COVID-19 và nỗi đau của trẻ mồ côi
Nghiên cứu về thực trạng trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 được thực hiện với sự phối hợp của Trường Imperial College London (Anh), Đại học Oxford (Anh), Đại học Toàn cầu London (UCL), Đại học Cape Town (Nam Phi), Đại học Harvard (Mỹ), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thế giới không có trẻ mồ côi và Tổ chức Bảo vệ trẻ em Maestral International.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, các biện pháp phòng, chống dịch như phong tỏa, đóng cửa trường học đã làm giảm nghiêm trọng năng lực của các hệ thống và dịch vụ bảo vệ trẻ em. Bên cạnh cha mẹ, ông bà cũng đóng vai trò là người chăm sóc chính cho trẻ. Ở Mỹ và Anh, khoảng 40% ông bà sống với cháu đóng vai trò là người chăm sóc chính. Ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, ông bà thường đóng vai trò là người giám hộ, chăm sóc những cháu có cha mẹ đi làm xa, chết vì HIV/AIDS hoặc các nguyên nhân khác. Giờ đây, khi COVID-19 ập đến, trẻ em tiếp tục mất ông bà và có khi là người thân như cô, dì, chú, bác đang đóng vai trò cha mẹ.
Theo bà Bidisha Pillai, Giám đốc Chính sách toàn cầu của Tổ chức Cứu trẻ em (Save the Children), nếu chúng ta không bảo vệ thế hệ này, các em có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Khi trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, thậm chí cả cha và mẹ, các gia đình thường bị đẩy vào cảnh nghèo hơn. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc trẻ sẽ phải bỏ học, đi làm phụ thêm thu nhập cho gia đình. Những em này khó có cơ hội trở lại trường học và có thể mắc kẹt trong vòng lẩn quẩn của nghèo đói.
Save the Children kêu gọi các tổ chức và chính phủ quan tâm khẩn cấp đến hoàn cảnh của trẻ mồ côi, và đảm bảo các em được chăm sóc tốt. Các chính phủ cần xem xét việc củng cố các hệ thống chăm sóc dựa vào gia đình, đảm bảo trẻ mất người chăm sóc vẫn có thể được giữ an toàn trong môi trường gia đình, thay vì được đưa đến các cơ sở nuôi dạy trẻ.
Cùng quan điểm trên, UNICEF tin rằng có những bước mà các chính phủ và cộng đồng viện trợ quốc tế cần thực hiện ngay bây giờ để đảm bảo các gia đình được nhận các dịch vụ bảo trợ xã hội, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho trẻ mồ côi. Cũng theo UNICEF, các dịch vụ bảo vệ trẻ em phải được tăng cường, bao gồm gia tăng lực lượng lao động trong các ngành dịch vụ xã hội dành cho trẻ em và lực lượng trợ giúp các gia đình dễ bị tổn thương.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành của UNICEF nhận định: Trẻ em mất đi sự chăm sóc của cha mẹ, người thân có thể chịu đựng những tổn hại về thể chất, tâm lý, tình cảm và xã hội, với hậu quả kéo dài suốt đời. Những em này cũng có nhiều khả năng bị bạo lực, lạm dụng, bỏ rơi và bị bóc lột. Vì vậy, phải bảo vệ quyền được sống và lớn lên của trẻ em trong một môi trường hỗ trợ sự phát triển về thể chất, tâm lý, xã hội và tình cảm của các em.
Một nỗ lực phối hợp lâu dài để bảo vệ trẻ em mồ côi do COVID-19 nên bao gồm: Liên tục cập nhật số trẻ em mồ côi do COVID-19; tăng cường vai trò của gia đình để đảm bảo trẻ mồ côi được chăm sóc tại gia đình và mở rộng phạm vi bảo trợ xã hội; thực hiện giám sát định kỳ tình trạng sức khỏe của trẻ mồ côi, đảm bảo các em được sống trong môi trường an toàn, được bảo vệ và được tiếp cận với các dịch vụ.
Theo CDC, thông qua nhiều cách hỗ trợ tài chính từ chính quyền, các tổ chức từ thiện và các nhà hảo tâm, chúng ta nên giữ trẻ mồ côi ở lại gia đình hơn là đưa các em đến các trung tâm nuôi dạy trẻ. Từ đó, giúp các gia đình chăm sóc và nuôi dạy trẻ em mồ côi tốt hơn.