COVID có gây ra bệnh đái tháo đường không?
Chúng ta đã biết người đái tháo đường (ĐTĐ) có nguy cơ mắc COVID-19 nặng và tỉ lệ tử vong cao hơn người bình thường. Vậy COVID-19 có thể gây ra ĐTĐ không?
1. Gần 50% bệnh nhân có lượng đường máu tăng cao hơn sau COVID-19
Một nghiên cứu trên hơn 3.800 bệnh nhân COVID-19 (đối tượng là những người chưa có tiền sử tăng glucose máu trước đó) cho kết quả: Gần 50% bệnh nhân có lượng glucose máu tăng cao hơn bình thường sau khi mắc COVID-19. Con số này lên tới 91% ở nhóm bệnh nhân phải đặt nội khí quản.
Trong đó, các nhà khoa học cho rằng, tình trạng này liên quan đến tế bào mô mỡ. Tế bào mô mỡ ngoài nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho cơ thể, nó còn những nhiệm vụ sau: Là cấu trúc của màng tế bào; hấp thụ một số vitamin như A, D, E, K; là nguyên liệu tổng hợp các hormone steroids (hormone sinh dục, thượng thận)... Ngoài ra, chất béo còn sản xuất hormone (leptin) giúp cân bằng chuyển hóa. Leptin làm giảm sự thèm ăn của chúng ta bằng cách tác động lên các trung tâm ở não để giảm cảm giác thèm ăn.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng: COVID-19 có thể đã làm gián đoạn sản xuất một số hormone của mô mỡ, đây có thể là nguyên nhân gây ĐTĐ ở một số người nhiễm COVID-19.
Nguy cơ xuất hiện ĐTĐ mới mắc ở người dưới 18 tuổi sau nhiễm COVID-19.
Kết quả nghiên cứu quan sát mới được công bố dựa trên dữ liệu bệnh án điện tử được thực hiện tại Mỹ, trên 532.332 trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 trong thời gian từ tháng 3.2020 đến tháng 6.2021, cho thấy: Ở những trẻ em mắc COVID-19, nguy cơ chẩn đoán ĐTĐ mới mắc cao hơn gấp 2.66 lần so với những trẻ em không mắc COVID-19.
Người có nguy cơ mắc đái tháo đường nên làm gì với COVID-19?
Các nhà khoa học khuyến cáo, đặc biệt là những người thừa cân, béo phì đó là:
-Nên theo dõi đường huyết ở trẻ em vài tháng hậu COVID-19 và chú ý đến những triệu chứng của đái tháo đường mới mắc như tiểu nhiều, khát nước, gầy sút cân, mệt mỏi…để phát hiện sớm ĐTĐ mới mắc.
- Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi đủ điều kiện là chìa khóa giúp phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 và hạn chế những biến chứng mạn tính của COVID-19 ở trẻ em dưới 18 tuổi.
- Giảm cân nặng cơ thể: Việc giảm 5-7% cân nặng cơ thể không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc ĐTĐ và còn giảm nguy cơ mắc covid nặng và tử vong.
- Giảm chỉ số vòng eo (vòng bụng): Thừa cân, béo phì không chỉ là chỉ số BMI hay cân nặng mà còn là phân bố mỡ trong cơ thể. Trong đó, mỡ vùng bụng (mỡ nội tạng) là vùng mỡ xấu, làm tăng đề kháng Insulin và nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, cần tập trung giảm trước.
- Chỉ cần có chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý, cân đối, giảm stress, ngủ đủ giấc đã giúp chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh.
Mời độc giả xem thêm video:
TS.BS.Nguyễn Thu Hiền