CSGDĐH thêm tổ hợp xét tuyển có môn Công nghệ, Tin học, GD Kinh tế và Pháp luật
Nhiều cơ sở giáo dục đại học bổ sung thêm 3 môn mới vào các tổ hợp xét tuyển năm 2025, giúp thí sinh mở rộng cơ hội trúng tuyển.
Năm 2025, môn Công nghệ, Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật lần đầu xuất hiện trong danh sách các môn tự chọn tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng thêm tổ hợp xét tuyển có những môn này.
Đại học Bách khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 với nhiều tổ hợp mới.
Cụ thể, nhà trường công bố 11 tổ hợp môn xét tuyển, trong đó, có 1 tổ hợp có sự xuất hiện của môn Tin học là: K01 (Toán, Ngữ văn, Lý/Hóa/Sinh/Tin). Trong đó, Toán (hệ số 3), Ngữ văn (hệ số 1) là 2 môn bắt buộc, kết hợp với 1 trong 4 môn Vật lý hoặc Hóa học hoặc Sinh học hoặc Tin học (nhân hệ số 2).

Bảng mã tổ hợp xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)
Cũng theo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng 3 phương thức xét tuyển là: Xét tuyển tài năng; Xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Theo đề án tuyển sinh năm 2024, mức học phí của Đại học Bách khoa Hà Nội năm học 2024-2025 dao động từ 24 đến 30 triệu đồng/năm học (tùy theo từng ngành) cho các chương trình chuẩn; từ 33 đến 42 triệu đồng/năm học cho các chương trình ELITECH, riêng các chương trình Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo (IT-E10), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14) có học phí dao động 64 – 67 triệu đồng/năm học; chương trình song bằng Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (FL2) có học phí 45 triệu đồng/năm học (đã bao gồm phí ghi danh).
Trường Đại học Vinh
Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của Trường Đại học Vinh, trường dự kiến tuyển sinh theo 5 phương thức xét tuyển, bao gồm: xét tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Vinh; xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; xét tuyển học bạ; xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 với điểm thi năng khiếu đối với 3 ngành: Giáo dục Mầm non, Giáo dục thể chất và Kiến trúc.
Năm 2025, Trường Đại học Vinh bổ sung nhiều tổ hợp xét tuyển mới có sự xuất hiện của các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Cụ thể, nhà trường công bố 8 tổ hợp môn xét tuyển mới đó là K01 (Toán, Ngữ văn, Tin học); A10 (Toán, Vật lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); A11 (Toán, Hóa học, Giáo dục kinh tế và pháp luật); D66 (Ngữ văn, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật); D84 (Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật); C14 (Ngữ văn, Toán, Giáo dục kinh tế và pháp luật); C19 (Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật); C20 (Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Những tổ hợp xét tuyển mới này được áp dụng cho nhiều ngành của Trường Đại học Vinh như: Sư phạm Tin học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Công nghệ tài chính, Kinh tế số, Thương mại điện tử, Công nghệ thông tin, Công nghệ thông tin (chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo), Khoa học máy tính, Quốc tế học, Giáo dục chính trị, Giáo dục Quốc phòng - An ninh,...
Học phí của Trường Đại học Vinh năm học 2025-2026 dự kiến dao động từ 379.500 đến 517.500 đồng/tín chỉ.
Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến có nhiều thay đổi trong tổ hợp môn xét tuyển cho mùa tuyển sinh năm 2025.
Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung môn Tin học vào 2 tổ hợp xét tuyển mới là Toán - Vật lý - Tin học và Toán - Tiếng Anh - Tin học, áp dụng cho tất cả các ngành đào tạo tại nhà trường.
Nhà trường dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức xét tuyển, bao gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2025; xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, xét tuyển theo SAT, A-Level, ACT (bài thi đánh giá năng lực trí tuệ, kiến thức theo chuẩn quốc tế).
Học phí hệ đại học chính quy năm học 2024-2025 (đối với khóa tuyển sinh năm 2024) của Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội dao động từ 32 đến 40 triệu đồng/năm học. Mức học phí có thể được điều chỉnh cho các năm học sau, nhưng không tăng quá 15% mỗi năm.

Môn Tin học được bổ sung vào tổ hợp xét tuyển năm 2025 của Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)
Trường Đại học Thương mại
Theo đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Thương mại công bố 4 tổ hợp mới lần đầu áp dụng là D09 (Toán - Lịch sử - Tiếng Anh), D10 (Toán - Địa lý - Tiếng Anh), D84 (Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật) và TMU (Toán, Tin học/Công nghệ, Tiếng Anh).
Các ngành đào tạo áp dụng xét tuyển bằng những tổ hợp môn mới nói trên bao gồm: Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn, Marketing, Kiểm toán, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế, Tài chính ngân hàng, Thương mại điện tử, Hệ thống thông tin quản lý, Luật kinh tế,...

Khuôn viên Trường Đại học Thương mại. (Ảnh: Phạm Thi)
Năm 2025, nhà trường tuyển sinh theo 6 phương thức bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hoặc thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả học tập cấp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Học phí năm học 2025-2026 tại Trường Đại học Thương mại từ dao động 2.400.000 đến 2.790.000 đồng/tháng cho các chương trình đào tạo chuẩn; 3.850.000 đồng/tháng cho các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP); 260.000.000 đồng/khóa học cho các chương trình đào tạo song bằng quốc tế; 195.000.000 đồng/khóa học cho các chương trình đào tạo tiên tiến. Mức thu học phí hàng năm tăng không quá 12,5% so với năm trước liền kề.
Trường Đại học Lạc Hồng
Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của Trường Đại học Lạc Hồng, trường sẽ bổ sung các tổ hợp xét tuyển mới với sự xuất hiện của môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và Pháp luật.
Các tổ hợp xét tuyển mới được áp dụng vào hầu hết các ngành đào tạo tại trường, như Công nghệ thông tin, Thương mại điện tử, Truyền thông đa phương tiện, Trí tuệ nhân tạo, Quan hệ công chúng, Khoa học môi trường,...

Các tổ hợp môn xét tuyển tại Trường Đại học Lạc Hồng năm 2025 với 3 môn học mới là Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật. (Ảnh chụp màn hình)
Nhà trường dự kiến tuyển sinh theo các phương thức: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Lạc Hồng hoặc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, kết quả kỳ thi tuyển sinh đầu vào đại học V-SAT; xét tuyển thẳng và xét tuyển học bạ.
Theo đề án tuyển sinh năm 2024, học phí năm học 2024-2025 của Trường Đại học Lạc Hồng dao động từ 16.500.000 đến 23.500.000 đồng/kỳ học. Nhà trường cam kết không tăng học phí trong suốt quá trình học.
Trường Đại học Văn Lang
Trường Đại học Văn Lang đã công bố tổ hợp môn xét tuyển chính thức năm 2025. Trong đó, trường bổ sung môn Tin học, Công nghệ và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật vào các tổ hợp xét tuyển, mở rộng lựa chọn cho thí sinh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về yêu cầu liên ngành giữa các lĩnh vực.
Các tổ hợp môn xét tuyển này được áp dụng vào gần như tất cả các khối ngành đào tạo tại nhà trường, bao gồm: Thiết kế, Xã hội Nhân văn - Ngôn ngữ, Luật kinh doanh - Quản lý, Truyền thông, Công nghệ - Kỹ thuật, Kiến trúc, Khoa học Sức khỏe và Du lịch.

Sinh viên trường Đại học Văn Lang. (Ảnh: website nhà trường)
Năm 2025, Trường Đại học Văn Lang tuyển sinh 60 ngành đào tạo hệ đại học hệ chính quy (chương trình tiêu chuẩn) và 16 chương trình đào tạo đặc biệt, theo 6 phương thức xét tuyển, bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông ; Xét học bạ; Xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Thi và xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực V-SAT; Xét tuyển kết hợp với thi tuyển các môn năng khiếu (áp dụng với các ngành năng khiếu); Xét tuyển thẳng.