận 245 ca mắc mới và 17 ca tử vong.
Phần Lan mở rộng đối tượng tiêm mũi vaccine thứ tư
Viện Y tế và Phúc lợi xã hội Phần Lan (THL) khuyến cáo các chính quyền địa phương triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ tư cho những người đang được chăm sóc tại nhà, cũng như những người cao tuổi bị suy giảm miễn dịch.
THL nêu rõ khuyến cáo trên căn cứ vào cơ sở dữ liệu theo dõi cập nhật về COVID-19 và hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine cũng như ý kiến của Nhóm Chuyên gia vaccine. Trước đó, cơ quan chức năng khuyến cáo tiêm vaccine mũi thứ tư cho những người trên 12 tuổi bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, những người trên 80 tuổi và tất cả những người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão.
Tại Phần Lan, 87,5% số người trên 18 tuổi đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi khoảng 51% số người trên 80 tuổi đã được tiêm mũi thứ tư, cách mũi thứ ba 3 tháng.
Giám đốc nghiên cứu tại THL, bà Merit Melin cho biết các liều vaccine tăng cường cho thấy lợi ích về sức khỏe rõ ràng hơn trong các đợt bùng phát dịch bệnh so với giai đoạn hiện nay khi số ca mắc mới COVID-19 giảm dần. Số liệu thống kê cho thấy số ca mắc mới COVID-19 tại quốc gia Bắc Âu này tiếp tục giảm trong 5 tuần liên tiếp, song số ca tử vong lại tăng. Trong 2 tuần cuối tháng 4 vừa qua, đã có 600 người cần chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa, 38 người cần chăm sóc tích cực và 474 người đã tử vong. THL dự báo số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại vào mùa Thu và hối thúc các cơ quan dịch vụ y tế chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với đợt dịch mới.
Australia thử nghiệm tiêm mũi tăng cường phòng COVID-19 liều thấp
Một cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 liều lượng thấp quy mô toàn cầu chuẩn bị được triển khai ở bang Victoria của Australia. Cuộc thử nghiệm này nhằm củng cố hệ miễn dịch, giúp giảm các tác dụng phụ và đảm bảo nguồn cung vaccine dồi dào.
Theo kế hoạch, sẽ có 3.800 tình nguyện viên từ các nước Australia, Indonesia, Mông Cổ tham gia chương trình thử nghiệm mũi tăng cường liều thấp quy mô lớn này. Trong khi đó, theo thông báo ra ngày 6/5 của Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch (MCRI), cuộc thử nghiệm sắp diễn ra này sẽ có sự tham gia của 800 tình nguyện viên tại bang Victoria.
Đại diện của MCRI cho biết chương trình này sẽ tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech với liều lượng 15 microgram, giảm một nửa so với liều lượng ban đầu là 30 microgram. Đối với vaccine của hãng Moderna, liều lượng sẽ là 20 microgram thay vì 50 microgram. Sau khi tiêm chủng, những tình nguyện viên buộc phải thực hiện xét nghiệm máu 4 lần nhằm đánh giá mức độ kháng thể. Toàn bộ kết quả xét nghiệm sẽ được đăng tải trên hệ thống theo dõi trực tuyến trong 7 ngày và những người tham gia sẽ nhận được các cuộc gọi để tư vấn về các phản ứng phụ mà họ gặp phải.
Giáo sư Kim Mulholland, phụ trách chương trình thử nghiệm, khẳng định tầm quan trọng của chương trình trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tình trạng hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian. Ông nhấn mạnh cuộc thử nghiệm này sẽ đánh giá cách thức tốt nhất để tiêm các mũi tăng cường cho người dân và khoảng cách giữa các mũi tăng cường sau này. Giáo sư Mulholland nói thêm cuộc thử nghiệm này không chỉ cho phép các nước đảm bảo nguồn cung vaccine và giảm chi phí, mà còn có thể hiểu hơn về các phản ứng phụ trong trường hợp tiêm liều lượng thấp. Chương trình thử nghiệm của MCRI cũng sẽ đánh giá liệu mũi tiêm vaccine cơ bản và mũi vaccine tăng cường của hai hãng khác nhau có tạo ra kháng thể mạnh hơn hay không.
Dự án thử nghiệm trên nhận được sự tài trợ của Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) với số tiền 12,3 triệu AUD (khoảng 8,8 triệu USD).