CPTPP kéo kim ngạch thương mại Việt Nam - Canada lên mức kỷ lục nhưng dư địa còn rất lớn
Nhờ CPTPP, kim ngạch thương mại hàng hóa Canada - Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp tác động của COVID-19. Tuy vậy, theo giới chuyên gia, dư địa thương mại song phương còn rất lớn. DN cần tăng cường chủ động trong việc tìm hiểu các yêu cầu của đối tác và phải sửa mình để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Một ví dụ về thành công ban đầu của CPTPP
Tại Hội thảo Quan hệ thương mại Việt Nam - Canada: Đánh giá 2 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Hướng tới tương lai bền vững hậu COVID-19 do Đại sứ quán Canada tại Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức sáng 23/3 tại Hà Nội, bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết, Hiệp định CPTPP đã cải thiện khả năng tiếp cận cho hoạt động thương mại và dịch vụ giữa Canada và Việt Nam, củng cố một bộ quy tắc chung, giảm chi phí đối với thương mại và giúp cho hoạt động đầu tư dễ dự đoán hơn. Điều này giúp cải thiện lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm tại hai thị trường Canada và Việt Nam.
"Nhờ CPTPP, kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Canada - Việt Nam đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ USD trong năm 2020, tăng 12% so với năm trước và 37% hai năm khi hiệp định đi vào hiệu lực bất chấp tác động to lớn từ đại dịch COVID-19 đối với thương mại toàn cầu", Đại sứ Canada tại Việt Nam thông tin.
Tổng giá trị của xuất khẩu Việt Nam sang Canada tăng gần 16% vào năm 2020, với sự gia tăng đáng kể đối với điện thoại di động, giày dép, đồ nội thất và may mặc. Những lợi ích này sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Hiệp định CPTPP mở rộng thông qua việc phê chuẩn và gia nhập của các thành viên mới.
Chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI - cho biết con số trên còn ở mức khiêm tốn nhưng so với các đối tác khác trong CPTPP cũng cao hơn gấp nhiều lần.
"Điều này cho thấy trong thời gian vừa rồi, cụ thể là trong 2 năm qua, chúng ta đã tận dụng được CPTPP để tăng cường xuất nhập khẩu (XNK) giữa hai bên. Qua đây, có thể xem quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Canada như một điểm sáng, một ví dụ về thành công ban đầu của CPTPP trong quan hệ giữa hai nước", bà Trang chia sẻ.
Tiềm năng thương mại Việt Nam - Canada còn rất lớn
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Trang, so với tiềm năng thì tăng trưởng đó vẫn còn rất hạn chế. Ở Canada, hàng hóa của Việt Nam vào Canada mới chiếm khoảng 1,16% tổng nhập khẩu của Canada. Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu từ Canada vào Việt Nam thì hàng hóa Canada mới chiếm khoảng 0,34% thị phần tổng nhập khẩu vào Việt Nam.
"Điều đó cho thấy dư địa phát triển trong xuất nhập khẩu giữa hai bên là rất lớn. Nếu chúng ta làm được thì không chỉ tạo cơ hội chỉ cho hoạt động thương mại XNK hàng hóa, mà còn là cơ hội cực kỳ tốt để chúng ta thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên ở lĩnh vực dịch, mà trước hết là dịch vụ phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, tiếp theo là những hoạt động dịch vụ khác để phát triển trong tổng thể quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Canada", Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập chia sẻ.
Có thể nói, dư địa và tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Canada là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam gần như không có khái niệm gì về thị trường Canada.
Giải đáp câu hỏi "Có vướng mắc gì mà doanh nghiệp Việt chưa khai thác được thị trường tiềm năng lớn này?", bà Trang cho biết, trong nhiều năm qua, chúng ta mới chỉ tập trung khai thác những thị trường gần hơn và có ưu thế hơn trong XNK hàng hóa. Lý do là thị trường ở xa thì trước hết chi phí về XNK, vận chuyển, bảo hiểm và những chi phí khác liên quan đến vận chuyển hàng hóa cũng tốn kém hơn. Thứ hai, Canada là thị trường tương đối mới và lạ so với DN Việt Nam cho nên đối với các DN nước ta việc làm quen với những yêu cầu về XNK của Canada không phải là dễ dàng, chưa nói đến chuyện là hiểu về thị trường, hiểu về đặc điểm phân phối cũng như nhu cầu thị trường người tiêu dùng ở Canada. Ngược lại, với Canada thị Việt Nam cũng là thị trường tương đối mới.
Tuy vậy, theo đánh giá của bà Trang, dường như những hạn chế trên đang được giảm bớt nhờ có CPTPP. Với những lợi thế về mặt thuế quan và lợi thế về giảm bớt rào cản phi thuế quan, thì rõ ràng chi phí mà DN phải bỏ ra để vận chuyển hàng hóa cao nhưng lại được bù đắp bởi lợi thế về chi phí bỏ ra cho thuế và hàng rào phi thuế quan khác.
"Rõ ràng đây là một động lực rất là tốt để chúng ta nghĩ đến mối quan hệ với một thị trường mới. Tôi biết trong số những DN không biết về CPTPP hay không biết về thị trường Canada thì có khá nhiều DN vẫn làm hội nhập, họ không lạ lẫm với hội nhập. Tuy vậy, dường như trong một góc độ nào đó, DN hay làm theo cái gì đã quen, cái gì mà DN cảm thấy mình mạnh. Nhưng theo nhiều chuyên gia, trong thời điểm này, và đặc biệt trong những khó khăn của hiện tại, việc khai phá và dấn thân đi qua những khó khăn, đi qua vùng an toàn mà lâu nay chúng ta đã làm, đó chính là cơ hội để DN thành công.
Vì thế, tôi nghĩ, với động lực từ CPTPP cũng như với sức ép từ bối cảnh khó khăn phải tìm kiếm thị trường mới thì rõ ràng trong giai đoạn tới có rất nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng cho quan hệ thương mại, ít nhất là thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Canada", bà Trang nhận định.
Theo bà Trang, CPTPP là con đường cao tốc giúp cho DN có lối đi thuận lợi. Tất nhiên, để có thể đi được trên con đường cao tốc đó, có những điều kiện nhất định, chẳng hạn, để được hưởng ưu đãi thuế quan, DN phải đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ. Hay để tiếp cận thị trường Canada, DN phải đáp ứng được các quy định riêng của phía Canada mà không thể hiện trong CPTPP.
"Nhu cầu của thị trường là lớn, tiềm năng là sẵn có. Yêu cầu đặt ra là DN phải hiểu biết, tăng cường chủ động trong việc tìm hiểu các yêu cầu và phải sửa mình để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng để đáp ứng nhu cầu, qua đó tận dụng được cơ hội" bà Trang lưu ý.