CSIS: Trung Quốc tăng cường năng lực tác chiến điện tử và liên lạc gần Biển Đông
Theo CSIS, quân đội Trung Quốc đang cải thiện năng lực tác chiến điện tử (EW), thông tin liên lạc và thu thập thông tin tình báo gần Biển Đông.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS-Mỹ) ngày 17-12 dẫn hình ảnh vệ tinh đánh giá quân đội Trung Quốc đang thực hiện các bước đáng chú ý nhằm cải thiện năng lực tác chiến điện tử (EW), thông tin liên lạc và thu thập thông tin tình báo gần Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy hoạt động mở rộng của Trung Quốc tại cơ sở Mumian trên đảo Hải Nam. CSIS nhận định động thái này có thể củng cố năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc theo dõi và đối phó các lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động trong khu vực và ngoài không gian.
Theo CSIS, những hoạt động nâng cấp tại cơ sở Mumian là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của quân đội Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực tác chiến điện tử phòng thủ và tấn công.
TQ tăng cường năng lực tác chiến điện tử, liên lạc gần Biển Đông
Theo CSIS, cơ sở Mumian có các nền tảng theo dõi và liên lạc qua vệ tinh (SATCOM) và dường như cũng có các hệ thống có thể được sử dụng trong EW.
Cơ sở này cũng có thể đóng vai trò thu thập thông tin tình báo tín hiệu (SIGINT) - thông tin tình báo được thu thập từ việc đánh chặn và phân tích các tín hiệu nước ngoài hoặc liên lạc từ vệ tinh, radar, nền tảng vũ khí và các hệ thống điện tử khác.
Nhiều trang thiết bị trong khu vực này dường như dành riêng cho việc thu thập thông tin tình báo liên lạc (COMINT) - một lĩnh vực thuộc SIGINT, liên quan việc thu thập thông tin liên lạc giữa các cá nhân và tổ chức.
Theo CSIS, hoạt động lắp đặt tại cơ sở Mumian đã được tiến hành ít nhất từ năm 2018. Hình ảnh vệ tinh được chụp vào ngày 21-11 cho thấy một số hoạt động xây dựng đáng chú ý tại khu vực này thời gian gần đây.
Một khu phức hợp SATCOM / COMINT mới ở phía nam của cơ sở trên - gồm một tòa nhà lớn, một dãy bốn ăng-ten đĩa (ba ăng ten rộng 14 mét và một ăng ten rộng 4 mét) phục vụ SATCOM và việc theo dõi, và ít nhất bốn ăng-ten tháp cao phù hợp cho thông tin liên lạc hoặc EW. Một cơ sở lâu đời hơn ở phía bắc Mumian cũng có một dãy ba ăng-ten tháp, có khả năng được sử dụng trong EW.
Ngoài ra, ảnh vệ tinh cũng cho thấy một số tòa nhà lớn mới đã được xây dựng ở cơ sở Mumian. Trong số đó, một tòa nhà có thể đóng vai trò là trụ sở chung cho toàn bộ khu vực, trong khi một trụ sở khác đóng vai trò là trụ sở chính và điều hành cho tổ hợp SATCOM / COMINT mới.
Tòa nhà thứ ba, có khả năng dành cho nhân viên bảo trì và làm khu nhà ở, cũng được phát hiện ở khu vực.
Xung quanh cơ sở mở rộng có ít nhất 90 phương tiện và xe móc kéo các loại, gồm một số lượng lớn được trang bị ăng-ten.
Theo CSIS, phần lớn hoạt động mở rộng tại cơ sở trên đã được hoàn thành trong hơn một năm. Có thể nhìn thấy trong ảnh vệ tinh từ ngày 30-8-2020 những con đường mới được xây dựng và nền móng của những tòa nhà.
Đến ngày 21-11 năm nay, hầu hết việc xây dựng dường như đã được hoàn thành.
Sự hiện diện của các phương tiện trong ảnh vệ tinh gần đây cho thấy các hoạt động đã thường xuyên được tiến hành trên hầu hết các khu vực mới được xây dựng. Số lượng lớn các phương tiện tại Mumian và việc triển khai cũng như hoạt động của chúng cho thấy địa điểm này có khả năng được sử dụng làm nơi huấn luyện cho các lực lượng quân đội Trung Quốc tham gia thu thập SIGINT và EW.
Mạng lưới cơ sở quân sự của Trung Quốc
Theo CSIS, cơ sở Mumian tại đảo Hải Nam là một phần của mạng lưới cơ sở quân sự của Trung Quốc, được cho là có thể cho phép Chiến khu Nam bộ triển khai lực lượng tại Biển Đông.
Khoảng 135 km về phía đông nam, trên bờ biển phía nam của đảo Hải Nam, là căn cứ hải quân Du Lâm. Đây là nơi đóng quân của lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, cũng như các tàu chiến của Bắc Kinh, gồm cả tàu sân bay Sơn Đông và các tàu tấn công đổ bộ Type 075.
Theo CSIS, Bắc Kinh trước đó đã lắp đặt trái phép các thiết bị liên lạc và radar, cũng như các dải ăng-ten lớn cho SIGINT, trên nhiều thực thể tranh chấp ở Biển Đông — bao gồm trên đá Subi và đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Bắc Kinh cũng đã đặt một mạng lưới thiết bị liên lạc cũng như thiết bị cảm biến nổi và cố định ở vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Theo CSIS, việc mở rộng cơ sở tại Mumian và trang bị các hệ thống điện tử mới ở Biển Đông liên quan kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đặt ưu tiên hàng đầu vào việc không chỉ nâng cấp năng lực EW, mà còn đảm bảo rằng quân đội có thể hoạt động trong môi trường điện tử và không gian mạng.