CSGT được nổ súng khi nào?

Từ vụ cảnh sát giao thông (CSGT) ở Hà Giang nổ súng bắn chỉ thiên, nhiều người đặt câu hỏi những trường hợp nào CSGT được quyền nổ súng.

Nhiều trường hợp CSGT được quyền nổ súng

Ngày 27/9, Công an huyện Yên Minh (Hà Giang) cho biết, sau khi triệu tập 6 người có liên quan lên làm việc, đơn vị đã tạm giữ một người được xác định là người cầm đầu, có hành vi hô hào người dân lao vào đuổi đánh cán bộ CSGT - trật tự, Công an huyện.

Clip: CSGT tỉnh Hà Giang nổ súng bắn chỉ thiên khi bị nhóm đối tượng đuổi và hành hung.

Trước đó, sáng 24/9, tổ công tác gồm 5 cán bộ của Đội CSGT - trật tự, Công an huyện Yên Minh làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tại khu vực xã Mậu Duệ thì phát hiện hai người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nên đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra.

Thấy vậy, người điều khiển đã tăng ga bỏ chạy vào khu vực chợ Mậu Duệ, sau đó đâm, đụng vào một số gian hàng của các tiểu thương. Sau đó, hai người này kêu gọi người thân trong chợ lao ra rồi cùng đuổi, đánh một CSGT của tổ công tác.

Để tự vệ, CSGT này đã phải rút súng công vụ (đạn nhựa) và bắn chỉ thiên hai phát lên trời nhưng đoàn người vẫn đuổi theo tấn công, nên CSGT bị đuổi đánh đã phải chạy vào nhà dân để thoát khỏi sự truy đuổi của nhóm người trên.

Sau khi xảy ra vụ việc này nhiều người thắc mắc, những trường hợp nào thì CSGT được nổ súng để trấn áp?

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khoản 1 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phép người thi hành nhiệm vụ được phép nổ súng trong các trường hợp:

Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Bị nhóm người đuổi đánh, CSGT ở Hà Giang đã phải nổ súng chỉ thiên trấn áp (Ảnh cắt từ clip)

Bị nhóm người đuổi đánh, CSGT ở Hà Giang đã phải nổ súng chỉ thiên trấn áp (Ảnh cắt từ clip)

Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm.

Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

"Như vậy, pháp luật cho phép cảnh sát, trong đó có CSGT nổ súng mà không cần cảnh báo trong các trường hợp như người vi phạm tấn công gây nguy hiểm cho người xung quanh. Đối tượng trực tiếp phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin; truy bắt người phạm tội nghiêm trọng hay truy bắt phương tiện chở tội phạm, hàng cấm.

Trừ những trường hợp đặc biệt theo khoản 2, Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng", ông Lực nói.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Pháp trị (đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Pháp trị (đoàn luật sư TP Hà Nội).

Hạn chế thiệt hại do việc sử dụng súng gây ra

Luật sư Quách Thành Lực cũng cho biết, căn cứ Điều 22 Luật này, khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, CSGT khi sử dụng súng buộc phải tuân theo bốn nguyên tắc sau đây:

Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm mà đối tượng thực hiện để quyết định việc có nổ súng hay không.

Chỉ sử dụng súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi vi phạm của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.

Không sử dụng súng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người đó cũng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Trong mọi trường hợp đều phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng súng gây ra.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/csgt-duoc-no-sung-khi-nao-192230926215157226.htm