CSGT được trang bị vũ khí gì, khi nào được nổ súng?
Ngoài 8 loại súng, lực lượng cảnh sát giao thông còn được trang cấp bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.
Những loại súng được cấp cho CSGT
Trong Thông tư 32/2023 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/9, Điều 13 đề ra những quy định sẽ được áp dụng về trang phục; trang bị phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và vũ khí, công cụ hỗ trợ của cảnh sát giao thông (CSGT) khi tuần tra, kiểm soát.
Cụ thể, khi tuần tra, kiểm soát công khai, cán bộ CSGT mặc cảnh phục, đeo số hiệu, dây lưng chéo theo quy định. Nếu kiểm soát vào buổi tối hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang.
CSGT được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu, bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.
Ngoài ra, lực lượng tuần tra được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên các tuyến giao thông đường bộ, tại trạm CSGT, trên phương tiện giao thông. Mục đích để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định.
Về phương tiện, CSGT được trang cấp xe ô tô, mô tô (màu sơn trắng); xe chuyên dùng lắp đặt đèn, cờ hiệu công an, còi phát tín hiệu ưu tiên. Ngoài ra còn có phương tiện thông tin liên lạc (bộ đàm, điện thoại, máy fax, máy tính lưu trữ, truyền nhận dữ liệu, máy in, còi, loa, rào chắn, cọc tiêu hình chóp nón, biển báo hiệu, dây căng, đèn chiếu sáng).
CSGT được làm gì khi phát hiện nghi vấn phạm pháp?
Điều 18 của Thông tư 32/2023 nêu rõ, nếu có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính, CSGT được khám người, khám phương tiện, đồ vật theo quy định.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, CSGT thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, khi phát hiện vi phạm thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện giao thông, CSGT tổ chức lực lượng dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý.
Nếu không dừng được phương tiện và người vi phạm để kiểm soát, xử lý, thì lực lượng chức năng xác định thông tin về phương tiện, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan thông qua cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác. Sau đó, CSGT gửi thông báo cho chủ phương tiện yêu cầu đến giải quyết.
Đáng chú ý, khi cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, Tổ trưởng CSGT đang làm nhiệm vụ thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ trưởng đơn vị để lấy ý kiến chỉ đạo.
Khi nào CSGT được quyền nổ súng?
Về tình huống nổ súng để trấn áp, khống chế người vi phạm trong một số trường hợp nhất định, Thông tư 65/2020/TT-BCA (đang được áp dụng đến hết ngày 14/9) quy định, CSGT có quyền dừng các phương tiện giao thông đường bộ; kiểm soát giấy tờ của phương tiện, người tham gia giao thông; sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, Thông tư mới nêu việc sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ... tuân theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cùng những quy định khác của pháp luật có liên quan và của Bộ Công an.
Còn theo tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Nghị định 208/2013/NĐ-CP nêu rõ, để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, CSGT có thể áp dụng những biện pháp như giải thích, yêu cầu họ chấm dứt ngay hành vi vi phạm.
Nếu người vi phạm không chấm dứt hành vi vi phạm, thì CSGT cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.
Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, CSGT hoặc lực lượng thực thi công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, khống chế, bắt giữ nghi can, nghi phạm.
"Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan", luật sư viện dẫn.
Tuy nhiên, Nghị định 208/2013 nghiêm cấm người thi hành công vụ vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.