Covid-19: Tranh cãi về thời điểm tái mở cửa kinh tế

Một số nước cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, biện pháp phong tỏa...

Tranh cãi đang xuất hiện xoay quanh thời điểm nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa giữa lúc kinh tế nhiều nước chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19).

Quan điểm của chính phủ một số nước là hiện vẫn còn quá sớm để nới lỏng các quy định giãn cách xã hội hoặc mở cửa lại kinh tế ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu giảm bớt. Giới chức Hàn Quốc lo ngại những tiến triển đạt được trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể bị đe dọa bởi nguy cơ bùng phát các ca nhiễm mới tại các địa điểm vui chơi, giải trí. Theo Thủ tướng Chung Sye-kyun, các quan chức nước này đang thảo luận những hướng dẫn mới về việc cho phép người dân tham gia trở lại vào các hoạt động kinh tế - xã hội ở mức độ nhất định nào đó trong lúc vẫn duy trì khoảng cách để làm chậm lại sự lây lan của virus gây bệnh Covid-19 (SARS-CoV-2).

Trong khi đó, các quan chức Úc và New Zealand cho rằng giờ chưa phải lúc xem xét những bước đi nói trên ngay cả khi số ca nhiễm mới tại hai nước này giảm đáng kể. Giám đốc Y tế Úc Brendan Murphy cho đài ABC biết chính phủ nước này có thể bắt đầu xem xét chuyện nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã được thực thi trong những tuần tới. Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói quyết định có gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc (được áp đặt từ cuối tháng 3) hay không sẽ được đưa ra vào ngày 20-4.

Người dân được tặng khẩu trang miễn phí tại TP Ronda - Tây Ban Nha hôm 13-4 Ảnh: REUTERS

Người dân được tặng khẩu trang miễn phí tại TP Ronda - Tây Ban Nha hôm 13-4 Ảnh: REUTERS

Không quá thận trọng như các nước nói trên, một số quốc gia bắt đầu xem xét kế hoạch nới lỏng một số biện pháp hạn chế để giúp giảm bớt tổn thất kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Theo Reuters, chính phủ Ấn Độ có kế hoạch khởi động lại một số hoạt động sản xuất ngay cả khi lệnh phong tỏa toàn quốc nhiều khả năng được gia hạn đến cuối tháng 4. Một số nguồn tin chính phủ tiết lộ Thủ tướng Narendra Modi đã lệnh một số bộ soạn thảo kế hoạch mở cửa lại một số ngành công nghiệp chủ chốt sau ngày 15-4 trong bối cảnh sinh kế của người nghèo đang bị ảnh hưởng. Bộ Công nghiệp Ấn Độ đề nghị tái khởi động một số hoạt động sản xuất trong ngành ôtô, dệt may, quốc phòng, điện tử và một số lĩnh vực khác.

Còn tại châu Âu, sự sụt giảm của số ca nhiễm mới cho phép chính phủ một số nước thăm dò những bước đi nới lỏng các biện pháp hạn chế, phong tỏa. Theo trang Bloomberg, chính phủ Tây Ban Nha cho phép một số công nhân trở lại nhà máy và công trình xây dựng từ ngày 13-4. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa trấn an rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt có thể kéo dài ít nhất thêm vài tuần nữa.

Vấn đề khi nào mở cửa lại nền kinh tế cũng đang gây nhiều tranh luận tại Mỹ. Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, hôm 12-4 nhận định một số nơi ở Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng hạn chế vào tháng 5. Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Fauci cho rằng các vùng ở Mỹ sẽ có những thời điểm "mở cửa trở lại" khác nhau. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng bày tỏ tin tưởng vào khả năng nền kinh tế được mở cửa lại trong tháng 5.

Dù vậy, ông Stephen Hahn, Ủy viên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để nói về điều này. Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia y tế cho rằng Mỹ cần tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và điều này đóng vai trò quan trọng trong việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đang được thực thi. Theo ông Hahn, hơn 2 triệu lượt xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đã được thực hiện cho đến giờ nhưng còn nhiều người cần vẫn chưa được xét nghiệm.

WHO: 70 vắc-xin Covid-19 đang được phát triển

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cho biết hiện có 70 vắc-xin phòng Covid-19 được phát triển trên toàn thế giới và 3 loại trong số này đang được thử nghiệm trên cơ thể người. Đi đầu trong tiến trình thử nghiệm này là loại vắc-xin do Công ty CanSino Biologics và Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh (đều ở Trung Quốc) đồng phát triển và hiện ở giai đoạn 2. Hai vắc-xin còn lại, được phát triển bởi hai công ty công nghệ sinh học Mỹ là Moderna và Inovio Pharmaceuticals, có tên mã lần lượt là mRNA-1273 và INO-4800.

Moderna cho biết họ được cấp phép thử nghiệm nhanh chóng sản phẩm của mình trên cơ thể người vào tháng 3, bỏ qua giai đoạn nhiều năm thử nghiệm trên động vật vốn được xem là tiêu chuẩn trong việc phát triển vắc-xin. Bà Jennifer Haller, 43 tuổi, được tiêm mRNA-1273 tại TP Seattle - Mỹ vào ngày 16-3, qua đó trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19. Đến đầu tháng 4, Công ty Inovio Pharmaceuticals bắt đầu thử nghiệm lâm sàng INO-4800 tại TP Philadelphia và TP Kansas - Mỹ. Theo đài Al Jazeera, họ cũng đang hợp tác với các nhà nghiên cứu Trung Quốc để sớm tiến hành các cuộc thử nghiệm tương tự tại quốc gia này.

Theo trang Bloomberg ngày 13-4, ngành công nghiệp dược phẩm đang rút ngắn thời gian để đưa vắc-xin phòng Covid-19 ra thị trường trong năm tới. Thông thường, việc này phải mất 10-15 năm. Cuộc đua này đang thu hút một số công ty dược phẩm cả lớn lẫn nhỏ. Theo tài liệu của WHO, các tên tuổi như Pfizer (Mỹ) và Sanofi (Pháp) cũng đưa sản phẩm của họ vào giai đoạn tiền lâm sàng. Cao Lực

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tranh-cai-ve-thoi-diem-tai-mo-cua-kinh-te-20200413211706531.htm