Covid-19 và sự cần thiết của cơ chế đa phương

QĐND - Đại dịch Covid-19 đã tác động đa diện, gây khủng hoảng tới đời sống, chính trị, kinh tế-xã hội toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch cũng mang lại cho chúng ta rất nhiều bài học. Một trong số đó là sự cần thiết của cơ chế hợp tác đa phương trong chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh.

Đây là điều đã được nhắc tới trong báo cáo sơ bộ, công bố tối 18-1, của Ủy ban độc lập về công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch (IPPR) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do Covid-19 vẫn không ngừng phá những mốc kỷ lục từng thiết lập. Tính từ ngày 1-1 đến nay, thế giới ghi nhận trung bình gần 12.500 ca tử vong mỗi ngày. Trong khi đó, vẫn còn sự chia rẽ giữa các quốc gia và khu vực trong việc đối phó với đại dịch. Minh chứng là cuộc đua sở hữu vaccine ngừa Covid-19 cùng nguy cơ "chủ nghĩa dân tộc" chưa được loại bỏ. Nỗ lực tập thể nhằm kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ các nước nghèo chống chọi Covid-19 và phục hồi sau đại dịch còn chưa chắc chắn... Thực tế này đặt ra thách thức lớn với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế, trong khi đây lại là yêu cầu cấp thiết và là lựa chọn tốt nhất để đưa thế giới vượt qua đại dịch.

Các loại vaccine ngừa Covid-19 phải là hàng hóa chung toàn cầu. Ảnh: news.un.org

Các loại vaccine ngừa Covid-19 phải là hàng hóa chung toàn cầu. Ảnh: news.un.org

Cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, đồng Chủ tịch IPPR cho rằng: “Căng thẳng về địa chính trị đã cản trở hành động ứng phó với đại dịch, thay đổi cách thức mà hệ thống quốc tế và các quốc gia dùng để phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ y tế toàn cầu”. Nói như vậy để thấy rằng tất cả quốc gia chỉ có thể chặn đứng dịch bệnh nếu cùng hợp tác. Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình vượt qua đại dịch.

Cũng bởi lý do này, trong bài phát biểu ngày 18-1, tại buổi lễ trực tuyến chuyển giao chức Chủ tịch Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc năm 2021 từ Guyana cho Guinea, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia, đặc biệt giữa các nền kinh tế phát triển và các quốc gia đang phát triển.

Tổng thư ký Guterres cho rằng, với những chính sách thông minh và đầu tư đúng đắn, thế giới có thể hoạch định con đường mang lại sức khỏe cho tất cả mọi người, vực dậy các nền kinh tế và tạo dựng khả năng phục hồi. Tuy nhiên, để làm được điều này, các nước đang phát triển cần có các nguồn lực cần thiết để đầu tư tạo việc làm, đưa giáo dục cùng hoạt động kinh doanh trở lại quỹ đạo nhằm phát triển tiến bộ, xanh hơn và tốt hơn. Do đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước phát triển, các thể chế tài chính và các ngân hàng phát triển cần ủng hộ quốc tế nhiều hơn, theo đó, giãn nợ cho tất cả những nước có nhu cầu để không nước nào phải chịu sức ép lựa chọn giữa cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân với việc trả nợ. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cần hành động hơn nữa để tăng các nguồn tài chính sẵn có dành cho các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh cần đẩy lùi tình trạng bất công và bất bình đẳng vẫn đang hiện hữu, cũng như cần chia sẻ công bằng hơn quyền lực, nguồn lực và cơ hội. Ông cho rằng, 2021 phải là năm bước ngoặt đối với vấn đề này. Theo đó, các loại vaccine ngừa Covid-19 phải là hàng hóa chung toàn cầu và có sẵn cho mọi người, ở mọi nơi. Điều này đòi hỏi việc gây quỹ đầy đủ cho liên minh toàn cầu mang tên "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT)" và chương trình chia sẻ vaccine COVAX. Những nhà sản xuất vaccine cần đẩy mạnh cam kết trong việc hợp tác với COVAX và nhiều nước, đặc biệt là các nền kinh tế hàng đầu thế giới nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ và phân phối công bằng vaccine. Ông cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc về vaccine" là tự chuốc lấy thất bại và sẽ làm trì hoãn sự hồi phục toàn cầu.

Thế giới đang chịu "cơn sốc" lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua do đại dịch Covid-19 mang lại. Chủ nghĩa đa phương đứng trước những thách thức chưa từng có, song có thể khẳng định các giá trị toàn cầu thông qua các cơ chế đa phương vẫn được thế giới tôn vinh, hợp tác toàn cầu tiếp tục là dòng chủ lưu trong các quan hệ quốc tế thời Covid-19.

HÙNG HÀ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=154877