COVID-19: Việt Nam chưa cần giãn cách xã hội

Các bước đi, phương châm của Việt Nam từ trước tới nay không có gì thay đổi: Phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch - điều trị.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, đến thời điểm này đang được kiểm soát tốt. Vậy nên chưa cần giãn cách xã hội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có những chia sẻ, trao đổi trong sáng 11-5 tại buổi giao ban với lãnh đạo các cơ quan về làn sóng thứ tư dịch COVID-19 với nhiều ca dương tính ở nhiều tỉnh, thành.

Trong tư cách trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết những ngày gần đây, lãnh đạo Chính phủ thường xuyên nhận được những ý kiến, kiến nghị, trong đó có đề xuất “cần có chính sách mạnh hơn, kiểu như giãn cách xã hội”.

“Thủ tướng gần như ngày nào cũng đặt câu hỏi với tôi, như có cần giãn cách không? Tôi với tư cách là Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo, trả lời rằng “chưa” – ông Vũ Đức Đam kể.

Kiên trì mục tiêu kép, lãnh đạo phải đi dây

Ông Đam chia sẻ ngay từ khi dịch mới xâm nhập đầu năm 2020, khi ông còn kiêm nhiệm bộ trưởng Y tế, đồng thời giữ vai trò trưởng ban chỉ đạo, nếu chỉ đặt mục tiêu phòng chống dịch thì dễ nhất là “giãn cách xã hội sớm nhất, khoanh vùng, cách ly rộng nhất”.

Nhưng quan điểm chỉ đạo ngay từ lúc đó là phải thực hiện mục tiêu kép. Vậy nên “luôn phải cân nhắc, đi dây, đây chính là bản lĩnh của lãnh đạo, nước nào cũng thế”.

Trở lại với thời điểm này, khi làn sóng COVID-19 thứ tư đang đẩy con số phát hiện ca dương tính mỗi ngày lần đầu tiên lên trên 100, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Việt Nam vẫn là một trong những nước chống dịch tốt nhất thế giới”.

Dẫn chứng số liệu thống kê, ông cho biết về tổng số ca nhiễm, Việt Nam xếp thứ 176 nhưng tỉ lệ số ca bị nhiễm bệnh trên 1 triệu dân thì đứng thứ 214/220 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Điều đó khẳng định những quan điểm mang tính nguyên tắc chiến lược của chúng ta đến giờ phút này hoàn toàn đúng đắn”.

Qua mỗi đợt dịch, điều hành, chỉ đạo trên thực tế lại được điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn như đợt lây nhiễm này, Thủ tướng vẫn giao quyền quyết định cho các tỉnh, TP nhưng nếu cách ly khu vực nào liền sát tỉnh bên thì lãnh đạo các tỉnh liên quan phải ngồi bàn, thống nhất với nhau và phải được Thủ tướng đồng ý mới được áp dụng.

Cũng như vậy, quan điểm xuyên suốt của ban chỉ đạo là khi phát hiện có ca lây nhiễm mới thì khoanh vùng nhanh nhất có thể nhưng cũng phải gọn nhất. Chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn thì tạm thời khoanh rộng hơn nhưng phải khẩn trương xác định các yếu tố dịch tễ để xác định lại phạm vi khoanh vùng.

Những điều chỉnh nhỏ như vậy chính là để giảm hậu quả tiêu cực về mặt kinh tế mà các biện pháp giãn cách xã hội mang lại.

Phó Thủ tướng nói: “Các bước đi, phương châm thì chúng ta nói rất rõ là năm bước: Phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch - điều trị. Những cái đó đến giờ phút này không thay đổi.

Chúng ta thực hiện mục tiêu kép và đến giờ phút này, dù ai bình luận gì đi nữa thì một thực tiễn là Việt Nam không những chống dịch tốt mà kinh tế vẫn tăng trưởng, chi phí chống dịch ở mức thấp. Rõ ràng vị thế của Việt Nam tăng lên có phần do chống dịch”.

Phun khử khuẩn một đoạn đường Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP.HCM) do liên quan ca tái dương tính COVID-19. Ảnh: MINH TÂM

Phun khử khuẩn một đoạn đường Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP.HCM) do liên quan ca tái dương tính COVID-19. Ảnh: MINH TÂM

Cơ bản kiểm soát được bốn chuỗi lây nhiễm

Ngày 11-5, cả nước không phát hiện thêm ổ dịch nào. Trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 71 ca nhiễm mới.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư này, có ngày số ca F0 phát hiện mới lên tới hơn 100. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia, không nên quá hoang mang bởi về cơ bản, số phát hiện mới này đều nằm trong nhóm F1, F2 đã được xác định, cách ly từ trước.

>

Tuy nhiên, cũng theo ông Đam, về kết quả truy vết, vẫn còn một trường hợp ở Hải Dương, một trường hợp ở Đà Nẵng là chưa xác định được nguồn lây từ đâu. Ngoài ra, với ổ dịch BV Bệnh nhiệt đới trung ương Cơ sở 2, truy xuất camera và xét nghiệm những người có liên quan ở tầng 6 - nơi lâu nay vẫn tập trung điều trị cách ly bệnh nhân COVID-19 thì chưa có cơ sở để nói là lây từ nguồn nội viện. Chính vì vậy, khả năng nguồn bệnh ở ngoài vào vẫn được đặt ra.

“Nguồn F0 trôi nổi bên ngoài là nỗi lo lớn. Tuy nhiên, nếu người dân ủng hộ Chính phủ, tuân thủ 5K thì hoàn toàn có thể cắt đứt việc lây nhiễm ở bên ngoài” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cuộc chiến vaccine đang rất căng thẳng

Một giải pháp mang tính lâu dài là vaccine. Hơn một năm trước, ngay từ ngày đầu của đại dịch COVID-19 toàn cầu, Chính phủ đã giao các bộ KH&CN, Y tế, Quốc phòng tập trung toàn lực để nghiên cứu, sản xuất vaccine. “Lúc đấy chúng tôi đã dự báo cuộc chiến về vaccine sẽ cực kỳ căng thẳng. Nước nào có được vaccine sớm nhất thì nước đó sẽ tranh thủ được thời cơ” - ông Đam nói.

Trong tinh thần ấy, Chính phủ đã trình và Bộ Chính trị thống nhất chủ trương tìm mọi cách, từ nhập khẩu cho đến sản xuất trong nước để có vaccine sớm nhất, tiêm được cho người dân nhiều nhất.

Tuy nhiên, đi vào cụ thể rất khó khăn, bởi cung cầu rất căng thẳng, điều kiện mà các hãng vaccine đặt ra rất cao và cũng nhiều rủi ro, cả về chất lượng, cả về dư luận. “Thủ tướng có kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia quá trình tìm kiếm nguồn nhưng tất cả đều kêu khó. Có anh mạnh miệng bảo có thể đàm phán được 10 triệu liều nhưng sau thực tế là không thể. Vì tất cả hãng dược đều yêu cầu phải có sự tham gia của Chính phủ. Những liều vaccine đầu tiên mà chúng ta có để tiêm là theo cách hợp tác công tư như vậy. Hoàn toàn phi lợi nhuận”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đang có những hiểu biết chưa đầy đủ về con số mấy chục triệu liều vaccine mà Việt Nam sẽ có theo chương trình Covac của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. “Đấy là cam kết mang tính nguyên tắc, chưa có gì chắc chắn cả. Bởi quyền chủ động là từ bên ngoài. Nếu thấy các nước khác tình hình dịch bệnh nguy cấp hơn thì họ sẽ chuyển hướng tập trung. Việt Nam chống dịch tốt nên chưa được ưu tiên”.

Về sản xuất vaccine trong nước, theo ông Đam cũng còn nhiều thách thức. Ban đầu có bốn doanh nghiệp đăng ký nhưng về sau chỉ có hai theo đuổi thực sự với các sản phẩm đã được đưa ra thử nghiệm theo quy trình. “Yêu cầu về sản xuất vaccine là rất cao. Nhưng thực tế một số nước, trong tình trạng khẩn cấp như thế này đã phải cắt bớt các bước thử nghiệm để đưa vào sử dụng, từng bước, theo diện rộng. Đây là điều không dễ dàng”.

Trước thực tế vaccine nhập khẩu và sản xuất trong nước như vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tiếp tục tuyên truyền để người dân tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế như 5K để tự phòng chống, bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng.

“Đến cuối năm nay, chúng ta mới có một lượng vaccine nhất định. Nhưng có tiêm hết cũng chưa đủ để miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, vẫn phải tiếp tục thực hiện những biện pháp giống như khi chúng ta chưa có vaccine” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Số ca lây nhiễm trong nước tăng mỗi ngày, từ 1 đến 11-5

Số ca lây nhiễm trong nước tăng mỗi ngày, từ 1 đến 11-5

Từ kịch bản 10.000 đến kịch bản 30.000 ca bệnh

Từ diễn biến các đợt bùng phát dịch và kết quả của công tác phòng chống, Thủ tướng Phạm Minh Chính đang yêu cầu xây dựng kịch bản để sẵn sàng ứng phó với tình huống 30.000 ca mắc COVID-19, thay vì như trước đây chỉ nghĩ tới khả năng 10.000 ca.

“Chỗ này, chỗ khác các đồng chí nói là sẵn sàng với bất cứ tình huống nào là cho vui, chứ phải tính toán, lên kịch bản cả. Bởi với mỗi quy mô thì tương ứng là các điều kiện hậu cần, vật chất, là sản xuất, cung ứng, mua sắm. Rồi từ kịch bản cả nước, các tỉnh phải có kịch bản, kế hoạch cho riêng mình” - ông Đam cho biết.

Bên cạnh việc phát hiện, dập dịch trong nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần kiểm soát chặt đường biên giới, nhất là khi tình hình dịch bệnh ở các nước trong khu vực đang diễn biến phức tạp. “Xuất nhập cảnh trái phép là mối nguy rất lớn và cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Quan điểm của Chính phủ là rất cương quyết và đã có chỉ đạo trong hệ thống hành pháp xử lý nghiêm khắc” - ông nói.

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/covid19-viet-nam-chua-can-gian-cach-xa-hoi-984520.html