Covid-19: Trung Quốc đổi cách tính liên tục, WHO nói 'bình thường'

Tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc đã thay đổi cách tính tổng số ca nhiễm bệnh mới và đây là lần thứ 3 tỉnh này thay đổi cách thống kê số liệu về dịch Covid-19 trong tháng này.

Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc chiều 21-2 tuyên bố tổng số ca nhiễm bệnh mới được xác nhận trong ngày 20-2 là 631 trường hợp thay vì 411 trường hợp như số liệu công bố vào đầu ngày. Con số chênh lệch hơn 200 trường hợp là do cộng thêm số ca nhiễm bệnh trong các nhà tù của tỉnh. Đồng thời, ủy ban này cũng sửa đổi số ca nhiễm bệnh mới trong ngày 19-2 lên 775, thay vì 349 như báo cáo trước đó.

Trước đó một ngày, chính quyền tỉnh Hồ Bắc cho biết họ sẽ bổ sung một số trường hợp nhiễm bệnh sau khi điều chỉnh phương pháp đếm, bao gồm các trường hợp khi xét nghiệm di truyền và chụp CT phổi.

Theo hãng Reuters, thay đổi quan trọng trong tiêu chí chẩn đoán là chấm dứt gộp chung ca chẩn đoán lâm sàng, điển hình là chụp X-quang phổi hoặc kết luận của bác sĩ dựa trên triệu chứng ở bệnh nhân, vào danh sách ca dương tính với virus corona chủng mới thông qua xét nghiệm.

Hồ Bắc thay đổi cách tính ca nhiễm bệnh mới khiến số liệu trong ngày 20-2 chênh lệch hơn 200 trường hợp. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Hồ Bắc thay đổi cách tính ca nhiễm bệnh mới khiến số liệu trong ngày 20-2 chênh lệch hơn 200 trường hợp. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Ngày 19-2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ra chỉ đạo, yêu cầu chỉ công nhận các ca nhiễm nếu xét nghiệm axit nucleic cho kết quả dương tính. Những người được chuẩn đoán lâm sàng chỉ được coi là "nghi nhiễm".

Thời điểm đó, Trung Quốc giải thích thay đổi này là do họ đã cải thiện năng lực xét nghiệm. Vương Quý Cường, giám đốc Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm thuộc Hiệp hội Y khoa Trung Quốc, cho biết: "Để xử lý sự mâu thuẫn giữa chẩn đoán và điều trị, Hồ Bắc ban đầu đưa ra tiêu chí chẩn đoán lâm sàng để điều trị kịp thời cho bệnh nhân nhiều khả năng nhiễm virus và giảm tỉ lệ tử vong.

Nhưng giờ tình hình ở Hồ Bắc đã thay đổi. Khả năng xét nghiệm axit nucleic đã được cải thiện rất nhiều. Giờ tất cả trường hợp nghi nhiễm hoặc trường hợp chưa được xác nhận có thể được xét nghiệm axit nucleic nhanh chóng. Xét nghiệm axit nucleic không còn là vấn đề nữa".

Có thông tin rằng nhiều nơi ở Trung Quốc thiếu dụng cụ xét nghiệm và kết quả không chính xác. Ảnh: REUTERS

Có thông tin rằng nhiều nơi ở Trung Quốc thiếu dụng cụ xét nghiệm và kết quả không chính xác. Ảnh: REUTERS

Một số nhà khoa học chỉ ra xét nghiệm axit nucleic có thể cho kết quả âm tính giả, để sót bệnh nhân. Có thông tin rằng nhiều nơi ở Trung Quốc thiếu dụng cụ xét nghiệm và kết quả không chính xác dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Giáo sư dịch tễ học David Fisman tại Trường ĐH Toronto cho rằng cách giới chức xác định ca nhiễm virus thường thay đổi khi họ hiểu thêm về bệnh.

Theo ông, "người ta có thể thay đổi định nghĩa ca nhiễm để tạo ra ảo tưởng rằng tình hình khống chế dịch đang tốt hơn. Trong trường hợp này, Trung Quốc đã làm điều ngược lại. Họ mở rộng cách xác định khi họ cần để không bỏ sót các trường hợp. Và giờ khi mọi thứ đang được kiểm soát, họ thu hẹp tiêu chí để làm cho nó nhất quán hơn nhằm theo dõi những gì đang thực sự xảy ra".

Bác sĩ thăm khám một bệnh nhân tại Bệnh viện Đồng Tế ở Vũ Hán. Ảnh: TUẦN SAN NAM PHƯƠNG NHÂN VẬT

Bác sĩ thăm khám một bệnh nhân tại Bệnh viện Đồng Tế ở Vũ Hán. Ảnh: TUẦN SAN NAM PHƯƠNG NHÂN VẬT

Nhà dịch tế học người Mỹ gốc Hoa Eric Feigl-Ding cho rằng việc thay đổi cách tính 2 lần trong 1 tuần là "rất bất thường". Còn nhà dịch tễ học Jonathan Read của Trường ĐH Lancaster ở Anh nhận định số liệu được thống kê với phương pháp không nhất quán khiến các học giả khó hình dung được bức tranh toàn cảnh về xu hướng dịch bệnh. Ông Jonathan Read cho rằng việc thay đổi quá thường xuyên không giúp ích gì cho mục đích theo dõi tình hình.

Dù vậy, bình luận về việc Trung Quốc thay đổi cách đếm 3 lần, bà Sylvie Briand, Giám đốc Vụ các bệnh lây nhiễm và dịch bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 21-2 cho rằng đây là điều bình thường trong một đợt bùng phát dịch bệnh.

H.Bình (Theo CNN, Reuters)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-trung-quoc-doi-cach-tinh-lien-tuc-who-noi-binh-thuong-20200222092557747.htm