Crime journalism - tiếp cận từ các học thuyết truyền thông

Tội ác luôn là chủ đề bí ẩn và báo chí viết về tội phạm (Crime journalism) luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với công chúng bởi nó đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng về một khía cạnh bất thường của đời sống. Nhưng không phải công chúng luôn cần nó một cách bất chấp... Cùng luận giải một số học thuyết truyền thông có liên quan đến cơ chế tác động của thông tin tới công chúng để làm rõ vấn đề này.

Mô hình truyền thông của Lasswell (1948) và Claude Shannon (1949) được coi là mô hình truyền thông phổ biến nhất, chỉ ra con đường hình thành và tác động của thông tin tới công chúng. Theo Lasswell, bắt đầu từ nguồn phát (Sender - chủ thể truyền thông), thông điệp (Message) được mã hóa sẽ truyền tải các kênh truyền thông (Chanel) đến với người tiếp nhận thông điệp (Receive). Đây là mô hình truyền thông đơn giản nhưng khi cần chuyển tải những thông tin khẩn cấp thì rất thuận lợi. Tuy nhiên, mô hình này là mô hình một chiều vì nó chưa đề cập đến thông tin phản hồi từ đối tượng tiếp nhận, mặc dù đây là một yếu tố quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông.

Mô hình truyền thông của Claude Shannon đã khắc phục nhược điểm trên khi nhấn mạnh vai trò quan trọng của thông tin phản hồi từ đối tượng tiếp nhận, thể hiện rõ hơn sự tương tác giữa chủ thể và khách thể truyền thông. Đồng thời, mô hình này còn chú ý đến hiệu quả truyền thông - tức là hiệu ứng xã hội được tạo ra phù hợp với mong đợi của chủ thể truyền thông.

Phiên tòa này xét xử một vụ án giết người man rợ nhưng điều cốt lõi công chúng cần là báo chí truyền tải bài học rút ra từ vụ án.

Phiên tòa này xét xử một vụ án giết người man rợ nhưng điều cốt lõi công chúng cần là báo chí truyền tải bài học rút ra từ vụ án.

Mấy thập kỷ sau, tại Mỹ, hai chuyên gia truyền thông Mỹ là Maxwell Mccombs và D.Shaw cho ra đời Học thuyết "Angeda Setting" (Thiết lập chương trình nghị sự) trong đó nhấn mạnh đến vai trò của chủ thể truyền thông trong việc thiết lập có chủ đích những thông tin mà họ muốn "găm" vào nhận thức của công chúng. Dựa trên nền tảng nghiên cứu là những bản tin mà các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin về cuộc bầu cử Tổng thống năm 1968 và các cuộc điều tra ảnh hưởng tới cử tri, học thuyết "Angeda Setting" đã chỉ ra rằng, việc đưa tin về thế giới bên ngoài của cơ quan truyền thông không phải là sự phản ánh theo kiểu "soi gương", mà là một hoạt động lựa chọn có mục đích. Cơ quan truyền thông dựa vào giá trị quan và mục đích đưa tin của mình, từ môi trường thực tế "lựa chọn" ra vấn đề hoặc nội dung mà họ coi là quan trọng nhất để gia công, sắp xếp, sau đó cung cấp cho công chúng bằng phương thức "đưa tin đúng sự thật" .

Như vậy, những chuyện mà các hãng truyền thông coi là "chuyện đại sự" để lựa chọn đưa tin thì cũng sẽ là "chuyện đại sự" được phản ánh trong ý thức công chúng. Thực tế cho thấy, thông tin nào được truyền thông sắp đặt lựa chọn đưa thường xuyên, liên tục, đậm nét thì dần dần sẽ hình thành những ghi nhớ về nó trong nhận thức của công chúng. Sự lựa chọn có sắp đặt của truyền thông sẽ khiến cho những thông tin mà họ muốn sẽ trở thành thông tin quan trọng đối với công chúng.

Do đó, với tư cách là cơ quan truyền thông - kênh thông tin chủ yếu giúp công chúng nắm bắt tin tức từ bên ngoài - có ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức cũng như phán đoán của công chúng với môi trường xung quanh. Maxwell Mccombs và D. Shaw cho rằng, "truyền thông đại chúng có một chức năng sắp đặt "chương trình nghị sự" cho công chúng, các bản tin và hoạt động đưa tin của cơ quan truyền thông ảnh hưởng đến sự phán đoán của công chúng tới những "chuyện đại sự" của thế giới xung quanh". Bằng cách này, báo chí tạo lập nên "chương trình nghị sự" về những nội dung thông tin trên báo chí (media agenda), từ đó, tạo nên những chuyện công chúng bàn luận (public agenda) và cuối cùng là những nội dung các cá nhân ghi nhớ trong đầu (individual agenda).

Tuy nhiên, cho dù các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí tác động tới công chúng hoặc hơn thế, công chúng ngày càng bị "phụ thuộc vào các phương tiện thông tin đại chúng" như Học thuyết của Sandra Ball-Rokeach và Melvin DeFleur (1976), thì hiệu quả truyền thông mới là thang đo cho biết mục đích của hoạt động truyền thông có đạt được hay không và nó được thể hiện ở những mức độ khác nhau. Trong đó, hiệu quả tiếp nhận tức là tác phẩm báo chí có được công chúng đọc không chỉ là cấp độ thấp nhất đánh giá tác động của truyền thông đại chúng đối với xã hội, đành rằng, là điều kiện đầu tiên để dẫn tới các cấp độ hiệu quả sau. Tạo ra hiệu ứng xã hội mới là cấp độ cao nhất của hiệu quả truyền thông. Đó là những biểu hiện của xã hội hình thành do tác động của thông tin từ truyền thông đại chúng. Đó có thể là phản ứng tâm lý, trạng thái tình cảm, những thay đổi về cách ứng xử, thậm chí là những phản ứng, hành vi xã hội rộng lớn trở thành những phong trào, những chuyển động ở nhiều khâu, nhiều mối quan hệ trong phạm vi rộng lớn hơn.

Nhiều nhà nghiên cứu khái quát rằng, đây là những vận động tạo nên sự biến đổi về số lượng, chất lượng của các tiến trình, các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Thế cho nên, từ con đường tác động của thông tin tới công chúng, nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí truyền thông cũng đã chỉ ra và cảnh báo, tác phẩm báo chí đừng chỉ dừng lại ở cấp độ mô tả. Ở cấp độ phân tích, khái quát, thông tin báo chí tìm ra những mối quan hệ bản chất, xác định các giá trị của sự kiện với công chúng nhằm hướng tới mục đích cuối cùng là tác động vào chiều sâu nhận thức của con người, làm cơ sở cho việc xác định phương hướng và phương pháp hành động. Tức là, chất lượng thông tin qua quá trình xử lý thông tin của cơ quan truyền thông sẽ là một trong những yếu tố tối quan trọng làm nên hiệu quả truyền thông.

Ngay từ thập kỷ 40 của thế kỷ XX tại Mỹ, Học thuyết "Sử dụng và hài lòng" ra đời trên cơ sở ban đầu là nghiên cứu về phát thanh của Herta Herzog, một chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu phát thanh - Đại học Columbia cũng đã chỉ ra rằng, công chúng chủ động trong việc tiếp cận thông tin báo chí, xuất phát từ việc tìm kiếm thỏa mãn (gratifications sought) cho đến đạt được thỏa mãn (gratification obtained). Do đó, họ sẽ lựa cái gì họ cần. Sự chủ động lựa chọn, tìm kiếm những thông tin công chúng cần để thỏa mãn nhu cầu bản thân, tự nó sẽ hình thành thái độ không hài lòng/thỏa mãn, thậm chí phản ứng với những thông tin không/ hoặc ít giá trị.

Thử tiếp cận trong lĩnh vực nội dung báo chí viết về tội phạm (Crime journalism), sẽ không quá phức tạp để nhận ra điều đó. Thông tin về tội phạm là một dạng thông tin đặc biệt kích thích với công chúng, bởi kẻ phạm tội và những hành vi, thái độ của chúng luôn chạm đến những cảm xúc sâu thẳm nhất của con người, khiến họ bị xáo động, căm phẫn, kinh tởm, sợ hãi, tò mò, đôi khi là tất cả cảm giác này cùng lúc. Tội ác là chủ đề của sự bí ẩn và chính sự bất thường của thông tin về tội phạm đã thu hút công chúng.

Tuy nhiên, công chúng tìm đến báo chí để tìm kiếm sự thỏa mãn từ những thông tin có ích chứ không phải từ những thông tin gây hoang mang sợ hãi cho họ. Cách nay nhiều thập kỷ, tại Mỹ, trước bối cảnh các đạo diễn ở Hollywood có xu hướng sa đà khai thác và xây dựng các bộ phim giang hồ, đầu rơi máu chảy, với sự gia tăng thái quá những cảnh khiêu dâm, phi pháp, bạo lực trên màn ảnh, Will H. Hays, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, Giám đốc Bưu điện sau trở thành Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và phát hành phim Mỹ (MPPDA), đã đề xuất danh sách gồm 11 điều cần tránh và 25 điều cần xử lý. Theo đó, từ năm 1930 Hollywood đã soạn thảo bộ quy định về sản xuất phim, trong đó, quy định các phim không được xuất hiện các hình ảnh hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức của người xem.

Cũng bởi vậy, khi thông tin về tội phạm được soi chiếu bằng góc nhìn nhân văn, báo chí viết về tội phạm sẽ tác động tới nhận thức, định hướng và góp phần làm thay đổi hành vi của công chúng. Báo chí đưa tin về các vụ phạm tội với mục đích là lên án những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức trong xã hội; cung cấp kiến thức pháp luật; nêu cao các bài học giáo dục, cảnh báo để định hướng, cổ vũ quần chúng nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Kể cả khi báo chí viết về người gây án, phần nội dung dễ bị cho là phản cảm nhất, nhưng nếu không sa đà vào việc liệt kê, mô tả trần trụi các hành vi phạm tội đầu rơi máu chảy mà viết bằng sự đồng cảm, xót thương với những phận người, qua đó phân tích nguyên nhân tội phạm, chỉ ra con đường sa ngã và hậu quả của những u tối, lầm lỡ trong nhận thức thì sẽ vẫn chuyển tải được những thông tin ấm áp, giàu tình người, đồng thời có giá trị cảnh báo với công chúng. Điều đó cho thấy, báo chí viết về tội phạm nếu đảm bảo hàm lượng tính nhân văn sẽ đạt hiệu ứng tác động xã hội tích cực. Báo chí viết về cái ác nhưng để khơi dậy và đề cao cái thiện là vậy...

Đặng Huyền

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/crime-journalism-tiep-can-tu-cac-hoc-thuyet-truyen-thong-i733982/